23/12/2024

Khoa học phát hiện ‘thủ phạm’ khiến nỗi sợ hằn sâu trong tâm trí chúng ta

Khoa học phát hiện ‘thủ phạm’ khiến nỗi sợ hằn sâu trong tâm trí chúng ta

Sau khi trải qua một sự kiện đáng sợ, nhiều người không bao giờ quên được. Câu hỏi đặt ra là tại sao nỗi sợ đó cứ đeo bám chúng ta, trong khi những sự kiện khác bị ta quên lãng theo thời gian?

 

 

Khoa học phát hiện thủ phạm khiến nỗi sợ hằn sâu trong tâm trí chúng ta - Ảnh 1.

Các nhà khoa học thần kinh cho biết ký ức về nỗi sợ hình thành trong hạch hạnh nhân của não – Ảnh: WHYY

Một nhóm các nhà khoa học thần kinh từ Trường Khoa học và kỹ thuật Đại học Tulane, bang Louisiana và Trường đại học Y Tufts, bang Massachusetts (Mỹ) đã nghiên cứu sự hình thành ký ức sợ hãi trong trung tâm cảm xúc của não – hạch hạnh nhân – và phát hiện ra một cơ chế.

Norepinephrine, còn được gọi là noradrenaline, là một chất hóa học được một số tế bào thần kinh và tuyến thượng thận tạo ra. Nó có thể hoạt động như một chất dẫn truyền thần kinh (một chất truyền tin hóa học được các tế bào thần kinh sử dụng) và một hormone (một chất hóa học di chuyển trong máu và kiểm soát hoạt động của các tế bào hoặc cơ quan khác).

Norepinephrine được tuyến thượng thận tiết ra để phản ứng với căng thẳng và huyết áp thấp. Các nhà khoa học phát hiện nó cũng tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình xử lý nỗi sợ hãi trong não.

Bằng cách kích thích một số lượng tế bào ức chế thần kinh nhất định trong hạch hạnh nhân đã tạo ra mô hình phóng điện bùng phát lặp đi lặp lại. Mô hình hoạt động điện bùng phát này làm thay đổi tần số dao động sóng não trong hạch hạnh nhân từ trạng thái nghỉ sang trạng thái kích thích, thúc đẩy sự hình thành ký ức sợ hãi.

Nghiên cứu do ông Jeffrey Tasker, giáo sư sinh học phân tử và tế bào Đại học Tulane dẫn đầu, và được công bố gần đây trên tạp chí Nature Communications.

Ông Tasker đã lấy ví dụ về việc trải qua một vụ cướp có vũ trang.  Ông nói, nếu bạn bị cướp có súng, não của bạn tiết ra một loạt chất dẫn truyền thần kinh căng thẳng norepinephrine.

Điều này làm thay đổi mô hình phóng điện ở các mạch cụ thể về cảm xúc trong não của bạn – tập trung ở hạch hạnh nhân – từ đó chuyển não sang trạng thái kích thích cao độ, tạo điều kiện cho việc hình thành trí nhớ. Đó là loại trí nhớ sợ hãi, nó khiến bạn không thể quên những trải nghiệm đau thương.

GIA MINH
TTO