23/12/2024

Nỗi lo thiếu thuốc điều trị sốt xuất huyết

Nỗi lo thiếu thuốc điều trị sốt xuất huyết

Bệnh sốt xuất huyết đang hoành hành ở nhiều địa phương, đã có hơn 100 ngàn ca mắc, hàng chục trường hợp tử vong. Trong khi đó, nhiều nơi thiếu nhân lực, phương tiện, thuốc và hóa chất điều trị, dập dịch…

 

 

Trong ngày 25.7, TP.HCM tiếp nhận 514 ca sốt xuất huyết (SXH) nhập viện (có 486 ca xuất viện), trong đó có 370 ca cư trú tại TP và 144 ca ở các tỉnh chuyển đến. Hiện, các bệnh viện (BV) tại TP.HCM đang điều trị 1.821 ca SXH (1.299 ca cư trú tại TP, 522 ca ở các tỉnh chuyển đến, chiếm gần 30%). Theo phân cấp điều trị, BV quận, huyện, TP.Thủ Đức điều trị các ca bệnh nhẹ, các ca bệnh nặng thì hội chẩn chuyên môn tuyến trên và giữ lại điều trị tại BV, nếu vượt quá khả năng thì chuyển lên tuyến trên.

Nỗi lo thiếu thuốc điều trị sốt xuất huyết - ảnh 1
Điều trị sốt xuất huyết tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới (ảnh chụp chiều 26.7.2022)  NHẬT THỊNH

Gia tăng tại nhiều nơi

Theo nhận định của Sở Y tế TP.HCM, năm 2022 số ca mắc SXH theo tuần tăng sớm hơn so với cùng kỳ năm 2021 và trung bình 5 năm (2016 – 2020). Số ca bắt đầu tăng liên tục từ tuần 13 đến nay. Trong đó, số ca nặng là 502 ca, chiếm 1,57% trong tổng số ca mắc, cao hơn nhiều so với cùng kỳ những năm trước.

6 quận, huyện có số ca mắc và số ca mắc/100.000 dân cao nhất TP là quận 12, Bình Tân, Tân Phú, huyện Bình Chánh, Củ Chi, Hóc Môn.

Theo báo cáo của Viện Pasteur TP.HCM, từ tháng 1 – 5.2022, khu vực phía nam ghi nhận 3 týp gây bệnh SXH lưu hành: Týp D1 (57%), D2 (42%) và còn lại là D4. Týp D2 xu hướng tăng nhanh từ tháng 4 đến tháng 5.2022 (từ 33% lên 42%). Qua giám sát trọng điểm đã ghi nhận tại TP.HCM có sự lưu hành cả 2 týp D1 và D2.

Đến nay, số ca mắc SXH tại nhiều địa phương khu vực ĐBSCL tăng gấp hàng trăm lần so với cùng kỳ năm 2021 và có nhiều ca tử vong. Trong khi đó, người dân vẫn lơ là, chủ quan trong công tác phòng chống dịch.

Trong đó, số mắc SXH tại An Giang cao nhất ĐBSCL. Ngày 26.7, ông Trần Quang Hiền, Giám đốc Sở Y tế An Giang, cho biết thời tiết mưa, nắng xen kẽ và mùa mưa đến sớm cùng với 2 năm triển khai phòng chống dịch nên công tác vệ sinh môi trường ở các địa phương không tốt như hằng năm đã tạo điều kiện cho muỗi phát sinh, gây bệnh SXH. Dự báo trong tháng 7 này có thể mỗi tuần cả tỉnh có hơn 1.000 ca mắc SXH, nhưng hiện nay dưới 500 ca cho thấy dịch bệnh đang dần được kiểm soát.

Ngày 26.7, đại diện Sở Y tế Bình Dương cho biết hiện nay số ca SXH nặng là 279 ca, trong đó có 171 ca là trẻ em dưới 15 tuổi. Số ổ dịch SXH được phát hiện trên địa bàn là 1.520, tăng 500 ổ dịch so với đầu năm 2022.

 

Thiếu thuốc, phương tiện

Ngày 26.7, đoàn công tác của Bộ Y tế do TS Dương Chí Nam, Phó cục trưởng Cục Quản lý môi trường y tế (Bộ Y tế), làm trưởng đoàn đã làm việc với Đồng Nai về tình hình dịch SXH. Đoàn đã đi kiểm tra tại xã Bắc Sơn (H.Trảng Bom) và công tác điều trị tại BV Nhi đồng Đồng Nai.

Báo cáo với đoàn công tác, Sở Y tế Đồng Nai cho biết dịch SXH bùng phát mạnh trên địa bàn từ tháng 3.2022 và đến nay đã có hơn chục ca tử vong. Nguyên nhân tử vong do phát hiện trễ; người nhà và bệnh nhân tự ý dùng thuốc, không đến cơ sở y tế để khám và xét nghiệm nên điều trị sai cách khiến bệnh ngày càng nặng. Ngoài ra còn do điều trị chưa đúng phác đồ, chuyển viện không an toàn và nhiễm khuẩn tại BV.

Sở Y tế Đồng Nai nhận định, với diễn biến phức tạp của nhiều loại dịch, sự lưu hành đồng thời của 2 chủng vi rút Dengue và đang ở giai đoạn mùa mưa, dự báo dịch SXH còn tăng mạnh trong thời gian tới. Điều đáng quan tâm là hiện dù chưa phải là đỉnh dịch nhưng đã có tình trạng quá tải ở một số cơ sở điều trị. Nếu số ca mắc tiếp tục tăng nhanh như hiện nay thì số ca nặng, ca tử vong có nguy cơ tăng cao.

Trong khi đó, ngành y tế Đồng Nai đang gặp một số khó khăn, đó là tình trạng thiếu hóa chất, vật tư, trang thiết bị y tế tại một số địa phương; thiếu nhân lực y tế, nhất là y tế dự phòng, y tế cơ sở…

Trả lời Thanh Niên, BS Nguyễn Trọng Nghĩa, Phó giám đốc BV Nhi đồng Đồng Nai, cho biết bệnh nhân SXH năm nay đến khám và điều trị tại BV tăng cao về số lượng cũng như ca bệnh nặng. Cụ thể, đến nay có khoảng 8.400 bệnh nhân đến khám SXH, trong đó nhập viện hơn 3.500 ca, số ca nặng là 850, ca rất nặng phải thở máy, lọc máu 10 ca. “Do bệnh nhân quá đông, quá tải nên BV phải huy động nhân lực ở các khoa, phòng khác hỗ trợ. Nhiều điều dưỡng phải đi tua ba, tua đôi”, BS Nghĩa nói.

Về hóa chất điều trị bệnh, BS Nghĩa cho biết BV đang thiếu dung dịch đại phân tử. Vừa qua, BV phải đi mượn từ các BV khác mỗi nơi vài chục bịch sử dụng tạm. BV cũng đã đặt mua nhưng công ty không cung cấp đủ. “Mới đây, chúng tôi đặt 500 bịch nhưng công ty chỉ giao có 200 bịch, sau đó đặt tiếp 500 bịch nữa nhưng hàng vẫn chưa về”, BS Nghĩa nói.

Ông Tạ Tùng Lâm, Phó giám đốc Sở Y tế Đồng Tháp, cho biết ngành y tế Đồng Tháp đã xử lý hơn 2.100 ổ dịch SXH trong cộng đồng. Hiện tình hình dịch SXH trong tỉnh đang dần hạ nhiệt. Tuy nhiên, lực lượng y tế cơ sở còn ít nhưng có nhiều hoạt động, chương trình trọng tâm khác phải làm nên ảnh hưởng đến công tác phòng chống dịch SXH. Ngoài ra, hóa chất diệt muỗi đang bị thiếu, người dân chưa chủ động tự diệt lăng quăng, việc cung cấp nước sạch tại một số nơi không thường xuyên… làm tăng nguy cơ và điều kiện cho muỗi phát triển.

Chiều 26.7, ông Văn Công Minh, Giám đốc Sở Y tế Vĩnh Long, thông tin số ổ dịch SXH ở tỉnh được ghi nhận và xử lý là 220 ổ dịch, tăng gấp 2 lần so với cùng kỳ năm 2021 (108 ổ dịch). Hiện tại, cơ số thuốc và cơ sở y tế ở tỉnh đủ đáp ứng nhu cầu thu dung điều trị các ca bệnh SXH.

 

Phòng ngừa vẫn là giải pháp chính

Trước tình hình SXH gia tăng, các lãnh đạo TP.HCM trực tiếp chỉ đạo và kiểm tra công tác phòng chống dịch SXH tại các quận, huyện. Ngành y tế đã thành lập đoàn kiểm tra công tác phòng chống dịch SXH, ưu tiên hỗ trợ giám sát tại các quận, huyện có ca SXH tăng cao và có ca tử vong.

Sở Y tế TP.HCM đã xây dựng kế hoạch đảm bảo công tác thu dung, điều trị SXH trên địa bàn theo 3 kịch bản: Dưới 2.000 ca, từ 2.000 – 4.000 ca, từ 4.000 – 6.000 ca đang điều trị tại BV nhằm chuẩn bị sẵn sàng các nguồn lực để tiếp nhận, chăm sóc, điều trị, giảm tỷ lệ chuyển nặng và tử vong do SXH. Hiện mỗi ngày TP có từ 300 – 600 ca SXH nhập viện. Sở Y tế đã đề nghị tất cả các BV được phân công sẵn sàng giường bệnh, nhân sự, thuốc, dịch truyền… để tiếp nhận, điều trị người bệnh.

Theo kế hoạch, TP.HCM huy động 54 BV chuyên khoa, đa khoa công lập và tư nhân tham gia điều trị. Bệnh nhân người lớn có triệu chứng nặng ưu tiên điều trị tại các BV Bệnh nhiệt đới, Chợ Rẫy, Thống Nhất, Trưng Vương, Đại học Y Dược và các BV đa khoa khác… Trẻ em thì điều trị tại BV Nhi đồng 1, Nhi đồng 2, Nhi đồng TP. Bộ Y tế giao BV Nhi đồng 1 hỗ trợ chuyên môn, chỉ đạo tuyến và huấn luyện về điều trị SXH ở trẻ em cho 11 tỉnh, gồm: Long An, Đồng Tháp, Vĩnh Long, Hậu Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh và Cần Thơ. BV Nhi đồng 2 hỗ trợ cho 10 tỉnh, gồm: Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa-Vũng Tàu, Bình Định, Quảng Ngãi, Đà Nẵng, Phú Yên, Ninh Thuận, Gia Lai và Lâm Đồng. BV Nhi đồng TP hỗ trợ cho 10 tỉnh, gồm: Kiên Giang, An Giang, Khánh Hòa, Bình Thuận, Tây Ninh, Bình Phước, Quảng Nam, Đắk Lắk, Đắk Nông và Kon Tum. BV Bệnh nhiệt đới hỗ trợ về SXH người lớn cho 31 tỉnh trên.

Ông Trần Quang Hiền, Giám đốc Sở Y tế An Giang, cho biết: “Trong phòng chống SXH của tỉnh, khó khăn lớn nhất vẫn là ý thức người dân. Mọi người cần phải phối hợp với lực lượng chức năng thường xuyên vệ sinh môi trường, loại bỏ các vật dụng chứa nước có lăng quăng, chú ý ngủ mùng không cho muỗi đốt gây bệnh”.

Sở Y tế An Giang đã chỉ đạo các BV và trung tâm y tế các huyện tăng cường tập huấn chẩn đoán, điều trị. Củng cố hoạt động của nhóm điều trị SXH và điện thoại đường dây nóng phòng chống dịch SXH tại các cơ sở khám, chữa bệnh để thường xuyên trao đổi chuyên môn, yêu cầu hỗ trợ khi cần thiết. Dự trù và bảo đảm đầy đủ các phương tiện, trang thiết bị, thuốc, dịch truyền, máu và các chế phẩm máu, đặc biệt là dung dịch cao phân tử để chống sốc, các thuốc thiết yếu sử dụng trong cấp cứu và điều trị SXH. Báo số lượng thuốc trúng thầu, nhập, xuất, tồn kho, số lượng các thuốc thiếu hoặc có khả năng thiếu trong thời gian tới, hướng giải quyết việc thiếu thuốc của đơn vị, gửi báo cáo về Sở Y tế.

Nỗi lo thiếu thuốc điều trị sốt xuất huyết - ảnh 2

“Hiện CDC tỉnh Vĩnh Long đang phối hợp các trung tâm y tế và trạm y tế điều tra thông tin, diệt lăng quăng, phun hóa chất xung quanh nhà ca bệnh. Tuyên truyền cho người dân cần đi khám ngay khi có biểu hiện sốt. Tuyệt đối không chủ quan trước bệnh”, ông Văn Công Minh, Giám đốc Sở Y tế Vĩnh Long, khuyến cáo.

Sở Y tế Bình Dương cũng đã triển khai quyết liệt các biện pháp phòng chống SXH theo hướng dẫn của Bộ Y tế, đồng thời đẩy mạnh chiến dịch truyền thông mới và duy trì chiến dịch tổng vệ sinh môi trường…

 

Hà Nội giám sát ổ dịch cũ

Tại Hà Nội, ghi nhận SXH rải rác tại 20 quận, huyện, 40 xã, phường, thị trấn, tập trung chủ yếu tại Q.Ba Đình (5 ca), H.Mê Linh 5 (ca), Q.Long Biên (5 ca). Các quận, huyện khác có dưới 5 ca. Theo TS Trần Thị Nhị Hà, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, sở đã phân tuyến điều trị, giao việc tiếp nhận quản lý, điều trị người bệnh SXH đối với 19 BV đa khoa tuyến TP công, tư.

Các BV tuyến TP tập trung nguồn lực thu dung điều trị SXH Dengue nặng; các BV tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong hội chẩn liên khoa, liên viện… trung tâm y tế quận, huyện triển khai phòng chống SXH và phòng tái bùng phát dịch Covid-19 trên địa bàn, đặc biệt phải giám sát dịch bệnh tại cộng đồng, tại các ổ dịch cũ.

Liên Châu

THANH NIÊN

TNO