19/11/2024

Nhiều người bị cháy da, xuất hiện đốm giống đồi mồi sau khi đi biển ngày nắng

Nhiều người bị cháy da, xuất hiện đốm giống đồi mồi sau khi đi biển ngày nắng

Dưới tác động của nắng nóng cộng với việc chăm sóc da chưa đúng cách đã khiến nhiều người mắc phải hiện tượng da bị đỏ, bị phỏng rộp nước và xuất hiện những đốm tăng sắc tố trên da.

 

 

Da xuất hiện nhiều đốm nâu giống đồi mồi

Chị V.T.H.A, 30 tuổi, ở Hà Nội, cho biết một tháng trước chị và đồng nghiệp có đi tắm biển ở TP.Nha Trang, Khánh Hòa. Sau khi đi biển về, da chị bắt đầu bị mẩn đỏ và ngứa. Da của đồng nghiệp thì phồng lên như bị bỏng. Sau khi bôi thuốc thì không còn ngứa nhưng tay vẫn còn đốm nâu như đồi mồi.

Tương tự, nhóm của T.K, 25 tuổi, ở TP.HCM, sau khi đi đi biển cũng gặp tình trạng như trên. Được người quen mách bổ sung vitamin C và chăm sóc da kỹ, sau một tháng các đốm trên da của K. mới nhạt dần và 3 tháng sau mới khỏi.

Đây cũng là tình trạng mà Hanh Tâm, 27 tuổi, ở Hà Nội gặp phải mỗi lần thay đổi môi trường, du lịch đến các tỉnh nắng nóng như Quy Nhơn, TP.Nha Trang…

“Mặc dù đã dùng kem chống nắng nhưng do mình thường đi biển, lặn san hô vào giờ nắng nóng 11 giờ-14 giờ nên lần nào về cũng bị nổi đốm giống đồi mồi. Có thể do thay đổi môi trường cộng với tiếp xúc ánh nắng gay gắt nên bị cháy da”, Tâm chia sẻ.

Theo kinh nghiệm của Tâm thời gian mờ đốm nâu tùy vào cơ địa mỗi người, với Tâm sau mỗi lần bị như vậy, thường khoảng một tháng sẽ mờ dần nhưng có người lâu hơn, khoảng sau 3 tháng.

Nhiều người bị cháy da, xuất hiện đốm giống đồi mồi sau khi đi biển ngày nắng - ảnh 1
Làn da xuất xuất hiện nhiều đốm nâu giống đồi mồi  FBNV

Nguyên nhân do tiếp xúc lâu, trực tiếp với ánh nắng mặt trời

Theo bác sĩ Trần Huyền Trâm, Bệnh viện đa khoa Quốc tế Nam Sài Gòn: “Hiện tượng da bị đỏ, bị phỏng rộp nước và sau đó xuất hiện những đốm nâu trên da là do da tiếp xúc lâu dưới ánh nắng mặt trời mà không được che chắn, bảo vệ gây nên hiện tượng bỏng nắng.

Các dấu hiệu bỏng nắng có thể bắt đầu xuất hiện nhanh trong vòng 11 phút sau khi tiếp xúc với ánh nắng mặt trời hoặc da có thể đỏ lên trong vòng 2 – 6 giờ sau đó. Triệu chứng tiếp tục phát triển trong 24 – 72 giờ tiếp theo và tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng, có thể mất vài ngày hoặc vài tuần để chữa lành. Bệnh nhân bị bỏng nắng nhẹ có thể tự điều trị tại nhà, nhưng trường hợp nặng và phồng rộp cần được chăm sóc y tế kịp thời để khôi phục hàng rào bảo vệ da và tránh các biến chứng.

Nhiều người bị cháy da, xuất hiện đốm giống đồi mồi sau khi đi biển ngày nắng - ảnh 2
Làn da bị cháy nắng và nổi đốm tăng sắc tố trên da sau khi đi biển

NVCC

Ngứa, nổi mụn nước thì nên đi khám

Tuy nhiên, sau khi hiện tượng bỏng nắng được phục hồi, đa số các trường hợp sẽ hình thành các đốm tăng sắc tố trên da, gọi là hiện tượng tăng sắc tố sau viêm. Trong một số trường hợp, khi da tiếp xúc với các chất làm tăng nhạy cảm ánh sáng trên da (thường nhất là thực vật, phấn hoa) cũng sẽ gây viêm da, gây tăng sắc tố tại các vùng da đó. Hiện tượng này có tên gọi “viêm da tiếp xúc thực vật ánh sáng”.

Đây cũng là nhận định của bác sĩ Mai Tấn Phúc – chuyên khoa Da liễu, Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn. Theo bác sĩ Phúc hiện tượng này được gọi là Phytophodermatitis, tức viêm da ánh sáng thực vật.

Bệnh nhân không nên quá lo lắng, nếu cảm thấy ngứa thì có thể thoa dưỡng ẩm vào buổi sáng và tối. Nếu không có triệu chứng gì thì lớp da sẽ theo thời gian thay mới, mảng sắc tố này cũng sẽ mất đi, nếu có triệu chứng ngứa, nổi mụn nước thì nên đi khám chuyên khoa da liễu.

 

Cách chăm sóc vùng da bỏng nắng

Để chăm sóc vùng da bỏng nắng, theo bác sĩ Trâm chúng ta nên chườm lạnh ngay sau đó và lau khô bằng khăn mềm. Có thể đắp dưa leo hoặc các chất dưỡng ẩm giúp cung cấp nước và làm dịu da. Trường hợp da đỏ, không ngứa có thể thoa dầu kẽm, dầu mù u, thuốc chứa dexpanthenol.

BS CK2 Vũ Thị Phương Thảo – trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp – Bệnh viện Da Liễu TP.HCM, cho biết để khắc phục tình trạng sạm nắng cần thường xuyên sử dụng kem chống nắng với các chỉ số phù hợp để bảo vệ da trước tác hại ánh nắng mặt trời. Sử dụng các biện pháp cơ học che chắn kỹ khi phải tiếp xúc nhiều với ánh nắng mặt trời như quần áo dài tay, nón rộng vành, kính mát, tìm nơi có bóng râm…, tránh tiếp xúc ánh nắng trực tiếp nhất là khoảng thời gian 10 – 16 giờ.

LÊ CẦM

TNO