Người mắc Alzheimer có xu hướng tăng, độ tuổi trẻ hơn
Người mắc Alzheimer có xu hướng tăng, độ tuổi trẻ hơn
Người mắc Alzheimer đang có xu hướng tăng do tuổi thọ trung bình của người Việt Nam càng lúc càng tăng. Nhiều trường hợp đã mắc Alzheimer diễn tiến nặng hơn khi quay lại điều trị sau thời gian dịch Covid-19.
Tiến sĩ – Bác sĩ Trần Công Thắng, Trưởng đơn vị Trí nhớ và Sa sút trí tuệ, khoa Thần kinh, Bệnh viện Đại học Y Dược (BV ĐHYD) TP.HCM, nhận định: Năm 2017, Việt Nam đã đạt mức dân số già, tương đương có 10% dân số trên 60 tuổi. Tuổi già gia tăng nên bệnh Alzheimer, bệnh chiếm đa số ở nhóm người lớn tuổi, cũng gia tăng. Thực tế, người đến khám về Alzheimer ở đơn vị Trí nhớ và Sa sút trí tuệ – BV ĐHYD TP.HCM cũng gia tăng, nhiều trường hợp đã mắc Alzheimer có xu hướng diễn tiến nặng hơn khi quay lại điều trị lần 2 sau thời gian dịch Covid-19.
Tiến sĩ – Bác sĩ Nguyễn Thị Minh Đức, Trưởng khoa Nội Thần kinh, BV đa khoa Tâm Anh, lưu ý: Trong giai đoạn biểu hiện lâm sàng khởi đầu của Alzheimer là suy giảm trí nhớ nhẹ, thường người bệnh ít tự nhận biết được, và sẽ tiến triển nặng dần theo thời gian, đến giai đoạn nghiêm trọng nhất là mất nhận thức. Tiên lượng sống còn của bệnh nhân (BN) từ 10 – 25 năm, phụ thuộc vào quá trình chăm sóc và điều trị. Đa số người bệnh Alzheimer tử vong là do sau khi mất nhận thức, phải nằm một chỗ mà không được can thiệp y tế hoặc không có người thân chăm sóc, điều trị, dẫn đến nhiễm trùng tiểu, viêm phổi, loét da…
Tiên lượng sống còn của bệnh nhân Alzheimer phụ thuộc vào quá trình chăm sóc và điều trị ĐẶNG PHƯỢNG |
Người trẻ cũng mắc Alzheimer
Sau dịch Covid-19, khoa Nội Thần kinh, BV đa khoa Tâm Anh ghi nhận nhiều trường hợp đến thăm khám Alzheimer ở độ tuổi trẻ hơn trước, khoảng từ 40 tuổi, trong khi trước đây phổ biến là người từ 50 – 80 tuổi. Trong đó, nhiều BN cho hay mình thường xuyên quên những công việc hằng ngày, nghi ngờ do hậu Covid-19 nên tâm lý có phần lo lắng hơn, cũng là một trong những nguyên nhân có thể ảnh hưởng thần kinh.
Những BN này được chụp cộng hưởng từ để khảo sát, kết quả cho thấy có một sự tương đồng về tổn thương não bộ và có xuất hiện hiện tượng teo não, nhất là ở các vùng thùy thái dương hay hồi hải mã, là những vùng có chức năng chi phối cảm xúc, lưu trữ ký ức, liên quan đến các phản ứng hành vi và ngôn ngữ. Nhiễm vi rút, vi trùng là một trong những yếu tố nguy cơ dẫn đến khởi phát Alzheimer. Covid-19 là bệnh do một loại vi rút (SARS-CoV-2), do đó cũng có khả năng ảnh hưởng đến hệ thần kinh. Những nghiên cứu chính xác về vấn đề này đã và đang được thực hiện trên toàn thế giới.
Tiến sĩ – Bác sĩ Trần Công Thắng cho biết, theo nghiên cứu của đơn vị Trí nhớ và Sa sút trí tuệ, khoa Thần kinh, BV ĐHYD TP.HCM cùng một số đơn vị, nhóm những người trên 60 tuổi có than phiền giảm trí nhớ liên tục trên 6 tháng chiếm đa số trong số người mắc hoặc có nguy cơ mắc Alzheimer. Vì vậy, những ai hay quên liên tục từ 6 tháng trở lên, nhất là người lớn tuổi, là đối tượng cần được quan sát, chú ý thăm khám sức khỏe thần kinh định kỳ để nhận biết và điều trị sớm Alzheimer. Những người trẻ có nguy cơ mạch máu như cao huyết áp, đái tháo đường, kèm triệu chứng hay quên sớm hơn 40 tuổi, nên đi thăm khám thường xuyên vì nguy cơ Alzheimer có thể đến sớm hơn. Bác sĩ cũng lưu ý các yếu tố nguy cơ mạch máu nếu điều trị không tốt sẽ gây tổn thương thành mạch dẫn đến thiếu tưới máu đến các vùng lưu trữ thông tin trí nhớ.
Nhận biết yếu tố nguy cơ
Theo Tiến sĩ Trần Công Thắng, những nhóm nguy cơ quan trọng dẫn đến khởi phát Alzheimer gồm:
Một là chấn thương đầu, do đó việc bảo vệ đầu rất quan trọng, trong đó có việc phải đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông.
Hai là những yếu tố nguy cơ mạch máu như cao huyết áp, đái tháo đường, béo phì…; các thói quen xấu như hút thuốc lá, uống nhiều rượu bia… sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến tình trạng thiếu máu não.
Ba là stress, lo âu, đỉnh điểm là trầm cảm, sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến tế bào thần kinh, rất dễ dẫn đến sa sút trí tuệ.
Bốn là lối sống không tập thể dục, uống không đủ nước. Trung bình cơ thể cần 2 lít nước mỗi ngày, nhưng người VN, nhất là người lớn tuổi, thường ít được nhắc uống nước, gây nên tình trạng đau đầu kéo dài, chóng mặt, ảnh hưởng lâu dài đến hệ thần kinh. Việc thường xuyên vận động, tập thể dục để máu tăng cường lên não giúp kiểm soát các bệnh mãn tính, đồng thời làm chậm quá trình lão hóa hay sa sút trí tuệ.
Các bác sĩ cũng lưu ý: Tuy Alzheimer là bệnh có yếu tố di truyền nhưng không nên bi quan, vì có thuốc điều trị để cải thiện tiên lượng. Trí nhớ là quá trình luyện tập nên việc thường xuyên đọc sách báo, chơi cờ, học ngoại ngữ… là thói quen tốt cải thiện não bộ. Bên cạnh đó, cần duy trì chế độ ăn uống lành mạnh gồm các loại thức ăn có chất béo tốt cho não, như cá, thực phẩm chứa Omega-3, dầu đậu nành, cá hồi, hạt điều, hạt óc chó, hạt hướng dương…
ĐẶNG PHƯỢNG
TNO