Báo chí Nam kỳ đầu thế kỷ 20: Hiện tượng của làng báo Sài Gòn
Báo chí Nam kỳ đầu thế kỷ 20: Hiện tượng của làng báo Sài Gòn
Sau khi La Cloche Fêlée đình bản, tờ báo quốc ngữ Đông Pháp thời báo thời Trần Huy Liệu làm chủ bút nổi lên là một hiện tượng của làng báo Sài Gòn.
Trước khi được Nguyễn Kim Đính giao phụ trách Đông Pháp thời báo, Trần Huy Liệu đã đụng độ Ty kiểm duyệt nhiều lần, trong Hồi ký Trần Huy Liệu (NXB Khoa học xã hội, 1991, tr.41), ông có kể qua giai đoạn làm báo này. Tháng 6.1924, Trần Huy Liệu vào làm ở tờ Nông cổ mín đàm lúc ấy do Lâm Hiệp Châu làm chủ nhiệm. Với vai trò chủ bút, và tương đắc với Lâm Hiệp Châu, cả hai đã nói nhiều về chính trị trên tờ báo vốn bàn về chuyện làm ruộng đi buôn như cái tên của nó.
Những bài viết của Trần Huy Liệu ký tên Đẩu Nam bị Ty kiểm duyệt xóa bỏ, bút danh Côi Vị sau đó cũng thế, có những tờ Nông cổ mín đàm in ra với nhiều khoảng trắng không có nội dung thể hiện cho độc giả biết đó là những bài bị kiểm duyệt. Sau nhiều lần đối đầu với Ty kiểm duyệt và vài lý do khác, Nông cổ mín đàm chính thức đình bản.
Tờ Đông Pháp thời báo, số ra ngày 25.3.1925, chủ bút là Nam Kiều (tức Trần Huy Liệu) |
Kể từ sau khi La Cloche Fêlée và Nông cổ mín đàm đình bản, tình hình chính trị xã hội Sài Gòn có nhiều sự kiện quan trọng chi phối đời sống báo chí.
Ngày 24.1.1925, Bùi Quang Chiêu, bấy giờ là người đứng đầu Đảng Lập hiến, rời Sài Gòn sang Pháp. Tờ La Tribune Indigène do Bùi Quang Chiêu phụ trách chính trị đình bản cuối tháng 1.1925.
Ở Pháp, Bùi Quang Chiêu đọc một số diễn văn, viết một số bài báo, trong đó có bài trên Tạp chí France d’Asie (Pháp-Á) năm 1925. Ông Chiêu xin cho dân bản xứ các quyền tự do đi lại, báo chí, hội họp… tạo được dư luận tốt trong nước.
Ngày 26.1.1925, La Cloche Fêlée tục bản dưới sự điều hành của luật sư Phan Văn Trường, một người cùng chí hướng với Nguyễn An Ninh từ hồi còn bên Pháp. Tháng 6.1925, nhà văn trẻ André Malraux (về sau là Bộ trưởng Bộ Văn hóa Pháp) và luật sư Paul Monin ra tờ báo L’Indochine (Đông Dương). Thống đốc Cognacq là đối tượng công kích chính của tờ báo đối lập này. Sau 2 tháng, L’Indochine đình bản vì bị sách nhiễu, rồi tục bản vào tháng 11.1925 với tên L’Indochine Enchaînée (Đông Dương xiềng xích), hoạt động đến tháng 2.1926 báo đình bản.
Giữa tháng 3.1926, nhóm Lập hiến chạy chiến dịch báo chí đưa tin Bùi Quang Chiêu sẽ về đến cảng Sài Gòn chiều ngày 24.3.1926. Ngày 17.3.1926, trên Đông Pháp thời báo, chủ bút Trần Huy Liệu kêu gọi tất cả thành phần trí thức, nhà tư sản, công nhân, phụ nữ… cùng nhau đi đón Bùi Quang Chiêu. Trong hồi ký, Trần Huy Liệu thừa nhận “Thực ra, chính lúc ấy tôi là người đầu tiên viết trên tờ Đông Pháp thời báo cổ động đồng bào đi đón tiếp Bùi Quang Chiêu…” (sđd, tr.56), dù rằng không ưa Đảng Lập hiến, vì “cứ thấy việc thì làm, chẳng cần suy tính đến hậu quả ra sao” (sđd, tr.57). Sau đó, chính Đảng Thanh niên mà ông Liệu là một trong các yếu nhân trở thành lực lượng chính chống đối Bùi Quang Chiêu và Đảng Lập hiến của ông Chiêu.
Theo báo cáo của Sở Mật thám, đêm 20.3.1926, khoảng 70 thanh niên với một số thành viên chủ chốt là các ký giả Trần Huy Liệu, Bùi Công Trừng, Nguyễn Trọng Hy, Lâm Hiệp Châu, Lê Thế Vĩnh, Phan Trường Mạnh… tụ họp tại nhà Lê Thế Vĩnh để bàn về việc thành lập Đảng Thanh niên (dẫn lại từ Philippe M.P. Peycam, sđd, cước chú 78, tr.257 – 258). Việc này được Trần Huy Liệu thuật lại trong hồi ký (sđd, tr.57) nhưng có chút khác về bối cảnh.
Ngày 21.6.1926, trong một cuộc mít tinh chính trị lớn chưa từng có diễn ra tại xóm Lách đường Lanzarotte (nay là Đoàn Công Bửu, Q.3), Phan Trường Mạnh là người được ủy thác đứng ra thông báo về sự ra đời của Đảng Thanh niên.
Chân dung Trần Huy Liệu BẢO TÀNG LỊCH SỬ |
Tháng 3 sôi sục giữa lòng Sài Gòn
Vào tháng 3, người dân lục tỉnh đổ về Sài Gòn để đón Bùi Quang Chiêu, “các khách sạn đều chật ních”, các báo thuộc phe Lập hiến đưa tin rầm rộ, Đông Pháp thời báo cũng rất hăng hái. Báo L’Impartial (Trung lập) kêu gọi người quốc tịch Pháp phản biểu tình. Sài Gòn sôi sục, một bên là biểu tình chào đón, ủng hộ Bùi Quang Chiêu với lực lượng nòng cốt là Đảng Thanh niên của Trần Huy Liệu khi đó đã rất đông người xin gia nhập, một bên là lực lượng phản biểu tình của nhóm người có quốc tịch Pháp, Tây lai…
Chính quyền lo ngại sẽ có cuộc đụng độ giữa hai bên, gây ảnh hưởng đến trật tự trị an. Bấy giờ, một Ban Trị sự đón tiếp Bùi Quang Chiêu được thành lập gồm thành phần lãnh đạo Đảng Lập hiến, vài nhà đại tư sản và lãnh đạo (chủ nhiệm Nguyễn Kim Đính, chủ bút Trần Huy Liệu) tờ Đông Pháp thời báo.
Ngày 23.3.1926, ký giả Lâm Hiệp Châu ra tờ Jeune Annam (An Nam trẻ) trái phép (chỉ công dân Pháp mới được ra báo). Lâm Hiệp Châu làm chủ nhiệm, Dejean de la Bâtie làm chủ bút. Ngoài việc đả kích chính sách Pháp – Việt đề huề của Đảng Lập hiến, báo còn đăng lại bài của Nguyễn Ái Quốc, Nguyễn Thế Truyền trên La Paria (Người cùng khổ).
Trưa ngày 24.3, Sở Mật thám bắt Nguyễn An Ninh vì cuộc
mít tinh ở xóm Lách, bắt Dejean de la Bâtie và Lâm Hiệp Châu vì liên quan đến tờ báo Jeune Annam. Cũng trong ngày, tin cụ Phan Châu Trinh qua đời được loan báo khắp Sài Gòn.
Tin Nguyễn An Ninh bị bắt, Phan tiên sinh tạ thế cùng trong một ngày làm chấn động Sài Gòn.
(còn tiếp).
NGUYỄN QUANG DIỆU
TNO