23/12/2024

TP.HCM: Nhiều trường hợp sốt xuất huyết không có triệu chứng điển hình, dễ bị bỏ qua

TP.HCM: Nhiều trường hợp sốt xuất huyết không có triệu chứng điển hình, dễ bị bỏ qua

Do không có triệu chứng điển hình nên bệnh nhân không biết mình mắc sốt xuất huyết. Bệnh nhân được phát hiện bệnh khi đi khám triệu chứng khác hoặc có dấu hiệu trở nặng.

 

 

Viêm họng đi khám phát hiện sốt xuất huyết

Bác sĩ CKII Trần Văn Khanh, Giám đốc Bệnh viện Lê Văn Thịnh (TP.HCM), cho biết tại bệnh viện số ca nhập viện do sốt xuất huyết tăng, trong đó tỷ lệ người lớn cao hơn trẻ em. Số ca bệnh người lớn chiếm khoảng 60%, trong 25 ca thì có 3-4 ca chuyển nặng.

“Ghi nhận ban đầu cho thấy so với các đợt trước, đợt sốt xuất huyết lần này do chủng D2 gây bệnh nặng hơn, số ca chuyển nặng nhiều, đặc biệt ở người lớn”, bác sĩ Khanh cho biết.

Ngoài ra, theo bác sĩ Khanh, trong đợt này có những trường hợp không có triệu chứng rõ ràng, người bệnh không sốt, chỉ viêm họng nhưng đến khám, kết quả xét nghiệm dương tính sốt xuất huyết.

TP.HCM: Nhiều trường hợp sốt xuất huyết không có triệu chứng điển hình, dễ bị bỏ qua - ảnh 1
Gia tăng số ca sốt xuất huyết nặng tại TP.HCM  NHẬT THỊNH

Nhầm rối loạn tiêu hóa với sốt xuất huyết

Tương tự, tại Bệnh viện Nhi đồng Thành Phố (TP.HCM), theo bác sĩ Nguyễn Minh Tiến, Phó giám đốc bệnh viện, nhiều trẻ không sốt cao, không có dấu hiệu điển hình của sốt xuất huyết mà kèm các dấu hiệu rối loạn tiêu hóa, hô hấp nên phụ huynh và cả phòng khám thường bỏ qua, chẩn nhầm lẫn dẫn đến nhập viện muộn, chuyển nặng.

Mới đây, trường hợp bé T.D (7 tháng tuổi, ở Đồng Tháp) sốt, tiêu lỏng, gia đình tưởng rối loạn tiêu hóa, tiêu chảy nhiễm trùng dẫn đến đưa trẻ nhập viện trễ. Kết quả xét nghiệm ghi nhận trẻ sốc sốt xuất huyết nặng, tổn thương gan nặng, men gan tăng, rối loạn đông máu nặng, albumin máu giảm nặng.

Trước đó, 3 ngày đầu trẻ sốt nhẹ, tiêu lỏng hơn 10 lần một ngày, ói 3-4 lần mỗi ngày. Ngày thứ 4 sốt giảm, tiêu lỏng 4-5 lần, người nhà đưa đến phòng khám tư cho uống thuốc. Về nhà em đang ngủ thì co giật một lần trợn mắt tím môi.

TP.HCM: Nhiều trường hợp sốt xuất huyết không có triệu chứng điển hình, dễ bị bỏ qua - ảnh 2
Trẻ 7 tháng sốc sốt xuất huyết nặng, tổn thương gan nặng do nhập viện trễ  BVNĐTP CUNG CẤP

Theo bác sĩ Tiến, có nhiều trường hợp sốc sốt xuất huyết ở trẻ nhũ nhi, biểu hiện sốt không cao kèm với triệu chứng tiêu hóa nên phụ huynh, ngay cả nhân viên y tế, dễ mất cảnh giác với bệnh sốt xuất huyết, chỉ nghĩ trẻ bị rối loạn tiêu hóa, tiêu chảy nhiễm trùng dẫn đến đưa trẻ nhập viện trễ.

“Khi thấy con em mình sốt cao trên 2 ngày, có biểu hiện một trong các dấu hiệu sau cần phải đưa ngay trẻ vào bệnh viện: bứt rứt, lăn lộn hoặc li bì, lơ mơ, nói sảng; chảy máu cam, máu răng hoặc ói ra máu, tiêu phân đen; đau bụng, ói; tay chân lạnh; lừ đừ, nằm một chỗ không chơi hoặc bỏ bú, bỏ ăn uống”, bác sĩ Tiến khuyến cáo.

 

Những lưu ý theo dõi và chăm sóc bệnh nhân sốt xuất huyết tại nhà

Theo hướng dẫn của Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP.HCM, một số trường hợp sốt xuất huyết có thể theo dõi tại nhà, tuy nhiên việc theo dõi tại nhà cần tuân thủ hướng dẫn của bác sĩ.

Lau mát tích cực để hạ sốt. Khi cần dùng thuốc để hạ sốt chỉ nên dùng Paracetamol, không nên dùng Aspirin hoặc Ibuprofen. Ăn thức ăn lỏng dễ tiêu, không dùng thức ăn nước uống có màu đỏ, đen, nâu.

Uống nhiều nước để bù vào lượng nước đã mất do sốt cao, ăn uống kém, có thể uống các loại nước dinh dưỡng từ trái cây để cung cấp thêm vitamin, chất khoáng năng lượng.

Liên hệ ngay với nhân viên y tế để được hỗ trợ và nhập viện khi có dấu hiệu chuyển nặng.

LÊ CẦM
TNO