23/12/2024

Chỉ một tổng đài khẩn cấp, tại sao không?

Chỉ một tổng đài khẩn cấp, tại sao không?

Là địa phương đầu tiên trong cả nước triển khai mô hình liên thông các tổng đài khẩn cấp 113 – 114 – 115, TP.HCM tiếp tục kế hoạch hợp nhất 3 đầu số này thành tổng đài 114 để tiếp nhận và xử lý thông tin khẩn cấp theo mô hình của các nước.

 

 

Hệ thống tổng đài khẩn cấp liên thông 113 (an ninh trật tự) – 114 (cứu nạn cứu hộ, PCCC) – 115 (cấp cứu y tế) của TP.HCM chính thức đưa vào hoạt động từ quý 3/2020. Khi người dân cần yêu cầu hỗ trợ trong các tình huống khẩn cấp, chỉ cần gọi đến 1 trong 3 đầu số: 113, 114, 115 đều sẽ nhận được sự giúp đỡ từ các cơ quan chức năng.

Chỉ một tổng đài khẩn cấp, tại sao không? - ảnh 1
Trung tâm cấp cứu 115 TP.HCM tiếp nhận và chuyển hơn 200 cuộc gọi báo sự cố an ninh trật tự, PCCC, cứu hộ cứu nạn qua tổng đài 113 và 114  NHẬT THỊNH

Bên cạnh cách thức gọi điện truyền thống đến các đầu số khẩn cấp, người dân có thể sử dụng điện thoại thông minh và cài đặt ứng dụng HCMC EOC trên Appstore hoặc CH Play để liên hệ khi gặp tình huống khẩn cấp. Khi gọi qua ứng dụng thì các tổng đài viên sẽ xác định vị trí người gọi.

 

Hướng tới đầu số khẩn cấp duy nhất

Từ năm 2015, TP.HCM đã bắt đầu kết nối liên thông các tổng đài 113 – 114 – 115, nhưng sự phối hợp trong việc tiếp nhận và xử lý thông tin giữa các cơ quan, đơn vị liên quan như công an, cảnh sát PCCC, Trung tâm cấp cứu 115, Văn phòng Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn TP.HCM vẫn chưa nhịp nhàng. Đến quý 3/2020, khi quy trình, cơ chế phối hợp và hạ tầng kỹ thuật được nâng cấp hoàn chỉnh, hệ thống tổng đài khẩn cấp liên thông mới chính thức ra mắt.

Chỉ một tổng đài khẩn cấp, tại sao không? - ảnh 2
Cảnh sát PCCC cùng người dân giải cứu cụ bà trong vụ cháy nhà tại P.4, Q.Gò Vấp, TP.HCM, ngày 11.3  CTV

Nói về lý do liên thông tổng đài khẩn cấp, Phó giám đốc Sở TT-TT TP.HCM Lê Quốc Cường cho biết nhiều quốc gia chỉ dùng 1 số tổng đài như Mỹ (911), Nga (112), Liên minh châu Âu (112)… cho thấy trong tình huống khẩn cấp về an ninh trật tự, cướp giật, cháy nổ, cấp cứu y tế thì người dân phải được hỗ trợ kịp thời. Một đầu số duy nhất giúp người dân dễ nhớ, dễ gọi, không bị phân tâm, đồng thời sự phối hợp, huy động các nguồn lực của lực lượng chức năng cũng nhanh chóng hơn.

“Một đám cháy thì không chỉ cần lực lượng chữa cháy mà cần có cảnh sát đến bảo vệ hiện trường, giữ gìn an ninh trật tự, đề phòng kẻ gian trà trộn. Rồi phải có lực lượng y tế để hỗ trợ cấp cứu kịp thời cho người bị nạn. Nếu có sự kết nối đồng bộ như vậy thì hiệu quả ứng cứu khẩn cấp sẽ đảm bảo tốt hơn”, ông Cường nói.

Theo ông Cường, trong xu thế chung của thế giới, TP.HCM đã có đề án xây dựng Trung tâm tiếp nhận và xử lý thông tin khẩn cấp, cứu hộ, cứu nạn thống nhất; thông qua 1 đầu số viễn thông, dự kiến là 114. Tuy nhiên, hiện do vướng điều kiện pháp lý, kỹ thuật nên TP.HCM thực hiện giải pháp trung gian là liên thông các đầu số 113 – 114 – 115 với nhau. Người dân có thể gọi đến bất kỳ đầu số nào, tổng đài sẽ tự chuyển, tự xử lý.

Về định hướng sắp tới, ông Cường cho biết trên cơ sở hiện trạng, TP.HCM được Cơ quan Thương mại và phát triển Mỹ (USTDA) tài trợ 1 triệu USD để hỗ trợ thiết kế kỹ thuật cho dự án Trung tâm tiếp nhận và xử lý thông tin khẩn cấp, cứu hộ, cứu nạn thống nhất thông qua 1 đầu số viễn thông duy nhất. Dự án đã có báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, được HĐND TP.HCM bố trí vốn, đang trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư. Khi hoàn thành, trong các tình huống khẩn cấp như dịch bệnh, mất an ninh trật tự…, thì trung tâm này còn có thể trở thành trung tâm chỉ huy khẩn cấp của TP.HCM. Đây cũng là thành phần hết sức quan trọng của Trung tâm điều hành đô thị thông minh.

 

Phát huy vai trò điều phối

Hệ thống tổng đài khẩn cấp liên thông 113 – 114 – 115 của TP.HCM được đánh giá đã phát huy được vai trò điều phối trong những ngày tháng căng thẳng nhất của đợt dịch Covid-19 lần thứ 4. Trong đợt cao điểm từ tháng 6 – 9.2021, số lượng ca nhiễm Covid-19 tăng nhanh đặt ra yêu cầu phải nâng cao năng lực tiếp nhận thông tin từ người dân, cơ sở y tế và điều phối lực lượng, phương tiện cấp cứu kịp thời. Thời điểm đó, chỉ trong 2 ngày, TP.HCM huy động nguồn lực kỹ thuật, trang thiết bị, cơ sở vật chất, nhân sự để thiết lập Tổng đài cấp cứu 115 dã chiến đặt tại Công viên phần mềm Quang Trung (Q.12).

Theo ông Cường, việc liên thông tổng đài khẩn cấp không khó về mặt kỹ thuật, các địa phương đều có thể làm được mà không tốn nhiều chi phí. Trong trường hợp địa phương muốn làm trung tâm chỉ huy với những tiện ích cho lực lượng phản ứng như bộ đàm, định vị xe cấp cứu, hệ thống camera, cơ sở dữ liệu thì cần phải đầu tư. “Nhưng cũng không nên coi đây là chi phí mà coi như khoản đầu tư cần thiết để bảo vệ người dân, bởi đám cháy gây ra thiệt hại lớn về cơ sở vật chất, chưa kể về nhân mạng”, ông Cường phân tích.

Chỉ một tổng đài khẩn cấp, tại sao không? - ảnh 3

Thạc sĩ Nguyễn Trọng Hiển, Phó trưởng phòng điều hành Trung tâm cấp cứu 115 TP.HCM, cho biết thao tác chuyển sang đầu số khác chỉ mất chừng 4 – 5 giây, người dân sẽ được nói chuyện với bộ phận đúng chuyên môn. Khi liên thông cuộc gọi, người dân sẽ có cảm giác nhận được sự đồng cảm hơn.

Vừa qua, Trung tâm cấp cứu 115 TP.HCM cũng góp ý với Sở TT-TT cần phân cấp cuộc gọi của tổng đài liên thông theo 3 màu tương ứng với mức độ khẩn cấp và yêu cầu huy động lực lượng, như màu đỏ cần 3 lực lượng, màu vàng cần 2 lực lượng và màu xanh chỉ cần 1 lực lượng. Khi phân cấp tính chất cuộc gọi thì các lực lượng không cần phải hỏi lại lẫn nhau mà xuống thẳng hiện trường, tiết kiệm được thời gian trao đổi để tập trung cho công tác ứng cứu.

Với 18 năm làm việc ở Trung tâm cấp cứu 115 TP.HCM, chị Nguyễn Thị Hạnh, Trưởng kíp điều phối, cho biết các cuộc gọi về an ninh trật tự, PCCC, cứu hộ cứu nạn đến tổng đài 115 tuy số lượng không nhiều nhưng ngày nào cũng có. Khi tiếp nhận thông tin về một đám cháy, tổng đài viên 115 sẽ hỏi thăm địa chỉ, quy mô, số người gặp nạn, số người còn mắc kẹt bên trong, tình trạng bị thương… để điều xe cấp cứu đến. Đồng thời, cuộc gọi sẽ được chuyển sang đầu số 114 của lực lượng PCCC. “Phải cố gắng để khi xe cứu hỏa đến thì xe cứu thương cũng có mặt kịp thời”, chị Hạnh nói.

Tương tự, các tình huống như có người nhảy cầu, kẹt thang máy, sập giàn giáo công trình thì chuyển qua 114 để cứu hộ cứu nạn. Các tình huống mất an ninh trật tự như ẩu đả, đánh nhau, va chạm xe cộ… thì chuyển về đầu số 113. Đối với tình huống đặc biệt khẩn cấp, tổng đài viên của các đầu số 113, 114 và 115 có thể cùng nghe nội dung của người dân phản ánh để chuẩn bị lực lượng, phương tiện ứng cứu.

Tình huống đặc biệt thì gọi số nào?

Thực tế phát sinh những tình huống như rắn bò vào nhà, có chó dữ xuất hiện hay một số tai nạn khác như kẹp tay chân… mà trong nhà không tự xử lý được, nhiều người băn khoăn trong việc sẽ gọi vào đầu số nào. Nếu ở nước ngoài, như Mỹ thì mọi tình huống đều gọi vào số 911, còn ở VN chưa có số riêng biệt.

Th.S Nguyễn Trọng Hiển, Phó trưởng phòng điều hành Trung tâm cấp cứu 115 TP.HCM, cho biết nếu nhận điện thoại các tình huống rắn bò vào nhà, hay chó dữ xuất hiện, thì đơn vị cũng chuyển sang đầu số 114 để lực lượng cứu hộ, cứu nạn hướng dẫn, xử lý. Còn trong tình huống cần hỗ trợ về y tế mà chưa đến mức phải đến bệnh viện ngay, tổng đài viên sẽ hướng dẫn người dân xử lý. Ông Hiển cũng khuyến cáo những trường hợp như vậy người dân nên gọi điện cho công an khu vực, công an phường đến hỗ trợ cho gần.

Ông Lê Quốc Cường, Phó giám đốc Sở TT-TT TP.HCM, cho biết bên cạnh tổng đài khẩn cấp liên thông 113 – 114 – 115, thì TP.HCM còn có tổng đài 1022 để tiếp nhận phản ánh về các tình huống không khẩn cấp liên quan sự cố hạ tầng đô thị.

SỸ ĐÔNG

TNO