25/12/2024

Cần vận động tự nguyện tiêm vắc xin Covid-19

Cần vận động tự nguyện tiêm vắc xin Covid-19

Các địa phương đang tăng tốc tiêm mũi 3, mũi 4 vắc xin Covid-19; đồng thời một số nơi yêu cầu người dân không đồng ý tiêm phải ký giấy cam kết và chịu trách nhiệm nếu để lây lan dịch bệnh.

 

 

“Cam kết vì yêu cầu chống dịch”

Về yêu cầu ký cam kết nếu không tiêm vắc xin Covid-19, tại họp báo về tiêm chủng vắc xin Covid-19 chiều 27.6 do Bộ Y tế tổ chức tại Hà Nội, đại diện Bộ Y tế đã có giải thích. Cụ thể, GS Phan Trọng Lân, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), cho rằng do yêu cầu phòng, chống dịch nên người dân cần tiêm đúng lịch, đúng liều. “Ký cam kết là yêu cầu hai bên về trách nhiệm, trong thực hiện nghĩa vụ của mình, là yêu cầu cần thiết trong phòng chống dịch”. Về trách nhiệm của Bộ Y tế với trường hợp người tiêm vắc xin gặp sự cố hoặc vẫn bị nhiễm bệnh, GS Lân cho hay, trên lãnh thổ VN, mỗi người dân khi tiêm vắc xin nếu không may bị các tai biến hoặc tử vong được xác định do vắc xin đều nhận được trách nhiệm của nhà nước trong bồi thường theo Nghị định 104 năm 2016.

Trong khi đó, trao đổi với Thanh Niên bên lề họp báo, một chuyên gia cho hay, “yêu cầu người dân ký cam kết là không đúng; cần xem có văn bản nào quy định như vậy? Chúng ta không thể “ép” người dân phải tiêm; hiện vắc xin Covid-19 không phải là vắc xin bắt buộc tiêm chủng. Lúc này nên làm là vận động người dân, đẩy mạnh truyền thông, cảnh báo về nguy cơ dịch bệnh, để người dân tự nguyện tiêm chủng, bảo vệ bản thân, gia đình và cộng đồng”.

Cần vận động tự nguyện tiêm vắc xin Covid-19 - ảnh 1
Tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho học sinh Trường THCS Trần Quốc Toản (TP.Hạ Long, Quảng Ninh) LÃ NGHĨA HIẾU

Vi rút biến đổi khôn lường

Về biến thể mới có thể “né” vắc xin và hiệu quả vắc xin, GS Lân cho rằng bản thân vi rút luôn tiến hóa và tiến hóa khôn lường trong 2 năm qua. “Với các vụ dịch, thông thường là tăng dần miễn dịch và giảm dần xu thế dịch; sau đó dịch biến mất hoặc thành bệnh lưu hành. Tuy nhiên, SARS-CoV-2 là vi rút liên tục xuất hiện các chủng mới”, GS Lân nói và cho hay, hiện biến chủng Omicron có tới 5 biến thể phụ, cho thấy biến đổi của SARS-CoV-2 gần như không lường được”. Trước Omicron, khi chủng Delta lây lan nhanh, một số ý kiến từng cho rằng đây sẽ là chủng lưu hành. Nhưng sau đó lại xuất hiện chủng Omicron. Hiện biến thể Omicron 4 và 5 đang lây lan nhanh hơn.

“Với chúng ta, nếu ta tiêm chủng đạt tỷ lệ thấp, vùng kháng thể chưa đảm bảo thì nguy cơ lây nhiễm bùng phát luôn tiềm ẩn”, GS Lân lo ngại. Theo Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, các đánh giá vừa qua với các biến thể cho thấy vắc xin dù đáp ứng hiệu quả khác nhau nhưng được khẳng định là giảm được ca nặng và tử vong do Covid-19. Còn chống lây nhiễm thì vắc xin có hiệu quả khác nhau với từng loại, từng chủng. Nhưng chắc chắn, người đã tiêm, người đã mắc và đã tiêm thì kháng thể cao, bảo vệ tốt hơn trước vi rút gây bệnh. Ông Lân cho hay nếu biến thể mới có đột biến thì vẫn áp dụng các biện pháp y tế và vắc xin như hiện nay. Nếu biến thể mới lây nhanh, kháng vắc xin thì cần biện pháp tổng thể về hành chính, y tế… để kiểm soát.

Trước thực tế vừa qua có các tỉnh, thành tiêm chậm, nguy cơ tồn đọng vắc xin, PGS-TS Dương Thị Hồng, Phó viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư (NIHE – Bộ Y tế), cho hay Bộ Y tế, NIHE đang phân bổ vắc xin cho các tuyến. Trong triển khai tiêm chủng thì ưu tiên sử dụng vắc xin ngắn hạn trước. “Vắc xin Covid-19 có hạn dùng 9 tháng, các nhà sản xuất đang tiếp tục bảo vệ minh chứng với cơ quan quản lý về tăng hạn sử dụng vắc xin”, bà Hồng nói.

Vắc xin gần đây có hạn 30.6, là vắc xin Bộ Y tế đã phân bổ từ giữa tháng 5. Những tuần gần đây, y tế các tuyến đã nỗ lực huy động, vận động người dân đi tiêm; có nơi tiêm 24/7. Do đó, cơ bản không có vắc xin tồn kho. Trong khi đó, các nước hay các tổ chức quốc tế cũng có tỷ lệ tiêu hủy hoặc hao hụt vắc xin, khoảng 10%.

Theo PGS Hồng, hiện trong kho dự trữ còn 15 triệu liều vắc xin hạn đến tháng 8, tháng 9, tháng 10, ngành y tế vẫn nỗ lực để sử dụng hiệu quả vắc xin nhưng cũng tha thiết mong người dân vì sức khỏe bản thân và cộng đồng, đi tiêm mũi 3, mũi 4 khi đến lịch.

Cần vận động tự nguyện tiêm vắc xin Covid-19 - ảnh 2
Hậu Covid-19 có thể kéo dài, tiêm đầy đủ vắc xin Covid-19 giúp giảm ca bệnh nặng ĐẬU TIẾN ĐẠT

Tiêm vắc xin vẫn là quan trọng số 1

Chia sẻ tại họp báo chiều 27.6, bà Socorro Escanlante, quyền Trưởng đại diện WHO tại VN, chúc mừng Chính phủ VN đi đầu trong các quốc gia về tiêm chủng vắc xin Covid-19. WHO vẫn tiếp tục thúc đẩy các nước nỗ lực tiêm vắc xin, đặc biệt là liều tăng cường; ưu tiên cho đối tượng có nguy cơ cao như nhân viên y tế, người có bệnh nền…

 

Vắc xin ngăn nguy cơ trẻ bị hội chứng viêm đa hệ thống

Số tử vong do Covid-19 ở trẻ em tuy thấp, chỉ chiếm 0,59% trên tổng số tử vong chung của cả nước nhưng bệnh nhi Covid-19 có nguy cơ mắc Hội chứng viêm đa hệ thống ở trẻ em (MIS-C), là hội chứng với diễn biến bệnh cảnh rất nặng, tổn thương từ 2 cơ quan trở lên như: da niêm mạc, tiêu hóa, tim mạch, thận, hô hấp, huyết học, thần kinh…

Nghiên cứu của Đan Mạch với gần 600.000 trẻ em và thanh thiếu niên bị nhiễm Covid-19 cho thấy vắc xin có hiệu quả làm giảm nguy cơ mắc MIS-C ở nhóm đã tiêm, với tỷ lệ cứ 1 triệu trẻ mắc Covid-19 chỉ có 3 trẻ mắc MIS-C; thấp hơn 15 lần so với nhóm chưa tiêm. Hiệu quả bảo vệ của vắc xin để ngăn ngừa hội chứng MIS-C ở trẻ em nhiễm Covid-19 lên tới trên 90%.

Tại Bệnh viện Nhi đồng 1, TP.HCM trong gần 1 năm qua đã tiếp nhận và điều trị 153 ca; trong đó số chưa được tiêm vắc xin phòng Covid-19 là 149 ca, chiếm tới 97,4%. Tại Bệnh viện Nhi T.Ư (Hà Nội), đến nay cũng đã tiếp nhận và điều trị 369 trẻ em bị MIS-C, hầu hết trong số này là những trẻ chưa được tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19.

Theo đại diện WHO, liều tăng cường nên tiêm 4 – 6 tháng sau liều cơ bản. VN đang đi đúng lộ trình này với việc tiêm vắc xin cho các nhóm đối tượng và tiêm các liều tăng cường cho đối tượng nguy cơ như: nhân viên y tế, người có bệnh nền… và tiếp tục tiêm cho những đối tượng khác, trẻ em. Bà Escanlante cho hay: “Biến chủng mới đã xuất hiện và có thể lan đến nhiều quốc gia. Tuần trước, toàn cầu có hơn 3 triệu ca mới và 7.000 ca tử vong. Dù xu hướng mắc và tử vong giảm nhưng lưu ý thận trọng khi đánh giá về xu hướng giảm này. Không nên coi Covid-19 là nhẹ, ngay cả người khỏe vẫn có thể mắc Covid-19 và có thể biến cố”, đại điện WHO khuyến cáo và cho biết thêm, biến chủng mới ngày càng gia tăng và có thể nhân rộng tại nhiều quốc gia. VN đã mở cửa giao thương trở lại, biến chủng có thể gia tăng, mới đây nhất là biến chủng BA.4 và BA.5. Sự gia tăng chủng này ngẫu nhiên gia tăng ca mắc tại các vùng, một số quốc gia, do chủng mới này đã gây ra tỷ lệ nhập viện và ca cấp cứu nhiều hơn.

Tuy nhiên, đại diện WHO cho rằng VN cũng đang gặp thách thức như người dân còn ngần ngại chưa đưa con đi tiêm vắc xin thêm. “WHO khẳng định hiệu quả và độ an toàn của vắc xin đã được cấp phép khẩn cấp. Chúng tôi cam kết hỗ trợ VN đảm bảo cung ứng và triển khai tiêm vắc xin phòng, chống dịch Covid-19. Con đường nhanh nhất để chiến thắng và ngăn chặn được dịch bệnh đó là tiêm vắc xin đầy đủ. Rất mong chúng ta cùng nhau đảm bảo con trẻ được đến trường khỏe mạnh, an toàn; và hãy đưa người thân đến điểm tiêm chủng”, quyền Trưởng đại diện WHO tại VN nhấn mạnh.

Trao đổi với báo chí tại họp báo, PGS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, lưu ý Covid-19 đang rất khó dự báo. Tuy nhiên, chuyên gia này cho rằng, cần phải có sự giám sát và đánh giá nguy cơ. “Nếu đánh giá nguy cơ đúng thì mới giám sát đúng, tránh hiện tượng đánh giá nguy cơ không đúng, dẫn tới không phòng, chống được dịch. Nhưng nếu đánh giá nguy cơ thái quá, dẫn đến toàn bộ lệnh cấm đoán lại khiến cho người dân không thể làm ăn kinh tế, an sinh xã hội bị ảnh hưởng”.

Cần vận động tự nguyện tiêm vắc xin Covid-19 - ảnh 3

Ông Phu nhấn mạnh Nghị quyết 128 về việc thích ứng an toàn, linh hoạt, hiệu quả kiểm soát, phòng chống dịch hiệu quả vẫn là đúng trong giai đoạn hiện nay. Có nhiều ý kiến cho rằng, đưa Covid-19 thành bệnh đặc hữu, nhưng theo quan điểm của chuyên gia này: “Chúng ta nới lỏng nhưng không buông trôi, thả lỏng. Nới lỏng để làm ăn kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội của người dân. VN cũng không thể thực hiện “zero Covid-19”, chúng ta phải nới lỏng đồng bộ, nhưng cũng phải dự phòng đồng bộ. Chúng ta mở cửa hết, có nhập cảnh mới có du lịch, có du lịch mới có khách sạn, nhiều ngành nghề khác phát triển được”.

Theo ông Phu, trước đây để phòng chống dịch, VN cái gì cũng cấm, còn bây giờ không cấm nhưng phải chuyển sang kiểm soát rủi ro, cho các cháu đi học, rủi ro ở lớp nào quản lý lớp đó, không phải vì một nhà có Covid-19 mà phong tỏa cả khu phố.

Chuyên gia y tế này nhấn mạnh dự phòng cá nhân và vắc xin vẫn là quan trọng nhất. Trong môi trường kín rất cần đeo khẩu trang hay việc đeo khẩu trang với người có triệu chứng hô hấp là rất cần thiết. Tuy nhiên, đi ra đường tập thể dục vẫn phải bắt đeo khẩu trang, chúng ta cũng nên thay vì sử dụng khẩu trang y tế có thể sử dụng khẩu trang vải; đồng thời cũng nên sửa văn bản linh hoạt để các cấp chính quyền thực hiện tốt, một số quy định bắt buộc đeo khẩu trang cho phù hợp.

Lấy dẫn chứng từ 2 đợt dịch, bằng giờ năm ngoái, số ca mắc và tử vong rất cao, nhập viện rất nhiều, nhưng vừa qua không có tình trạng đó, ông Phu khẳng định: “Tiêm vắc xin vẫn hữu hiệu. Vấn đề quan trọng số 1 của tiêm vắc xin để người bệnh không nặng, không quá tải bệnh viện và không tử vong. Chúng ta phải xác định tiêm vắc xin cho đối tượng nào, thời gian nào, đặc biệt là vẫn phải lưu ý tiêm cho đối tượng có nguy cơ như: người già, người có bệnh nền”.

Theo ông Phu, trẻ em cũng rất cần tiêm vắc xin, nếu không sẽ là nguồn lây bệnh cho người già, người có bệnh nền trong gia đình. Các địa phương cần cố gắng đẩy nhanh các mũi theo quy định, tiêm cho những người chưa tiêm mũi cơ bản và những đối tượng cần tiêm bổ sung.

LIÊN CHÂU – THU HẰNG

TNO