Cảnh báo không tự điều trị bằng thuốc giảm đau khi bị sốt xuất huyết
Cảnh báo không tự điều trị bằng thuốc giảm đau khi bị sốt xuất huyết
Thông tin từ Bệnh viện đa khoa Hoàn Mỹ Cửu Long, dù đang ở cao điểm của dịch sốt xuất huyết nhưng nhiều bệnh nhân là người lớn còn chủ quan, không biết mắc sốt xuất huyết, tự điều trị bằng thuốc giảm đau tại nhà rất nguy hiểm.
Mới đây, bệnh viện tiếp nhận trường hợp anh T.Đ.V. (45 tuổi, ở tỉnh Hậu Giang), bệnh nhân nhập viện trong tình trạng mệt mỏi, lừ đừ, vùng mông nơi vết chích thuốc đang bị sưng apxe, khó đi lại.
Người nhà cho biết anh bị sốt khoảng 4 ngày trước, uống thuốc hạ sốt thì hết sốt. Tuy nhiên sau đó xuất hiện tình trạng sốt, đau đầu, người mệt mỏi nên đã tự đến bác sĩ tư để tiêm thuốc. Về nhà anh bị đau nhiều vùng cổ gáy, vết chích sưng đau nên người nhà đưa đến bệnh viện thăm khám. Tại đây, bệnh nhân được chẩn đoán mắc sốt xuất huyết Dengue ngày thứ 4.
Ngay sau khi được chẩn đoán sốt xuất huyết, bệnh nhân được truyền máu, giảm đau, truyền dịch cân bằng điện giải, điều chỉnh độ đông – cầm máu, theo dõi dấu hiệu nhiễm trùng, điều trị kháng sinh để ngừa bội nhiễm. Sau điều trị tích cực, hiện tại tình trạng bệnh nhân đã tạm ổn, vùng mông giảm sưng, đang tiếp tục được theo dõi điều trị thêm.
Bác sĩ Ngô Văn Út – phó trưởng khoa tổng hợp bệnh viện này – cho biết: hiện nay đang ở thời điểm dịch sốt xuất huyết bùng phát ở các tỉnh phía Nam, ngoài trẻ em thì người lớn mắc bệnh cũng khá nhiều.
Vì vậy, khi người bệnh sốt cao liên tục nhiều ngày, phát ban, đau cơ và khớp… cần phải đến khám tại cơ sở y tế chuyên khoa để điều trị. Không tự ý điều trị bằng thuốc giảm đau, hạ sốt dẫn tới việc bị biến chứng nặng, thậm chí nguy hiểm tới tính mạng.
Đặc biệt, diễn tiến của bệnh sốt xuất huyết rất nhanh, nên ngay khi có dấu hiệu của bệnh, cần nghĩ ngay đến bệnh sốt xuất huyết để kịp thời điều trị.
Sốt xuất huyết có 4 type D1, D2, D3, D4; nên dù đã từng mắc bệnh thì người bệnh vẫn có nguy cơ mắc các chủng còn lại. Vì vậy tuyệt đối không được chủ quan.