24/12/2024

Chúa Nhật, 10.07.2022
Lề Luật Và Tình Thương

Chúa Nhật Tuần XV – Mùa Thường Niên

Đnl 30,10-14 • Tv 68,14 và 17.30-31.36ab và 37 (Đ. x. c.33) • Cl 1,15-20 • Lc 10,25-37

TN15CN - C

Lời Chúa
✠ Bài trích Phúc Âm theo thánh Lu-ca

25 Khi ấy, có người thông luật kia muốn thử Đức Giê-su mới đứng lên hỏi Người rằng: “Thưa Thầy, tôi phải làm gì để được sự sống đời đời làm gia nghiệp?” 26 Người đáp: “Trong Luật đã viết gì? Ông đọc thế nào?” 27 Ông ấy thưa: “Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn, hết sức lực, và hết trí khôn ngươi, và yêu mến người thân cận như chính mình.” 28 Đức Giê-su bảo ông ta: “Ông trả lời đúng lắm. Cứ làm như vậy là sẽ được sống.”

29 Tuy nhiên, ông ấy muốn chứng tỏ là mình có lý, nên mới thưa cùng Đức Giê-su rằng: “Nhưng ai là người thân cận của tôi?” 30 Đức Giê-su đáp: “Một người kia từ Giê-ru-sa-lem xuống Giê-ri-khô, dọc đường bị rơi vào tay kẻ cướp. Chúng lột sạch người ấy, đánh nhừ tử, rồi bỏ đi, để mặc người ấy nửa sống nửa chết. 31 Tình cờ, có thầy tư tế cũng đi xuống trên con đường ấy. Trông thấy nạn nhân, ông tránh qua bên kia mà đi. 32 Rồi một thầy Lê-vi đi tới chỗ ấy, thấy thế, cũng tránh qua bên kia mà đi. 33 Nhưng một người Sa-ma-ri kia đi đường, tới chỗ nạn nhân, thấy vậy thì động lòng thương. 34 Ông ta lại gần, lấy dầu lấy rượu xức vết thương cho người ấy và băng bó lại, rồi đặt người ấy trên lưng lừa của mình, đưa về quán trọ mà săn sóc. 35 Hôm sau, ông lấy ra hai quan tiền, trao cho chủ quán và nói: “Nhờ bác săn sóc cho người này, có tốn kém thêm bao nhiêu, thì khi trở về, chính tôi sẽ hoàn lại bác.” 36 Vậy theo ông nghĩ, trong ba người đó, ai đã tỏ ra là người thân cận với người đã bị rơi vào tay kẻ cướp?” 37 Người thông luật trả lời: “Chính là kẻ đã thực thi lòng thương xót đối với người ấy.” Đức Giê-su bảo ông ta: “Ông hãy đi, và cũng hãy làm như vậy.”

(Bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ)

Suy niệm
Lề Luật Và Tình Thương

Thật đáng suy tư với ý nghĩa dụ ngôn người Samaritanô nhân hậu: tư tế và trợ tế, vốn là những người lãnh đạo tôn giáo và hoạt động trong Đền Thờ, lại có lối sống xa cách cõi lòng Thiên Chúa; trong khi người Samaritanô, vốn là kẻ lạc giáo theo suy nghĩ của người Do Thái, lại mang trái tim thương xót giống với trái tim Thiên Chúa.

Vấn đề nằm ở hai lối sống khác nhau: tư tế và trợ tế sống theo lề luật, còn người Samaritanô sống theo tình thương. Lề luật là chữ viết bên ngoài và nằm trong sách vở, còn tình thương là sức sống nội tại và ở trong tim con người. Sống theo lề luật là một lối sống khô cằn, vì lề luật không có khả năng rung cảm như trái tim con người. Sống theo tình thương mới là đời sống chân thật, vì tình thương tạo nên các cuộc gặp gỡ giữa những trái tim biết xót thương nhau.

Một người bị cướp hành hạ đến nửa sống nửa chết, vốn đang đau khổ trong thể xác và tinh thần, nên thật đáng thương. Nhưng thay vì được thương xót, người này lại bị một tư tế và một trợ tế bỏ mặc. Tại sao? Vì luật tôn giáo không cho phép họ tiếp xúc với những tấm thân ô uế như người bị cướp. Chỉ bận tâm chu toàn luật lễ nghi tôn giáo và giữ gìn thanh danh bản thân, vị tư tế và vị trợ tế đã bỏ rơi một người đang đau khổ. Đối lại, người Samaritanô, không bị trói buộc bởi lề luật, đã hành xử theo rung cảm của con tim, nên đến gần người bị nạn và chăm sóc tận tình.

Vị tư tế và trợ tế nghĩ mình giữ luật vì yêu mến Thiên Chúa, nhưng thái độ duy luật đã đẩy họ xa rời tha nhân, và vì thế Chúa Giêsu xem việc phụng sự mà họ dành cho Thiên Chúa là giả tạo. Người Samaritanô bị người Do Thái cho là không thờ phượng Thiên Chúa chân thật, nhưng chân thành xót thương người đau khổ, và vì thế Chúa Giêsu xem hành vi phục vụ tha nhân của người này là việc thờ phượng Thiên Chúa cách chân thật. Đối với Chúa Giêsu, mến Chúa và yêu người không thể tách rời nhau.

Mến Chúa và yêu người là điều răn trọng nhất mà Thiên Chúa muốn viết, không phải trong sách vở để chúng ta đọc biết, mà trong trái tim mỗi người để chúng ta sống chân thành yêu thương nhau.

Lm. Phaolô Nguyễn Thành Sang

Nguồn: Sống Lời Chúa – Bayard Việt Nam