Sốt xuất huyết tại TP.HCM diễn biến phức tạp

Sốt xuất huyết tại TP.HCM diễn biến phức tạp

Hiện tình hình sốt xuất huyết trên địa bàn TP.HCM diễn biến hết sức phức tạp khiến bộ ngành y tế phải vào cuộc đưa ra biện pháp ngăn chặn hữu hiệu.

 

 

Từ đầu năm 2022 đến nay, cả nước có 77.000 ca sốt xuất huyết (SXH), 42 ca tử vong; riêng tại TP.HCM đã có gần 19.000 ca và 10 ca tử vong. Trước thực trạng TP.HCM gia tăng ca mắc SXH và ca nặng, chiều 27.6, Bộ Y tế đã làm việc với Sở Y tế TP.HCM về công tác phòng, chống sốt xuất huyết trên địa bàn TP.HCM.

 

Bệnh nhân quá tải, thiếu dịch cao phân tử

Bác sĩ (BS) Nguyễn Minh Tiến, Phó giám đốc Bệnh viện (BV) Nhi đồng TP, báo cáo bệnh nhân (BN) SXH tại BV tăng 100%. Nhưng BN không những ở TP quá tải mà các tỉnh cũng quá tải vì các ca nặng do thiếu dịch cao phân tử nên ca nặng các tỉnh chuyển lên chiếm 80%. BV Nhi đồng TP đang có 5 ca thở máy, 8 ca cấp cứu do sốc. Hiện nay, nguồn dịch truyền cao phân tử trị SXH đã hết.

Sốt xuất huyết tại TP.HCM diễn biến phức tạp - ảnh 1
BV Bệnh nhiệt đới quá tải bệnh nhân SXH TRẦN XUÂN KHÁNH

BS Nguyễn Thành Dũng, Giám đốc BV Bệnh nhiệt đới, cũng cho biết hiện BV có trên 340 ca SXH, công suất vượt 50%, BV rơi vào quá tải. Đa số BN đến BV trong vào tình trạng cảnh báo nặng. “Sắp tới, BV không thể kham nổi nữa. Đề xuất các tuyến trước, các ca nào chống sốc được thì chống sốc và nhờ BV Bệnh nhiệt đới hỗ trợ. BV cũng sẽ hạn chế nhận BN nhi để nhận người lớn, bệnh nhi thì chuyển 3 BV nhi của TP. Mặt khác, phụ nữ có thai suy đa tạng, suy gan, xuất huyết nhiều nên BV lập phác đồ điều trị. BV sẽ hạn chế nhận bệnh uốn ván để điều trị SXH, vì khoa hồi sức cấp cứu hiện đã nhận 20 BN uốn ván, trong khi khoa chỉ có 30 giường”, BS Dũng nói. Hiện BV đang thiếu các chế phẩm về máu, đặc biệt là các nhóm máu hiếm.

Tình trạng thiếu dịch cao phân tử HES 200.000 dalton, Dextran 40 để chống sốc SXH đang xảy ra tại các BV chuyên khoa nhi. Do vậy, các BV đã tạm thời sử dụng dung dịch cao phân tử HES 130.000 daltol, gelatin succninylated, tuy nhiên hiệu quả điều trị vẫn không bằng 2 loại dung dịch trên, chưa kể HES 130.000 daltol chưa được BHYT thanh toán.

 

TP.HCM đang leo đỉnh dịch

Theo BS Nguyễn Hữu Hưng, Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM, tính từ đầu năm đến nay, TP.HCM ghi nhận 18.976 ca mắc SXH, tăng hơn 151% với cùng kỳ năm 2021 (7.542 ca). Số ca SXH nặng là 311 ca. Từ đầu năm đến nay cũng đã có 10 ca tử vong, tăng 7 ca so với cùng kỳ năm 2021. Còn Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho hay từ đầu năm 2022 đến nay, cả nước đã có 77.000 ca SXH và đã có 42 ca tử vong trên toàn quốc. Hiện diễn biến dịch phức tạp và dự báo còn tăng cao.

Theo ông Diệp Thanh Hải, Viện Pasteur TP.HCM, dịch bệnh SXH phía nam đang leo đỉnh nhưng leo rất nhanh, dịch đạt đỉnh kéo dài từ tháng 8 và cao điểm vào tháng 10. Ông cảnh cáo, nếu TP.HCM và các tỉnh phía nam không làm quyết liệt thì cả hệ thống điều trị sẽ càng căng thẳng hơn. Kết quả phân lập tuýp vi rút cho thấy từ đầu năm thì chủng D1, D2 đang cạnh tranh, nhưng hiện chủng D2 đang tăng vọt và D2 sẽ gây bệnh nặng.

 

Giải pháp nào giảm mắc, tử vong do sốt xuất huyết ?

Theo BS Nguyễn Hữu Hưng, Sở Y tế muốn tạo ra chiến dịch mạnh sẽ có sự tham gia của toàn dân nên tham mưu UBND TP ban hành kế hoạch tổng vệ sinh đến cuối tháng 9 nhằm kìm hãm sự phát triển của lăng quăng sinh muỗi SXH.

Bên cạnh đó, Sở Y tế cũng đề xuất thành lập Ban chỉ đạo phòng chống dịch (nói chung, thay cho từ Covid-19) và phát triển kinh tế. Lãnh đạo Sở Y tế cũng đề nghị cần có quỹ dự phòng mua thuốc hiếm để sẵn. Bởi có năm mua nhiều nhưng dịch xảy ra ít thì gây lãng phí, nhưng có năm dịch nhiều lại mua không được, dẫn đến thiếu thuốc điều trị.

Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn nhìn nhận năm 2022 là thách thức lớn đối với hệ thống y tế phía nam, đặc biệt là TP.HCM, dịch SXH phức tạp, trong khi Covid-19, tay chân miệng, sốt phát ban vẫn đang tồn tại trong cộng đồng. SXH tăng thì chứng tỏ việc kiểm soát lăng quăng và muỗi cũng có vấn đề. Do đó, Thứ trưởng đề nghị địa phương có biện pháp lập Ban chỉ đạo phòng chống SXH. Về dự phòng, cần có đội giám sát, kiểm tra các nơi bùn lầy, nơi đọng nước. Kiểm tra khu vực nguy cơ, nơi thờ tự, trường học, nhà dân, cơ sở sản xuất. Về khám chữa bệnh, cần tập huấn cho tuyến tỉnh, giảm chuyển viện và chuyển viện an toàn. Cần theo dõi chặt chẽ tuýp D2.

Thứ trưởng Bộ Y tế cũng chỉ đạo TP.HCM tiếp tục giao ban, hội chẩn ca nặng và rút kinh nghiệm tất cả ca tử vong do SXH và báo cáo Bộ Y tế. Cục Quản lý khám chữa bệnh bổ sung ngay vào phác đồ chẩn đoán và xử trí cho bà mẹ mắc SXH và trong trường hợp SXH đồng nhiễm Covid-19. Cục Y tế dự phòng tăng cường tập huấn, giám sát. Cục Quản lý dược tăng cường tìm kiếm thuốc, vật tư y tế và khẩn trương quyết liệt cấp phép các thuốc, chất dịch, đảm bảo thời gian và làm đúng. Những kiến nghị về bổ sung dịch cao phân tử, thuốc, kinh phí chỉ đạo tuyến cũng được Bộ Y tế ghi nhận.

PGS-TS Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế, cũng cho biết Sở sẽ phối hợp với Sở TT-TT định kỳ hằng tuần nhắn tin nhắc nhở các cơ quan, trường học, gia đình diệt lăng quăng, diệt muỗi. Bên cạnh đó, hằng tuần Sở giao ban ca nặng, ca khó; tăng cường hội chẩn từ xa để điều trị. Ngành y tế TP đã lên phương án chuẩn bị sẵn sàng thu dung, điều trị, mở thêm giường hồi sức nếu ca bệnh gia tăng. Mặt khác, Sở Y tế kêu gọi người dân chụp những nơi có lăng quăng gửi về ứng dụng “Y tế trực tuyến” để Thanh tra Sở phối hợp với địa phương xử lý.

DUY TÍNH – TRẦN XUÂN KHANH

TNO