23/01/2025

Chủng sốt xuất huyết D2 có độc lực mạnh, nguy cơ chuyển nặng cao

Chủng sốt xuất huyết D2 có độc lực mạnh, nguy cơ chuyển nặng cao

Theo các chuyên gia, ghi nhận ban đầu có thấy chủng sốt xuất huyết D2 có độc lực mạnh, dễ gây sốc sốt xuất huyết, biến chứng, nguy cơ gia tăng số ca bệnh nặng và tử vong cao.

 

Gia tăng chủng sốt xuất huyết D2

TS-BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM, cho biết thống kê phân bố ca mắc sốt xuất huyết theo tỉnh thành cho thấy TP.HCM có số ca mắc, tử vong cao nhất trong số 20 tỉnh thành khu vực phía nam. Kết quả phân lập type huyết thanh gây bệnh cho thấy type D1, D2 đang chiếm ưu thế, nhưng D2 đang gia tăng, dự báo số ca mắc và nặng, tử vong cũng gia tăng.

Bác sĩ Lương Chấn Quang, Phó Trưởng Khoa Kiểm soát và Phòng ngừa Bệnh tật, Viện Pasteur TP.HCM, cho biết những năm gần đây kể cả đầu năm 2022, chủng D1 chiếm ưu thế ở khu vực phía nam. Tuy nhiên thời gian gần đây, khi lấy mẫu giám sát ở một số địa phương có số ca mắc tăng, các chuyên gia phát hiện các ca bệnh chủ yếu mắc chủng D2.

 

Nguy cơ gia tăng số ca nặng và tử vong

Tính từ đầu năm 2022 đến ngày 29.6, TP.HCM ghi nhận 20.952 ca mắc sốt xuất huyết, tăng 172,5% so với cùng kỳ năm 2021. Hiện TP.HCM đang điều trị 580 ca, trong đó có 278 ca do các tỉnh chuyển về. Trong đó, có 237 ca người lớn và 343 trẻ em; 92 ca nặng. Hiện ghi nhận 10 trường hợp tử vong và 1.111 ổ dịch sốt xuất huyết tính từ đầu năm đến nay.

Chủng sốt xuất huyết D2 có độc lực mạnh, nguy cơ chuyển nặng cao - ảnh 1
Số ca sốt xuất huyết tại TP.HCM tăng mạnh ở cả người lớn và trẻ em NHẬT THỊNH

Tại Bệnh viện Nhi Đồng 1, TP.HCM mỗi ngày có từ 100 – 120 trẻ đang được điều trị, trong đó có 20% số bệnh nhân chuyển nặng.

Bác sĩ Trương Hữu Khanh, nguyên Trưởng khoa Nhiễm Thần Kinh, Bệnh viện Nhi Đồng 1, TP.HCM, cho biết mỗi năm mỗi mùa thường có một chủng sốt xuất huyết nổi trội lấn át các chủng còn lại. Hiện tại đang vào giữa mùa sốt xuất huyết 2022 thì chủng D2 đang tăng. Trong 4 chủng thì chủng D2 thường gây bệnh nặng hơn.

“Người nhiễm chủng D2 vẫn có các triệu chứng giống các chủng còn lại nhưng nguy cơ gây biến chứng, sốc sốt xuất huyết cao hơn, bệnh nặng hơn”, bác sĩ Khanh chia sẻ.

Bác sĩ Nguyễn Minh Tiến, Phó giám đốc Bệnh viện Nhi Đồng Thành phố, TP.HCM, cho biết qua kinh nghiệm thực tế điều trị cho thấy, trong 4 chủng thì D2 có độc lực mạnh nhất.

“Nếu năm nào chủng sốt xuất huyết D1 chiếm ưu thế thì bệnh thường nhẹ, chủ yếu sốt, theo dõi điều trị khoảng 7 ngày khỏi, trong khi đó chủng D2 thường khiến bệnh nặng, gây sốc xuất huyết, tổn thương đa cơ quan”, bác sĩ Tiến chia sẻ.

Chủng sốt xuất huyết D2 có độc lực mạnh, nguy cơ chuyển nặng cao - ảnh 2
Theo nhiều chuyên gia, chủng D2 thường khiến bệnh nặng, gây sốc xuất huyết, tổn thương đa cơ quan NHẬT THỊNH

Theo bác sĩ Tiến, năm nay kết quả khảo sát của các chuyên gia Viện Pasteur tại các tỉnh phía nam như khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, Đông Nam bộ cho thấy nhiều ca bệnh nhiễm chủng D1. Tuy nhiên, ở những người tử vong, kết quả phân lập virus ghi nhận chủng D2 và số ca nhiễm chủng D2 cũng đang có xu hướng gia tăng.

“Thông thường người mắc sốt xuất huyết sẽ trải qua 3 giai đoạn: sốt, nguy hiểm và hồi phục, thường trong khoảng 7 ngày. Tuy nhiên với người mắc chủng D2 thì sau 3-4 ngày đầu sốt, giai đoạn nguy hiểm sẽ có nhiều biến chứng, chuyển biến nặng hơn, các phản ứng viêm mạnh, suy đa tạng, sốc sốt xuất huyết… kéo dài thời gian điều trị”, bác sĩ Tiến phân tích.

Ngoài ra theo chuyên gia, giả thuyết khiến số trẻ mắc sốt xuất huyết tăng nặng, có thể rối loạn miễn dịch do từng nhiễm Covid-19. Khai thác bệnh sử, các ca sốc xuất huyết có tiền sử nhiễm Covid, các phản ứng viêm diễn ra mạnh hơn, tổn thương thành mạch, suy đa tạng…

Bác sĩ CKII Trần Văn Khanh, Giám đốc Bệnh viện Lê Văn Thịnh, cho biết tại bệnh viện số ca nhập viện do sốt xuất huyết tăng, trong đó tỷ lệ người lớn cao hơn trẻ em. Số ca bệnh người lớn chiếm khoảng 60%, trong 25 ca thì có 3-4 ca chuyển nặng.

“Ghi nhận ban đầu cho thấy so với các đợt trước, đợt sốt xuất huyết lần này do chủng D2 gây bệnh nặng hơn, số ca chuyển nặng nhiều, đặc biệt ở người lớn”, bác sĩ Khanh cho biết.

 

LÊ CẦM

TNO