Chỉnh sửa gene phôi thai để chọn chiều cao, màu mắt… cho con?

Chỉnh sửa gene phôi thai để chọn chiều cao, màu mắt… cho con?

Theo một cuộc khảo sát, hơn một nửa người Anh được hỏi ý kiến đã ủng hộ ý tưởng sửa lại DNA của phôi thai người để ngăn ngừa các bệnh nghiêm trọng; 38% người muốn chỉnh sửa gene để chọn các đặc tính cho con như chiều cao, màu mắt…

Chỉnh sửa gene phôi thai để chọn chiều cao, màu mắt... cho con? - Ảnh 1.

Khảo sát cũng cho thấy thế hệ trẻ thích “thiết kế” lại trẻ sơ sinh hơn so với người lớn tuổi, theo tờ Guardian.

Ủy ban Giáo dục vì sự tiến bộ (PET) mở cuộc thăm dò trong nước Anh về khả năng sinh sản và bộ gene. Công ty nghiên cứu thị trường Ipsos thực hiện cuộc thăm dò này. Kết quả cho thấy 53% người dân Anh được khảo sát ủng hộ việc chỉnh sửa bộ gene phôi thai người để ngăn trẻ em phát triển các tình trạng bệnh nghiêm trọng.

Chỉ có 36% ủng hộ việc tạo ra những đứa trẻ có “thiết kế riêng”. Tuy nhiên, quan điểm về công nghệ sửa gene này khác nhau đáng kể theo độ tuổi.

Có 38% người từ 16 – 24 tuổi và 31% từ 25 – 34 tuổi ủng hộ việc chỉnh sửa gene từ phôi thai để cho phép cha mẹ lựa chọn các đặc tính cho con họ như chiều cao, màu mắt và tóc.

Ở Anh và nhiều quốc gia khác, việc thực hiện chỉnh sửa bộ gene trên phôi thai là bất hợp pháp. Tuy nhiên các hạn chế có thể được dỡ bỏ nếu nghiên cứu cho thấy quy trình này có thể ngăn ngừa các bệnh nghiêm trọng một cách an toàn.

Chỉnh sửa bộ gene được ca ngợi như một công cụ tiềm năng để đối phó với một loạt bệnh di truyền, từ xơ nang, loạn dưỡng cơ đến bệnh thoái hóa thần kinh (một tình trạng hiếm gặp, dần dần phá hủy hệ thần kinh).

Về nguyên tắc, các gene bị lỗi gây ra bệnh có thể được chỉnh sửa trong các phôi thụ tinh trong ống nghiệm (IVF), cho phép những phôi đó phát triển thành những đứa trẻ khỏe mạnh.

Bất chấp những tiến bộ to lớn trong lĩnh vực này, các nhà khoa học cho rằng vẫn cần nghiên cứu để hoàn thiện việc chỉnh sửa bộ gene và đảm bảo nó không gây ra những thay đổi ngoài ý muốn đối với DNA. Bởi các chỉnh sửa sẽ được thực hiện trong phôi, DNA bị thay đổi sẽ ảnh hưởng đến mọi tế bào trong cơ thể đứa trẻ và có thể được truyền lại cho các thế hệ sau.

Trong một báo cáo về những phát hiện của cuộc khảo sát, PET nói rằng nếu việc chỉnh sửa bộ gene được đưa vào sử dụng trong y tế, nó phải được thực hiện một cách “nghiêm ngặt về mặt khoa học và đạo đức”.

Ông John Harris, giáo sư danh dự về đạo đức sinh học tại Đại học Manchester (Anh), cho biết ông ủng hộ “sự lựa chọn tối đa có thể có” của các bậc cha mẹ trong việc lựa chọn các đặc điểm thể chất của con mình nếu các đặc điểm đó không có hại.

Vào năm 2018, nhà nghiên cứu Trung Quốc Hạ Kiến Khuê (He Jiankui) đã bị toàn cầu lên án khi tuyên bố đã cố gắng chỉnh sửa bộ gene của 2 bé gái với hy vọng giúp chúng miễn nhiễm với HIV. Ông Jiankui sau đó bị bỏ tù vì vi phạm các quy định y tế.

Sự phẫn nộ đã dẫn đến cuộc điều tra của một ủy ban quốc tế và kết luận việc chỉnh sửa bộ gene còn lâu các phòng khám mới được thực hiện.

GIA MINH
TTO