24/01/2025

Tìm ra cách ngăn muỗi ‘đánh hơi’ người bị sốt xuất huyết để lây bệnh

Tìm ra cách ngăn muỗi ‘đánh hơi’ người bị sốt xuất huyết để lây bệnh

Các nhà khoa học phát hiện một số loại virus sẽ tạo ra mùi hương khác biệt trên cơ thể người bệnh sốt xuất huyết, khiến muỗi dễ dàng tìm đến họ, từ đó gia tăng nguy cơ lây truyền virus.

 

 

Tìm ra cách ngăn muỗi đánh hơi người bị sốt xuất huyết để lây bệnh - Ảnh 1.

Đối với loài muỗi, mùi hương là thứ giúp chúng “định vị” con mồi. Cụ thể, chúng không thể cưỡng lại với hai loại virus nguy hiểm gây bệnh Zika và sốt xuất huyết – Ảnh: Getty Images / iStockphoto

Trong nghiên cứu được công bố trên tạp chí Cell, nhóm nhà khoa học cho biết sau khi xâm nhập cơ thể vật chủ, virus gây bệnh Zika và sốt xuất huyết sẽ khiến cơ thể vật chủ sản sinh một mùi hương đặc biệt thu hút muỗi hơn.

Mùi hương này do một hợp chất gọi là acetophenone tạo thành, được các nhà khoa học mô tả là “chất kích thích cực mạnh” đối với loài muỗi. Acetophenone vốn được tạo ra bởi một loại vi khuẩn phát triển trên da.

Thông thường, da chúng ta sẽ tiết ra một loại protein có tác dụng hạn chế acetophenone. Tuy nhiên khi cơ thể nhiễm virus Zika và sốt xuất huyết thì việc sản xuất protein này bị ngăn chặn, khiến vi khuẩn phát triển nhanh hơn và tạo ra nhiều acetophenone hơn.

Điều này dẫn đến việc cơ thể sản sinh một mùi hương thu hút muỗi. Muỗi đốt người nhiễm bệnh, sau đó sẽ truyền bệnh cho nhiều người khác thông qua vết đốt chích của nó, khiến việc lây nhiễm nhanh và rộng hơn.

Trước đây, các nhà khoa học cũng phát hiện bệnh sốt rét có thể làm thay đổi mùi của vật chủ, từ đó thu hút muỗi. Phát hiện tương tự đối với Zika và sốt xuất huyết càng khẳng định thêm rằng mùi hương là một yếu tố để virus tăng khả năng lây nhiễm sang nhiều vật chủ hơn.

Sốt xuất huyết là một bệnh nhiễm trùng do bốn loại virus có liên quan chặt chẽ với nhau gây nên. Theo Tổ chức Y tế thế giới, một nửa dân số thế giới có nguy cơ mắc bệnh sốt xuất huyết, nhưng hơn 80% các trường hợp thường nhẹ và không có triệu chứng. Sốt xuất huyết cũng là nguyên nhân gây ra khoảng 20.000 ca tử vong mỗi năm.

Virus Zika là một loại bệnh truyền nhiễm do muỗi truyền, chủ yếu xảy ra ở các khu vực nhiệt đới và cận nhiệt đới trên thế giới. Hầu hết những người bị nhiễm virus Zika không có dấu hiệu và triệu chứng. Zika gây sốt, viêm kết mạc và các biến chứng thần kinh. Nhiễm virus Zika trong thời kỳ mang thai cũng có thể dẫn đến dị tật đầu nhỏ.

Hiện tại vẫn chưa có vắc xin hoặc thuốc đặc trị cho virus Zika. Thuốc chủng ngừa sốt xuất huyết cũng chỉ được khuyến cáo cho trẻ em từ 9 đến 16 tuổi đã bị nhiễm bệnh – mục đích là để ngăn ngừa sốt xuất huyết nặng trong tương lai. Do đó, đây vẫn là hai căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm đối với toàn cầu.

Từ phát hiện mới này, các nhà khoa học xác định một phương pháp tiềm năng để ngăn chặn mùi hương và hạn chế sự lây lan của bệnh. Đó là sử dụng một loại thuốc dùng điều trị mụn trứng cá Accutane. Thuốc này có thể làm giảm lượng dầu tiết ra bởi các tuyến dầu trên da, giảm bớt vi khuẩn tạo acetophenone.

Thí nghiệm sử dụng thuốc Accutane để hạn chế mùi hương, ngăn muỗi đốt đã áp dụng thành công trên chuột. Hiện tại các nhà khoa học đang cho thử nghiệm tác dụng của thuốc trên cơ thể người.

Penghua Wang, trợ lý giáo sư tại Đại học Connecticut, thành viên nhóm nghiên cứu, cho biết: “Mục tiêu của chúng ta là giảm sự lây lan của virus và gánh nặng bệnh tật. Phương pháp điều trị tiềm năng này sẽ không giết sạch được muỗi, nhưng nó có thể làm giảm sự lây truyền của Zika và sốt xuất huyết”.

Trong tương lai xa, kết quả này cũng có thể là tiền đề cho các nghiên cứu chỉnh sửa gene của muỗi. Chẳng hạn như ngăn chặn các tế bào thần kinh khứu giác của muỗi. Muỗi vẫn có thể sinh sản, nhưng chúng có thể kém phản ứng với các tín hiệu mùi từ con người và sẽ chỉ đốt động vật, không tìm đốt chích hút máu từ con người.

MINH HẢI (Theo The Conversation, ABC)
TTO