Nhà bè, kiôt du lịch ‘đe doạ’ di tích Tàu không số Vũng Rô
Nhà bè, kiôt du lịch ‘đe doạ’ di tích Tàu không số Vũng Rô
Hai bè nổi du lịch kinh doanh ngay trong vùng nước bảo vệ của di tích lịch sử quốc gia Tàu không số Vũng Rô (thị xã Đông Hoà, tỉnh Phú Yên) nhưng cơ quan quản lý di tích và chính quyền địa phương chưa xử lý rốt ráo.
Khu vực Bãi Chùa ở vịnh Vũng Rô (xã Hòa Xuân Nam, thị xã Đông Hòa) – bến đón những con tàu không số vận chuyển vũ khí từ miền Bắc chi viện cho chiến trường Khu 5 – là vùng lõi và vùng bảo vệ của di tích lịch sử quốc gia Tàu không số Vũng Rô.
Tuy vậy, tình trạng xâm lấn di tích để kinh doanh của một số người trong thời gian dài chưa được Sở Văn hóa – thể thao và du lịch Phú Yên (đơn vị quản lý di tích) cũng như chính quyền thị xã Đông Hòa xử lý quyết liệt.
Tại sao một khu di tích lịch sử trang nghiêm, hiếm có, nơi dành cho cán bộ, nhân dân và du khách đến viếng thăm, tưởng nhớ lại để những nhà bè du lịch xâm lấn vào sát sạt, mua bán, ăn nhậu ồn ào, xả thải gây nguy cơ ô nhiễm môi trường, canô chạy qua lại vùng lõi di tích như vậy mà nhiều năm nay không giải quyết được?
Anh hùng lực lượng vũ trang Hồ Đắc Thạnh (cựu thuyền trưởng tàu không số năm xưa)
Làm bè nổi, cầu tàu sát vùng lõi di tích
Trong khi nhiều người thành kính dâng hương tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ hy sinh tại di tích lịch sử Tàu không số Vũng Rô, nơi còn xác con tàu không số chìm dưới biển, thì cách đó khoảng 100m về phía đông bắc, hai bè nổi du lịch vẫn dập dìu đón khách đến ăn nhậu, canô ồn ào chạy tung tóe nước.
Sát mép nước trong bờ, một cầu tàu tạm bợ vẫn “hiên ngang” tồn tại để những người trên hai bè du lịch này cập canô chở lương thực, thực phẩm ra bè.
Trong khi đó, phần đất liền ở phía nam Bãi Chùa sát với đường đèo vẫn còn những khu nhà, kiôt được xây dựng chắc chắn; tại đây còn những nền nhà chòi hình lục giác được lát gạch hoa mà theo người dân trước đây đã từng kinh doanh quán nhậu.
Theo ông Nguyễn Văn Tĩnh – chủ tịch UBND thị xã Đông Hòa, di tích lịch sử quốc gia Tàu không số Vũng Rô thuộc quản lý của Sở Văn hóa – thể thao và du lịch Phú Yên.
Hai nhà bè du lịch này ban đầu được kéo vào sát vùng lõi của di tích, cách xác con tàu đắm chỉ vài chục mét, cầu tàu tạm cũng được họ lắp đặt ở vùng nước sát bờ để phục vụ cho nhà bè này.
“Chúng tôi phối hợp với sở vận động chủ các bè kéo ra khỏi vùng bảo vệ 2 của di tích. Bây giờ thì hai bè này cách xác tàu không số hơn 100m, ngoài vùng bảo vệ 2” – ông Tĩnh cho biết.
Vì sao chậm xử lý?
Bà Nguyễn Thị Hồng Thái, quyền giám đốc Sở Văn hóa – thể thao và du lịch Phú Yên, nói theo Luật di sản thì trong vịnh Vũng Rô không cho phép buôn bán bè nổi, nhưng dịch vụ này xuất hiện từ năm 2018, đầu năm 2019 UBND huyện Đông Hòa (nay là thị xã Đông Hòa) có thông báo di dời các bè nổi trong vịnh vào gần bờ trong vịnh Vũng Rô.
“Hai bè nổi này kéo vào khu vực Bãi Chùa từ đầu năm 2019, ở trong vùng bảo vệ 2 của di tích chứ không phải vùng bảo vệ nghiêm ngặt của di tích Tàu không số Vũng Rô. Đầu năm 2019, chúng tôi đề nghị chính quyền Đông Hòa có biện pháp di dời hai bè này khỏi vùng bảo vệ di tích.
Hiện hai bè này nằm lập lờ ở vùng giao nhau giữa vùng nước bên ngoài với vùng bảo vệ 2. Cái khó của ngành là tuy được giao quản lý di tích, nhưng khi xảy ra việc xâm lấn, muốn xử lý thì chúng tôi không có công cụ mà phải phối hợp với các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương” – bà Thái nói.
Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Tĩnh cho hay: “Chúng tôi thống nhất là phải kéo hẳn hai bè nổi du lịch này khỏi tầm nhìn của di tích. Cái khó hiện nay là các bè nuôi hải sản phía ngoài “ngáng đường”, muốn kéo hai bè này ra thì phải “dọn” luồng. Nhưng đây là việc rất khó, vướng quy định pháp luật”.
Theo chủ tịch UBND thị xã Đông Hòa, công tác cưỡng chế, di dời lồng bè nuôi trồng thủy sản ra khỏi khu vực Vũng Rô gặp vướng mắc về xử lý tài sản (tôm, cá sống); chưa xác định được hình thức kiểm tra, kiểm đếm; không có phương tiện trông giữ, bảo quản theo quy định… nên thời gian qua vẫn chưa giải quyết được.
Ông Tĩnh cũng cho biết thị xã Đông Hòa đã xác định trong vùng bảo vệ 2 của di tích Tàu không số Vũng Rô có 1,6ha đất rừng sản xuất hiện có hai hộ sử dụng, làm chòi, lều quán. UBND thị xã Đông Hòa đã chỉ đạo xử lý, vận động hai hộ này tháo dỡ năm chòi gỗ và một nhà sàn mới phát sinh đầu năm 2022.
Đây là một phần đất trong diện tích 200ha đất lâm nghiệp được UBND huyện Tuy Hòa cũ giao cho Tập đoàn Quyết Thắng vào năm 1986. Sau đó, năm 2008 UBND tỉnh Phú Yên thu hồi để phục vụ dự án Nhà máy lọc dầu Vũng Rô.
Tuy nhiên, từ đó đến nay các cơ quan chức năng chưa giải quyết dứt điểm theo quyết định thu hồi đất năm 2008 của UBND tỉnh, tài sản trên đất thu hồi chưa được thanh lý và cắm mốc thu hồi ngoài thực địa nên một số hộ dân tiếp tục sinh sống và trồng cây trên diện tích đất này.
“Hiện chúng tôi đang rà soát hồ sơ, thủ tục, đề nghị UBND tỉnh Phú Yên chỉ đạo để xử lý vấn đề đất đai ở đây” – ông Tĩnh nói.
Bà Cao Thị Hòa An – phó bí thư thường trực Tỉnh ủy, chủ tịch HĐND tỉnh Phú Yên – nói rằng Sở Văn hóa – thể thao và du lịch và UBND thị xã Đông Hòa chưa phối hợp nhịp nhàng, còn đổ cho nhau về trách nhiệm, do vậy Tỉnh ủy yêu cầu UBND tỉnh Phú Yên phải chỉ đạo dứt khoát.
“Đây là việc khó chứ không dễ để xử lý, nhưng kỷ cương phép nước là phải thực hiện nghiêm, đặc biệt là di tích lịch sử quốc gia rất thiêng liêng thì càng phải giữ, phải làm quyết liệt, dứt khoát” – bà An nói.
Vũng Rô là một trong những bến quan trọng của Đường Hồ Chí Minh trên biển. Từ tháng 11-1964 đến tháng 2-1965, bến Vũng Rô đã đón bốn chuyến tàu không số.
Riêng chuyến tàu thứ tư cập bến đêm 15-2-1965 thì sáng hôm sau bị địch phát hiện. Để đảm bảo bí mật và an toàn cho Đường Hồ Chí Minh trên biển, quân ta đã phải phá hủy con tàu, cho chìm xuống biển tại Bãi Chùa.
Vũng Rô được xếp hạng di tích lịch sử quốc gia vào ngày 18-6-1997 và năm 2014 được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam xếp hạng là Top 10 vùng vịnh đẹp của Việt Nam.