WHO Việt Nam: Nguy cơ đậu mùa khỉ tại Việt Nam ‘từ thấp đến trung bình’
WHO Việt Nam: Nguy cơ đậu mùa khỉ tại Việt Nam ‘từ thấp đến trung bình’
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ngày 23-7 đã công bố tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu đối với đậu mùa khỉ. Việt Nam chưa ghi nhận ca bệnh nhưng Bộ Y tế đã họp Hội đồng chuyên môn nghiệm thu hướng dẫn chẩn đoán, điều trị bệnh này.
Trên thế giới, hiện đã có 75 quốc gia ghi nhận hơn 16.000 người mắc với 5 ca tử vong. Đặc biệt từ đầu tháng 5, có 47 quốc gia ghi nhận sự gia tăng đáng kể, trên 3.000 ca. Tại Đông Nam Á, các nước như Campuchia, Thái Lan, Singapore… cũng đã ghi nhận bệnh nhân.
Không ban bố nhưng cần đánh giá nguy cơ
Trả lời với Tuổi Trẻ Online sáng 27-7, TS Nguyễn Trọng Khoa – phó cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế), phó chủ tịch Hội đồng chuyên môn nghiệm thu hướng dẫn chẩn đoán, điều trị bệnh đậu mùa khỉ tại nước ta – cho hay dù nước ta chưa ghi nhận ca bệnh nào mắc bệnh đậu mùa khỉ nhưng nguy cơ bệnh xâm nhập rất cao.
Do đó, việc ban hành ngay hướng dẫn chẩn đoán, điều trị để phát hiện sớm những ca đầu tiên là rất cần thiết. Từ đó sẵn sàng phương án điều trị, ngăn chặn nguy cơ bệnh diễn tiến thành dịch.
Ông Trần Đắc Phu – nguyên cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) – cho rằng với sự giao thương, giao lưu quốc tế nhộn nhịp như hiện nay, nguy cơ bệnh đậu mùa khỉ xâm nhập nước ta là có thể xảy ra.
Hiện Việt Nam chưa có quy định về ban bố tình trạng khẩn cấp đối với một loại dịch bệnh nào đó, mà có các chính sách về công bố dịch, các giải pháp đáp ứng dịch…
Theo ông, nước ta cần căn cứ tình hình dịch bệnh đậu mùa khỉ theo thông tin của WHO để đánh giá nguy cơ, xây dựng chính sách đáp ứng dịch, đồng thời thực hiện tốt các biện pháp giám sát.
“Nước ta không ban bố tình trạng khẩn cấp, nhưng cần đánh giá nguy cơ để đưa ra cảnh báo nguy cơ cho người dân và các biện pháp phòng chống một cách phù hợp”, ông Phu nhấn mạnh.
Đại diện WHO tại Việt Nam đánh giá Việt Nam nằm ở khu vực Tây Thái Bình Dương nên mức nguy cơ đậu mùa khỉ xâm nhập từ thấp đến trung bình. Việc đánh giá dựa vào các tiêu chí: mức trầm trọng của bệnh, nguy cơ ca xâm nhập, nguy cơ lây lan ở khu vực.
“Do mở cửa, chúng tôi nhận định nguy cơ có ca xâm nhập vào Việt Nam là có thể. Xu hướng gia tăng ca bệnh trên toàn cầu hoàn toàn có sự báo cáo thiếu. Quy mô thực tế bệnh đậu mùa khỉ hơn những gì chúng ta thấy trên báo cáo”, vị này đánh giá và cho rằng có rất nhiều ca bệnh hoàn toàn không có tiền sử đi lại đến vùng có ca bệnh.
Điều lệ quốc tế ban bố tình trạng khẩn cấp dịch bệnh
Theo điều lệ y tế quốc tế, có 5 yếu tố chúng ta đã cân nhắc để giúp xác định xem là đợt dịch bùng phát này có phải là tình trạng khẩn cấp gây quan ngại quốc tế hay không gồm: (1) thông tin do quốc gia cung cấp; (2) gây quan ngại quốc tế đã được đáp ứng; (3) cần tư vấn của ủy ban khẩn cấp; (4) còn nhiều điều chưa biết về bệnh; (5) các yếu tố nguy cơ đối với sức khỏe con người, làm gián đoạn lưu thông hàng hóa, dịch vụ và con người trên toàn cầu.
Mụn mủ có thể để lại sẹo
Với hướng dẫn được tham khảo từ thực tế các trường hợp bệnh cụ thể trên thế giới, kinh nghiệm điều trị bệnh truyền nhiễm tại Việt Nam và hướng dẫn của WHO hay các tổ chức uy tín khác, các chuyên gia trong hội đồng nêu trên xác định có 4 giai đoạn trong diễn biến bệnh đậu mùa khỉ.
– Ở giai đoạn ủ bệnh: kéo dài từ 6 -13 ngày (dao động từ 5 – 21 ngày), người nhiễm không có triệu chứng và không có khả năng lây nhiễm.
– Ở giai đoạn khởi phát: từ 1 – 5 ngày, các triệu chứng chính là sốt và nổi hạch ngoại vi toàn thân. Kèm theo người bệnh có thể có biểu hiện đau đầu, mệt mỏi, ớn lạnh, đau họng, đau cơ. Virus có thể lây sang người khác từ giai đoạn này.
– Ở giai đoạn toàn phát: đặc trưng là sự xuất hiện của các ban trên da, thường gặp sau sốt từ 1- 3 ngày. Phát ban có xu hướng ly tâm, gặp nhiều trên mặt, lòng bàn tay, lòng bàn chân. Ban cũng có thể gặp ở miệng, mắt, cơ quan sinh dục.
Ban tuần tự từ rát (tổn thương có nền phẳng) đến sẩn (tổn thương cứng hơi nhô cao), rồi thành mụn nước (tổn thương chứa đầy dịch trong) và mụn mủ (tổn thương chứa đầy dịch vàng). Mụn này sẽ đóng vảy khô, bong tróc và có thể để lại sẹo.
Kích thước tổn thương da được xác định trung bình từ 0,5 – 1cm. Số lượng tổn thương trên da có thể từ vài nốt cho đến dày đặc. Trường hợp nghiêm trọng các tổn thương có thể liên kết với nhau thành các mảng tổn thương da lớn.
– Trong giai đoạn hồi phục: các triệu chứng có thể kéo dài từ 2 đến 4 tuần rồi tự khỏi. Người bệnh hết các triệu chứng lâm sàng, các sẹo trên da có thể ảnh hưởng đến thẩm mỹ và không còn nguy cơ lây nhiễm cho người khác.
Những vết sẹo trên da này được cho là không nguy hiểm (không dày và sâu) bằng chứng rỗ mặt như căn bệnh đậu mùa trước đây gây ra.
Nhiều bệnh nhân có biểu hiện không điển hình, khó chẩn đoán
Bác sĩ Đỗ Hồng Hiên (chuyên gia dịch tễ học WHO) nhận xét phần lớn bệnh có triệu chứng lâm sàng nhẹ, có thể hồi phục sau vài tuần. Tuy nhiên cũng có trường hợp có biến chứng do chăm sóc các vết thương trên da, nốt phát ban không được tốt.
Bệnh này có thể tự khỏi, không cần điều trị, chăm sóc, bệnh nhân tự hồi phục 2 – 4 tuần. Một số trường hợp diễn biến nặng ở nhóm nguy cơ cao như trẻ nhỏ, phụ nữ mang thai, suy giảm miễn dịch.
Bác sĩ của WHO cũng lưu ý có nhiều bệnh nhân biểu hiện lâm sàng không điển hình làm cho việc nhận biết triệu chứng lâm sàng, chẩn đoán khá khó khăn.