23/01/2025

Đề thi tốt nghiệp THPT khiến thí sinh đánh ‘lụi’ để chống ‘liệt’!

Đề thi tốt nghiệp THPT khiến thí sinh đánh ‘lụi’ để chống ‘liệt’!

Theo quy chế xét công nhận tốt nghiệp THPT, bài thi phải đạt điểm trên 1, nếu nhỏ hơn hoặc bằng 1 thì coi là điểm ‘liệt’. Tuy nhiên với cách ra đề hiện nay các thí sinh vẫn dễ dàng đánh ‘lụi’ để vượt qua điểm ‘liệt’.

 

 

Bộ GD-ĐT đã không thành công trong việc “chống lụi”?

Nhằm tránh trường hợp thí sinh (TS) đánh “lụi” hết các đáp án chỉ một phương án A hoặc B, C, D để lấy trọn 2,5 điểm trên tổng số 10 điểm của một bài thi, Bộ GD-ĐT không để thang điểm các đáp án ngang nhau mà để lệch thang điểm, trong đó có nhiều mã đề chỉ có đúng 5 câu nếu TS chỉ chọn một phương án.

Đề thi tốt nghiệp THPT khiến thí sinh đánh 'lụi' để chống 'liệt'! - ảnh 1
Thí sinh tham gia thi tốt nghiệp THPT năm 2022  ĐỘC LẬP

Tuy nhiên giải pháp này chỉ xử lý được một trong bốn trường hợp TS tô lệch một đáp án dọc từ trên xuống dưới (toàn đáp án A, hoặc toàn B, C, D). Trong khi thực tế nếu chỉ cần tô 5 câu theo một cột rồi luân phiên đổi 5 câu tiếp theo sang cột khác thì xác suất điểm bài thi dao động ở điểm 2,0 và hiếm trường hợp bị điểm “liệt”!

Theo thống kê điểm thi môn toán trong kỳ thi tốt nghiệp THPT 2021 thì có 119 bài thi bị điểm “liệt” (điểm thi ≤ 1). Trong khi số bài thi có điểm từ trên 1 đến 2 có tới 5.462 bài. Tương tự như vậy, môn tiếng Anh có 144 bài thi bị điểm “liệt”, trong khi có 6.947 bài điểm từ trên 1 đến 2. Chắc hẳn trong số những TS này sẽ có nhiều em đánh lụi, khoanh bừa đáp án. Phải chăng Bộ GD-ĐT đã không thành công trong việc “chống lụi”?

 

Vì sao học sinh lại chọn cách đánh “lụi”?

Theo quy chế của Bộ GD-ĐT, điểm xét tốt nghiệp THPT sẽ bao gồm: 70% điểm thi THPT và 30% điểm trung bình lớp 12, điểm ưu tiên, điểm khuyến khích (nếu có).

Đề thi tốt nghiệp THPT khiến thí sinh đánh 'lụi' để chống 'liệt'! - ảnh 2
Một số ý kiến cho rằng nên áp dụng hình thức trừ điểm câu trả lời sai để tránh tình trạng học sinh chọn bừa đáp án hoặc ra câu hỏi trắc nghiệm có nhiều lựa chọn   ĐÀO NGỌC THẠCH

Nếu một TS là học sinh (HS) giỏi, có điểm trung bình lớp 12 từ 8,0 trở lên (và không có điểm ưu tiên, điểm khuyến khích) để xét đậu tốt nghiệp thì điểm thi phải đạt trung bình mỗi môn là 3,75.

Vậy sao vẫn có nhiều em khoanh bừa, không hề đọc đề thi dù chỉ một chữ, dẫu biết rằng nếu có đánh “lụi” thì điểm bài thi cũng chỉ dao động cao, thấp ở điểm 2,0? Chắc chắn những em này cũng chẳng học được gì trong suốt một năm học. Nếu điểm đánh giá học tập cả năm thấp thì vì sao các HS này lại dám chọn cách đánh “lụi” đầy may rủi? Có bao giờ các nhà quản lý giáo dục thử ngồi lại làm những phép tính nhẩm để thấy cách tính “điểm liệt” cần được xem xét lại.

Một lý giải nữa cho việc TS đánh “lụi” là do các em phải thi tổ hợp môn khoa học tự nhiên/khoa học xã hội, trong khi các khối thi, các tổ hợp xét tuyển của các trường ĐH chỉ cần một môn trong tổ hợp môn khoa học tự nhiên/khoa học xã hội. Ví dụ như TS có nguyện vọng thi khối B nhưng vẫn phải thi môn vật lý, dẫn đến tình trạng các em học đối phó, học để “chống liệt”!

Đã từng có những lo ngại xoay quanh vấn đề thi bằng hình thức trắc nghiệm. Một số ý kiến cho rằng nên áp dụng hình thức trừ điểm câu trả lời sai để tránh tình trạng HS chọn bừa đáp án hoặc ra câu hỏi trắc nghiệm có nhiều lựa chọn. Cũng có ý kiến cho rằng không nên thi trắc nghiệm.

Chúng ta đều thấy được ưu, khuyết của từng phương án. Nhưng vấn đề là lãnh đạo, các nhà quản lý giáo dục cần phải cân nhắc và sớm có sự điều chỉnh nhằm khắc phục những vấn đề bất cập hiện nay.

 

Có nên tiếp tục thi tốt nghiệp như hiện nay?

Có nên tiếp tục tổ chức một kỳ thi quốc gia mà tỷ lệ tốt nghiệp năm nào cũng xấp xỉ 97%. Mặc dù kỳ thi tốt nghiệp THPT phục vụ cho mục đích chính là để đánh giá quá trình học phổ thông và xét tốt nghiệp, nhưng cách ra đề thi lại đi kèm với mục đích phân loại TS để các trường ĐH tuyển sinh. Số câu hỏi vận dụng và vận dụng cao thường chiếm khoảng 30% đề thi liệu có phù hợp với mục đích xét tốt nghiệp hay không?

Bên cạnh đó, nhiều trường ĐH đã có nhiều phương thức xét tuyển khác nhau… Thậm chí có trường còn thông báo sẽ không xét kết quả thi tốt nghiệp THPT từ năm 2023. Việc xét tuyển bằng hình thức xét học bạ, xác nhận nhập học trước ngày thi tốt nghiệp đã gián tiếp “tiếp tay” cho nhiều TS chọn phương án “thi sao vừa đủ đậu”, phá hỏng chương trình giáo dục phổ thông.

Nên chăng Bộ GD-ĐT cần tham khảo bài kiểm tra năng lực học tập SAT để tổ chức thi đánh giá năng lực trong một bài thi chung, trong một buổi thi duy nhất, vừa phù hợp với xu thế, vừa giảm bớt tốn kém các khâu tổ chức thi, tránh tình trạng học lệch, học tủ, chứ không phải “khắc xuất, khắc nhập” 3 môn vào chung một môn thi tổ hợp như hiện nay.

 

Lâm Vũ Công Chính

(Giáo viên Trường THPT Nguyễn Du, Q.10, TP.HCM)

TNO