23/11/2024

Các đợt nắng nóng trên toàn cầu sẽ ngày càng khủng khiếp hơn trong năm 2022

Các đợt nắng nóng trên toàn cầu sẽ ngày càng khủng khiếp hơn trong năm 2022

Một nghiên cứu lớn được công bố trên tạp chí khoa học Environmental Research ngày 28-6 khẳng định các hiện tượng thời tiết cực đoan sẽ xảy ra thường xuyên hơn do biến đổi khí hậu.

 

Các đợt nắng nóng trên toàn cầu sẽ ngày càng khủng khiếp hơn trong năm 2022 - Ảnh 1.

Bé gái cõng em trên con đường ngập do mưa lớn ở ngoại ô thành phố Agartala, Ấn Độ ngày 18-6-2022 – Ảnh: REUTERS

Đã có hàng nghìn người thiệt mạng và hàng triệu người khác phải đi sơ tán do các sự kiện thời tiết cực đoan từ đầu năm 2022 đến nay. Thế giới đang trải qua nhiều đợt nắng nóng thiêu đốt và mưa lũ có sức tàn phá lớn.

Trong ba tháng qua, mưa lũ thảm khốc xảy ra ở Bangladesh, nắng nóng như thiêu đốt Nam Á và châu Âu. Trong khi đó, hạn hán kéo dài khiến hàng triệu người ở Đông Phi đứng bên bờ vực của nạn đói.

Đồng tác giả nghiên cứu của tạp chí Environmental Research, ông Luke Harrington – nhà khoa học khí hậu tại Đại học Victoria, Wellington (New Zealand) – cho biết trong khi có rất nhiều bằng chứng về sự liên hệ của biến đổi khí hậu với nắng nóng và mưa lũ, họ vẫn chưa hiểu nhiều về tác động của biến đổi khí hậu ảnh hưởng đến cháy rừng và hạn hán.

Nghiên cứu chỉ ra biến đổi khí hậu có khả năng làm các đợt nắng nóng càng khủng khiếp hơn và xảy ra thường xuyên hơn. Nói chung, một đợt nắng nóng trước đây có 1/10 cơ hội xảy ra thì nay xác xuất gần gấp 3 lần, đạt đỉnh ở nhiệt độ cao hơn khoảng 1 độ C so với khi không có biến đổi khí hậu.

Chẳng hạn, khả năng xảy ra một đợt nắng nóng với nhiệt độ đến trên 50 độ C như đã xảy ra ở Ấn Độ và Pakistan vào tháng 4-2022 tăng lên 30% do tác động của biến đổi khí hậu. Tần suất xảy ra nắng nóng trong tháng 6-2022 ở châu Âu và Mỹ cũng thường xuyên hơn.

Với mưa lũ, nhìn chung các trận mưa lớn đang trở nên phổ biến hơn và dữ dội hơn do không khí ấm hơn chứa nhiều độ ẩm hơn, các đám mây sẽ “nặng hơn” trước khi rơi xuống thành mưa.

Dù gặp khó khăn khi xác định ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đến hạn hán, nhóm nghiên cứu cho biết một số khu vực đã xuất hiện hạn hán kéo dài. Mùa mưa trong mùa xuân ngắn hơn ở Ấn Độ dương có thể do nước biển ấm hơn ở phía tây Ấn Độ dương, gây mưa nhiều ở Đông Phi và do đó, đến khu vực mũi Hảo vọng thì không còn mưa và gây hạn hán ở khu vực này.

Nắng nóng và khô hạn cũng làm cháy rừng phổ biến hơn và nguy hiểm hơn, đặc biệt những vụ cháy lớn.

Trong khi đó, trên quy mô toàn cầu, tần suất các cơn bão không thay đổi nhưng bão sẽ phổ biến hơn ở khu vực trung Thái Bình Dương và bắc Đại Tây Dương và giảm ở Vịnh Bengal, tây bắc Thái Bình Dương và nam Ấn Độ Dương. Cũng có bằng chứng cho thấy bão nhiệt đới sẽ mạnh hơn.

Ngày 28-6 là ngày thứ tư liên tiếp Nhật Bản hứng chịu cái nóng thiêu đốt, trong đó nhiệt độ trong ngày tại thủ đô Tokyo vượt kỷ lục nhiệt độ tháng 6 trong 150 năm qua.

Theo Reuters, nhiệt độ tại Tokyo trong ngày 28-6 ước tính 36 độ sau 3 ngày liên tiếp nhiệt độ cao trên 35 độ C. Đây là đợt nắng nóng tháng 6 tồi tệ nhất kể từ lần nắng nóng kỷ lục ghi nhận năm 1875.

Từ sáng sớm 28-6, số ca nhập viện do say nắng đã bắt đầu tăng.

 

HỒNG VÂN
TTO