23/12/2024

Lưu ý thời điểm suy giảm miễn dịch sau mũi 3 vắc xin Covid-19

Lưu ý thời điểm suy giảm miễn dịch sau mũi 3 vắc xin Covid-19

Các nghiên cứu trên thế giới và tại Việt Nam đã tìm ra thời điểm kháng thể kháng SARS-CoV-2 suy giảm sau tiêm mũi 3 và khẳng định tiêm mũi 4 sẽ giúp tăng cường miễn dịch, giảm nguy cơ tái nhiễm và nhập viện do Covid-19.

 

 

Miễn dịch giảm ở tuần 10 – 19 sau tiêm

Theo Bộ Y tế, các nghiên cứu trên thế giới và trong đó có nghiên cứu của VN đã chỉ ra kháng thể kháng SARS-CoV-2 sau tiêm mũi 3 sẽ suy giảm đáng kể khoảng 15 tuần sau tiêm, đặc biệt là với biến thể Omicron.

Lưu ý thời điểm suy giảm miễn dịch sau mũi 3 vắc xin Covid-19 - ảnh 1
Người dân tiêm vắc xin phòng Covid-19 mũi 4 tại trạm y tế P.7, Q.Gò Vấp, TP.HCM  NHẬT THỊNH

Do vậy, việc tiêm mũi 4 đặc biệt hữu ích đối với những người: từ 50 tuổi trở lên; người từ 18 tuổi trở lên có suy giảm miễn dịch từ thể vừa đến thể nặng; người từ 18 tuổi trở lên thuộc nhóm nguy cơ cao phơi nhiễm với Covid-19 như cán bộ y tế, cán bộ tuyến đầu (lực lượng công an, quân đội, giáo viên, người làm việc trong lĩnh vực giao thông vận tải, người cung cấp dịch vụ thiết yếu, người làm việc tại các cơ sở dịch vụ du lịch, trung tâm thương mại, siêu thị, chợ), công nhân, người làm tại các khu công nghiệp.

Với những người đã tiêm vắc xin liều cơ bản và mắc Covid-19, miễn dịch bắt đầu giảm ở tuần 10 – 19 sau tiêm. Nếu những người này được tiêm nhắc (mũi 3, 4) thì sẽ khôi phục khả năng miễn dịch, duy trì hiệu lực bảo vệ trước nguy cơ nhiễm SARS-COV-2, gia tăng nồng độ kháng thể, qua đó giúp cơ thể được bảo vệ trước nguy cơ mắc Covid-19, giảm tỷ lệ nhập viện, giảm số ca tiến triển bệnh nặng và ca tử vong do Covid-19.

 

Hiệu quả bảo vệ trẻ khỏi MIS-C lên tới hơn 90%

Theo TS Vương Ánh Dương, Phó cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế), trẻ em mắc Covid-19 thường nhẹ hơn so với người lớn, nguy cơ tử vong cũng ít hơn. Tuy nhiên, một trong những vấn đề đáng lo ngại sau mắc Covid-19 là hội chứng viêm đa hệ thống ở trẻ em (MIS-C). Đây là hội chứng với diễn biến bệnh cảnh rất nặng, tổn thương từ 2 cơ quan trở lên như: da niêm mạc, tiêu hóa, tim mạch, thận, hô hấp, huyết học, thần kinh…

Trong bối cảnh số ca mắc giảm, số ca nặng và tử vong ở mức rất thấp, nhiều trường hợp đã mắc Covid-19 không đồng ý tiêm các mũi vắc xin tiếp theo do nghĩ rằng mình đã được miễn dịch bảo vệ, liều bổ sung hay nhắc lại là không cần thiết. Ngoài ra, thông tin tiêu cực, sai lệch về tác dụng phụ, biến chứng khi tiêm mũi 3, mũi 4 lan truyền trên mạng xã hội đã gây ảnh hưởng đến tâm lý của người dân, dẫn đến nhiều người trong nhóm đối tượng cần được tiêm nhắc lại để tăng cường hiệu quả bảo vệ của vắc xin hiện nay không đồng ý tiêm mũi nhắc lại. Trên thực tế, nhiều quốc gia đang đối phó tình trạng tăng ca bệnh Covid-19 trở lại

Bên cạnh nhiều nghiên cứu đã được y văn thế giới công bố, gần đây Hiệp hội Y khoa Mỹ đã ghi nhận bằng chứng khoa học từ nghiên cứu của Đan Mạch với gần 600.000 trẻ em và thanh thiếu niên bị nhiễm Covid-19. Kết quả nghiên cứu lần nữa nhấn mạnh: Vắc xin phòng Covid-19 có hiệu quả làm giảm nguy cơ MIS-C ở nhóm đã tiêm vắc xin, với tỷ lệ cứ 1 triệu trẻ mắc Covid-19 chỉ có 3 trẻ mắc MIS-C; thấp hơn 15 lần so với nhóm chưa tiêm vắc xin với tỷ lệ 1 triệu trẻ mắc Covid-19 có tới 45 trẻ mắc MIS-C. Hiệu quả bảo vệ của vắc xin để ngăn ngừa hội chứng MIS-C ở trẻ em nhiễm Covid-19 lên tới trên 90%.

Tại Bệnh viện Nhi T.Ư (Hà Nội), đến nay đã tiếp nhận và điều trị 369 trẻ em bị MIS-C, hầu hết trong số này là những trẻ chưa được tiêm vắc xin phòng Covid-19.

Ước tính ở TP.HCM có 900.000 trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi, nếu tất cả được tiêm vắc xin phòng Covid-19 thì số mắc Covid-19 bị MIS-C chỉ 1 – 2 trường hợp.

LIÊN CHÂU

TNO