Áp lực tăng thu đè nặng các trường đại học
Áp lực tăng thu đè nặng các trường đại học
Theo Bộ GD-ĐT, chi ngân sách dành cho giáo dục đại học (ĐH) hiện nay quá thấp. Trong khi đó các trường ĐH vẫn thường xuyên chịu áp lực tăng thu, nhờ “tự chủ” để cải thiện năng lực tài chính.
Hôm nay 4.8, tại Hà Nội, Bộ GD-ĐT tổ chức hội nghị về tự chủ giáo dục đại học.
Phó thủ tướng Vũ Đức Đam, Chủ nhiệm UBVHGD của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh cùng tham gia chủ trì hội nghị với Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn.
Theo báo cáo của Bộ GD-ĐT, nhờ có tự chủ ĐH mà các trường ĐH đã cải thiện được đáng kể vấn đề nâng cao năng lực tài chính. Tuy nhiên, báo cáo cũng phân tích một số vấn đề liên quan tới tài chính mà hệ thống giáo dục ĐH đang phải đối mặt.
Tự chủ đại học hiện nay đang được hiểu đồng nghĩa với “tăng học phí” MAI CHI |
Khó có điều kiện nâng cao chất lượng đào tạo
Riêng trong số 36 trường ĐH trực thuộc Bộ GD-ĐT, có 11 trường ĐH tự bảo đảm chi thường xuyên và đầu tư, hoặc tự đảm bảo chi thường xuyên; 25 trường tự bảo đảm một phần chi thường xuyên.
Thống kê riêng nhóm này giai đoạn 2016-2021 cho thấy, về cơ bản nguồn thu dùng để chi cho con người (bao gồm cả chi thu nhập tăng thêm và chi vượt giờ) chiếm tỷ trọng trên 50% trên tổng chi sự nghiệp giáo dục đào tạo ĐH và sau ĐH; chi đầu tư cơ sở vật chất chiếm tỷ trọng 7%; chi chế độ cho học sinh, sinh viên chiếm tỷ trọng khoảng 4%, chi trích lập các quỹ chiếm tỷ trọng 10%; chi đào tạo khác chiếm tỷ trọng khoảng 25 – 26% tổng chi.
Nguồn kinh phí chi cho đào tạo hiện nay chủ yếu chi cho con người (tiền lương, tiền công, tiền làm thêm giờ, phụ cấp theo chế độ), chiếm tới 73%. Nguồn kinh phí dành cho tăng cường cơ sở vật chất (mua sắm, sửa chữa) chỉ chiếm 7%, nguồn kinh phí khác chi cho hoạt động đào tạo chiếm 18% tổng chi, thu nhập người lao động bao gồm cả thu nhập tăng thêm, làm thêm giờ và tiền thưởng chiếm 2%.
Báo cáo của Bộ GD-ĐT đánh giá: “Với cơ cấu chi nêu trên cho thấy, do nguồn kinh phí hạn hẹp, nguồn kinh phí hiện tại chủ yếu dành để chi trả cho con người, chi tăng cường điều kiện dạy và học chiếm tỷ trọng thấp, như vậy khó có điều kiện nâng cao chất lượng dạy và học.
Quỹ lương hàng năm tăng 13% và chi thuê giảng viên tăng 32% cho thấy yêu cầu chi tiền lương, tiền công cho bộ máy và giảng viên tăng nhanh gây áp lực tăng thu, trong khi nguồn ngân sách cấp tăng chậm.
Cho nên, đây cũng là một trong những khó khăn, thách thức lớn nhất đối với các cơ sở giáo dục ĐH trực thuộc Bộ GD-ĐT”.
Báo cáo cũng cho biết thêm nội dung mức chi cơ bản phải thực hiện theo đúng quy định của nhà nước, làm hạn chế quyền tự chủ của các trường ĐH. Mức lương vẫn phải thực hiện theo ngạch bậc chức vụ nhà nước quy định, trong khi không có nguồn thu, hoặc nguồn thu thấp nên không có nguồn chi trả thu nhập tăng thêm.
Cơ sở vật chất phục vụ nghiên cứu đặc biệt là hệ thống phòng thí nghiệm mặc dù đã được cải thiện rất nhiều nhưng vẫn còn ở mức thiếu và lạc hậu so với yêu cầu.
Nhà nước chi cho ĐH chỉ từ 0,25-0,27 GDP
Trong báo cáo tại hội nghị, Bộ GD-ĐT cho rằng hiện nay nguồn ngân sách cấp chưa tương xứng với chủ trương của Đảng và Nhà nước về ưu tiên đầu tư cho giáo dục.
Trên cơ sở tổng hợp số liệu trên hệ thống Kho bạc Nhà nước, Bộ Tài chính, trong 3 năm gần đây, tỷ lệ chi ngân sách nhà nước cho giáo dục đã đạt và vượt mức 20% tổng chi ngân sách. Tuy nhiên số liệu về chi ngân sách cho thấy, chi cho giáo dục ĐH chỉ đạt từ 4,33% đến 4,74% tổng chi ngân sách cho lĩnh vực giáo dục đào tạo nói chung. Nếu so với tổng chi ngân sách chỉ chiếm xấp xỉ khoảng 1% (từ 0,9% đến 0,96%).
So sánh tỷ trọng chi ngân sách nhà nước/GDP giai đoạn 2018-2020 cho thấy tỷ trọng chi ngân sách nhà nước cho giáo dục ĐH của Việt Nam tăng từ 0,25% lên 0,27% GDP (tương ứng từ 13.634 tỉ đồng lên 16.703 tỉ đồng) là vô cùng khiêm tốn, thấp hơn nhiều các nước trong khu vực và thế giới.
Trong khi đó, thống kê cho thấy chi đầu tư cho giáo dục ĐH tính trên GDP chiếm ít nhất 1% GDP ở nhiều quốc gia (Hàn Quốc 1%; Pháp 1,25%; Anh 1,29%; Australia1,54%; Newzealand 1,63%; Finland 1,89%). Các nước trong khu vực Đông Nam Á tỷ trọng chi cho giáo dục ĐH cũng gấp nhiều lần so với Việt Nam: Thái Lan 0,64%; Singapore 1%; Maylaysia 1,13%. Hoặc Trung Quốc cũng 0,87%.
Ngân sách nhà nước cơ bản chỉ đáp ứng chi tiền lương và chi thường xuyên. Nguồn chi hoạt động chuyên môn thấp, kinh phí tăng cường nâng cao chất lượng đào tạo và đổi mới sáng tạo hạn chế, cũng không còn chênh lệch thu chi để tăng thu nhập cho giảng viên, cán bộ quản lý giáo dục.
Các trường phải dồn mong đợi vào học phí
Đã vậy, hàng năm nhà nước cắt giảm theo lộ trình 5-15% chi thường xuyên nên nhìn chung hoạt động của các cơ sở giáo dục ĐH công lập là rất khó khăn nếu không chủ động đẩy mạnh tự chủ đại học.
Các khoản thu hoạt động dịch vụ giáo dục đào tạo chủ yếu để bù đắp chi phí tạo lập nguồn thu nên cũng không còn chênh lệch để bổ sung quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp để cải tạo cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị giảng dạy…
Khi các cơ quan chủ quản cắt giảm kinh phí, nhiều trường đã gặp rất nhiều khó khăn trong việc vận hành, đầu tư phát triển và giữ đội ngũ giảng viên giỏi. Vì vậy, các trường này buộc phải mở rộng quy mô tuyển sinh và tăng học phí, dẫn đến các điều kiện bảo đảm chất lượng để thực hiện đào tạo (giảng viên, cơ sở vật chất) không theo kịp.
Đa phần các trường chưa có nguồn thu từ hoạt động khoa học và công nghệ, chuyển giao công nghệ phục vụ cộng đồng. Đồng thời, nguồn thu từ các dịch vụ khác chiếm tỷ lệ rất thấp, chủ yếu nguồn thu của nhà trường vẫn là nguồn học phí.
Theo Bộ GD-ĐT, mục đích tự chủ ĐH là nâng cao chất lượng, nhưng nguồn lực lại hạn chế là khó khăn, thách thức của nhiều cơ sở giáo dục ĐH công lập. Nhà nước cần khẳng định việc tiếp tục đầu tư tài chính từ ngân sách, chi đầu tư từ các bộ, ngành cho lĩnh vực giáo dục ĐH mà bộ, ngành quản lý… để tự chủ không đồng nghĩa với cắt toàn bộ đầu tư nhà nước như giai đoạn thí điểm và cách hiểu của một số cá nhân.
“Thủ tướng Chính phủ đã nhấn mạnh Bộ Kế hoạch – Đầu tư cần tập trung nghiên cứu, tham mưu sử dụng nguồn lực có trọng tâm, trọng điểm, hiệu quả; tập trung cho các khâu đột phá chiến lược trên tinh thần “lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư”.
Vì vậy, các cơ sở giáo dục ĐH trong giai đoạn hiện nay rất cần nhà nước tiếp tục đầu tư công thông qua các chương trình, dự án để bảo đảm nguồn lực phát triển bền vững, thực hiện tự chủ đại học thành công”, Bộ GD-ĐT đề nghị.
QUÝ HIÊN
TNO