Hiệp định giữa Toà Thánh và Trung Quốc: những ý kiến phò và chống
Mặc dù có những phê bình và chống đối, Đức Thánh Cha Phanxicô vẫn khẳng định rằng hiệp định tạm thời giữa Toà Thánh và Trung Quốc về việc bổ nhiệm các giám mục “tiến hành tốt” và ngài hy vọng Hiệp định này có thể gia hạn vào tháng 10 tới đây.
Nhìn lại bước đầu
Dù muốn dù không, người ta cũng phải nhận rằng cách đây gần 4 năm, Hiệp định tạm thời đã mở ra một trang mới trong tương quan giữa Toà Thánh và Trung Quốc. Thực vậy, sau gần 7 thập niên ở trong tình trạng căng thẳng và “chiến tranh lạnh”, tương quan giữa hai bên đã bước sang một bước ngoặt mới từ ngày 22/9/2018 với việc ký kết hiệp định tạm thời giữa hai bên về việc bổ nhiệm giám mục.
Thông cáo do Phòng Báo chí Toà Thánh công bố cùng ngày đó, khẳng định: “Trong khuôn khổ các tiếp xúc giữa Toà Thánh và Trung Quốc, diễn ra từ lâu để bàn về các vấn đề Giáo Hội có liên quan đến hai bên và để thăng tiến thêm các quan hệ sau này, ngày 22/9/2018, đã diễn ra một cuộc họp giữa Đức ông Antoine Camilleri, Thứ trưởng Ngoại giao Toà Thánh, và Ông Vương Siêu (Wang Chao), Thứ trưởng Ngoại giao Cộng hoà Nhân dân Trung Quốc, là hai vị trưởng phái đoàn Vatican và Trung Quốc.
Trong khuôn khổ cuộc gặp gỡ này, hai vị Đại diện đã ký một hiệp định tạm thời về việc bổ nhiệm các giám mục…
Sau thông cáo chính thức trên đây, Đức Hồng y Pietro Parolin, Quốc vụ khanh Toà Thánh, giải thích: “Đối tượng của Toà Thánh là một đối tượng mục vụ, nghĩa là giúp đỡ các Giáo hội địa phương, để họ được hưởng những điều kiện tự do hơn, tự quyết và tổ chức, để có thể chuyên chăm thi hành sứ mạng loan báo Tin Mừng, góp phần vào việc phát triển toàn diện cho con người và xã hội.”
Cùng ngày 22/9/2018, Toà Thánh ra thông cáo cho biết Đức Thánh Cha Phanxicô đã nhận cho 8 giám mục tại Trung Quốc (một vị được hoà giải trước khi chết), chịu chức bất hợp pháp, được hiệp thông với Giáo Hội. Ngài cầu mong rằng, với quyết định trên đây, Giáo Hội có thể khởi đầu một cuộc hành trình mới, giúp khắc phục những vết thương quá khứ, thực hiện sự hiệp thông trọn vẹn của tất cả các tín hữu Công giáo Trung Quốc.
Phản ứng
Hiệp định này cũng như những tin tức trước đó nơi báo chí đã tạo nên nhiều phản ứng khác nhau trong cộng đồng Dân Chúa với nhiều giải thích khác nhau, tích cực và tiêu cực, gây nên không ít hoang mang và cũng tạo nên nơi nhiều tâm hồn những tâm tình đối nghịch.
Nơi nhiều người khác, họ có thái độ chờ đợi và suy tư tích cực, trong niềm hy vọng một tương lai thanh thản hơn, để làm chứng một cách phong phú về đức tin tại Trung Quốc. Trong bối cảnh đó, ngày 25/9/2018, Đức Thánh Cha công bố một sứ điệp gửi các tín hữu Công giáo Trung Hoa và Giáo Hội hoàn vũ để trấn an và giải thích cho các tín hữu về việc ký hiệp định và các quyết định sau đó.
Tuy có những giải thích của Đức Thánh Cha và Toà Thánh, nhưng vẫn có những người tiếp tục phê bình và chống việc ký hiệp định, như Đức Hồng y Giuse Trần Nhật Quân, nguyên Giám mục Hồng Kông. Nhưng cũng có những người ủng hộ và tin rằng Hiệp định tạm thời sẽ mở ra một trang mới trong lịch sử Công giáo tại Trung Quốc.
Trong gần 4 năm qua, chỉ có 6 giám mục được bổ nhiệm với sự thoả thuận giữa Toà Thánh và Nhà Nước Trung Quốc, trong khi hàng chục giáo phận trống toà tiếp tục chờ đợi. Ngoài ra, các biện pháp hạn chế của Nhà Nước Trung Quốc đối với các tôn giáo gia tăng nhất là đối với các giám mục, linh mục và cộng đoàn Công giáo hầm trú, những người không chịu gia nhập Hội Công giáo Yêu nước do nhà nước lập ra để kiểm soát và đưa Giáo Hội thành một tổ chức của Nhà Nước.
Gần đây, Đức Hồng y George Pell, nguyên Tổng Giám mục Giáo phận Sydney, Australia, và nguyên Bộ trưởng Kinh tế của Toà Thánh, cũng lên tiếng về vấn đề này. Trong cuộc phỏng vấn dành cho báo “Người Khán giả” (The Spectator) số ra ngày 21/3 năm nay ở Australia, Đức Hồng y Pell nói: “Tôi không nghĩ chúng ta được lợi gì trong vấn đề này. Sự kiện hiệp định tạm thời giữa Toà Thánh và Trung Quốc hồi năm 2018 không được công bố cho thấy “có một khó khăn tiên khởi và rất quan trọng” đối với những người quan tâm đến tương lai của Giáo Hội tại Trung Quốc. Tôi biết có những người cao cấp ở Vatican rất bất mãn với cách thức sự việc đang diễn ra. Hiệp định cố gắng tìm kiếm một chút khoảng trống cho các tín hữu Công giáo. Dĩ nhiên đó là điều đáng khen, nhưng tôi nghĩ chúng ta chẳng được gì – các cuộc bách hại dường như tiếp tục. Tại một số nơi những vụ này càng tệ hơn. Dĩ nhiên tôi đặc biệt nghĩ đến những tín hữu Công giáo hầm trú. Điểm khác biệt chính là lòng trung thành của họ đối với người kế vị Thánh Phêrô. Chúng ta mang ơn họ rất nhiều, chúng ta cần kính trọng và biết ơn họ.” (Catholicweekly.com 21/3/2022)
Về phần Đức Hồng y Pietro Parolin, Quốc vụ khanh Toà Thánh, trong cuộc phỏng vấn dành cho hãng tin Công giáo Acistampa ở Ý, phát hành ngày 10/4 năm nay, ngài cho biết đại dịch đã làm cho cuộc đối thoại giữa Toà Thánh và Trung Quốc bị gián đoàn và giờ đây hai bên tìm cách mở lại các cuộc đối thoại một cách cụ thể, với những cuộc gặp gỡ mà Đức Hồng y hy vọng sớm diễn ra, trong đó hai bên suy tư về những kết quả của hiệp định và nếu phải xác định rõ hơn, thì duyệt lại một số điểm. (Acistampa 10/4/2022)
Phỏng vấn Đức Thánh Cha Phanxicô
Trong bối cảnh trên đây, cuộc phỏng vấn của Đức Thánh Cha dành cho ký giả Phil Pullela của hãng tin Reuters, Anh Quốc, cho thấy rõ ý hướng của ngài muốn hiệp định tạm thời với Trung Quốc, tuy có những bất toàn, nhưng vẫn là điều tích cực và cần được tiếp tục.
Đức Thánh Cha xác nhận có những phê bình và chống đối hiệp định, nhưng ngài nói đó cũng là điều đã xảy ra đối với chính sách của Toà Thánh đối với các nước cộng sản Đông Âu thời chiến tranh lạnh. Ngài bênh vực chính sách “từng bước nhỏ”, chính sách “tử đạo kiên nhẫn” mà Đức Hồng y Agostino Casaroli, cố Quốc vụ khanh, đã đề xướng và hồi đó Đức Hồng y cũng đã bị nhiều người phê bình.
Đức Thánh Cha Phanxicô giải thích: “Nhiều người cũng đã nói bao nhiêu điều chống Đức Giáo hoàng Gioan XXIII, chống Đức Phaolô VI và Đức Hồng y Casaroli, nhưng ngoại giao là như thế. Đứng trước một tình trạng khép kín, cần tìm kiếm con đường khả dĩ, không lý tưởng, nhưng ngoại giao là nghệ thuật những gì có thể và làm sao để điều có thể trở thành thực tại. Toà Thánh luôn có những vĩ nhân như vậy. Và điều này Đức Hồng y Parolin thi hành với Trung Quốc, và trong lĩnh vực này Đức Hồng y là vĩ nhân.”
So sánh tình trạng hiện nay với tình trạng trước năm 1989, là năm chế độ cộng sản Đông Âu sụp đổ, Đức Thánh Cha Phanxicô nói rằng việc bổ nhiệm giám mục tại Trung Quốc từ năm 2018 tiến hành chậm chạp, nhưng có những kết quả: tuy chậm nhưng có các giám mục, tiến chậm, theo kiểu Trung Quốc, vì người Trung Quốc có cảm thức về thời gian và không ai làm cho họ vội vã. Cả phía họ cũng có những vấn đề – vì có những thái độ khác nhau của nhà cầm quyền địa phương, “vì tình trạng mỗi miền ở Hoa Lục không giống nhau. Và cũng vì tương quan của họ đối với Giáo hội Công giáo cũng tùy thuộc chính quyền địa phương. Nhưng hiệp định ở đây là tốt và tôi cầu mong vào tháng 10 tới đây có thể gia hạn”. (Vatican News 5/7/2022)
Phản ứng của Bắc Kinh
Cả Nhà Nước Trung Quốc cũng tỏ ra hài lòng về hiệp định tạm thời với Toà Thánh. Hôm 6/7/2022, Phát ngôn viên Bộ ngoại giao Trung Quốc, ông Triệu Lập Kiên (Zhao Lijian) nói rằng “Hiệp định giữa Trung Quốc và Vatican được áp dụng thành công”.
Ông Triệu Lập Kiên tuyên bố như trên trong cuộc họp báo hằng ngày khi trả lời câu hỏi của Phái viên hãng thông tấn Pháp AFP về những lời Đức Giáo hoàng Phanxicô nói về vấn đề hiệp định giữa Toà Thánh và Trung Quốc trong cuộc phỏng vấn hôm 4/7/2022 dành cho hãng tin Reuters. Ông nói: “Từ khi ký hiệp định tạm thời giữa Trung Quốc và Vatican về việc bổ nhiệm các giám mục, hiệp định đã được thực hiện ‘thành công’ với cố gắng từ cả hai phía. Hai bên sẽ tiếp tục tiến hành công việc phù hợp với chương trình hành động đã được thoả thuận.”
Nguồn: https://www.vaticannews.va/vi/vatican-city/news/2022-07/hiep-dinh-giua-toa-thanh-trung-quoc-y-kien-pho-chong.html