26/12/2024

Chóng mặt khi đứng lên nguy hiểm cỡ nào?

Chóng mặt khi đứng lên nguy hiểm cỡ nào?

Nhiều người thường phớt lờ khi bị chóng mặt lúc đứng lên. Nhưng bạn có biết rằng đây là dấu hiệu của hạ huyết áp. Huyết áp giảm đột ngột có thể dẫn đến đột quỵ do lượng máu cung cấp cho não không đủ.

 

 

 

Hạ huyết áp thế đứng là gì?

Thuật ngữ “hạ huyết áp thế đứng” đề cập đến sự giảm huyết áp xảy ra khi đứng lên. Còn được gọi là hạ huyết áp tư thế, theo Times Of India.

Khi một người đứng lên từ tư thế ngồi hoặc nằm, cơ thể sẽ cố gắng điều chỉnh sang vị trí mới. Điều quan trọng đối với cơ thể lúc đó là đẩy máu lên trên và cung cấp oxy cho não.

Chóng mặt khi đứng lên nguy hiểm cỡ nào? - ảnh 1
Hạ huyết áp thế đứng có thể gây choáng hoặc thậm chí có thể ngất xỉu  SHUTTERSTOCK

Huyết áp sẽ giảm có thể gây choáng hoặc thậm chí có thể ngất xỉu.

Cách kiểm tra “hạ huyết áp thế đứng”

Nằm xuống trong 10 – 15 phút

Đo huyết áp và mạch

Sau đó đứng lên, đo huyết áp và mạch ngay lập tức; lặp lại sau 2 và 4 phút.

Huyết áp khỏe mạnh lý tưởng là từ 90/60 mmHg đến 120/80 mmHg.

Huyết áp dưới 90/60 mmHg là huyết áp thấp. Hạ huyết áp thế đứng dựa trên huyết áp đo được lúc nằm và khi đứng lên đột ngột.

Nếu huyết áp tâm thu giảm hơn 20 mmHg và huyết áp tâm trương giảm hơn 10 mmHg, có nghĩa là bị hạ huyết áp thế đứng, theo Times Of India.

 

Các triệu chứng của hạ huyết áp thế đứng

Huyết áp cực thấp

Buồn nôn

Ngất sau khi thay đổi tư thế hoặc khi đứng lâu

Hoa mắt

Ngất xỉu

Ngã đột ngột

Mệt lả

Chóng mặt

Choáng váng

Đau đầu

Dần dần các triệu chứng sẽ hết khi cơ thể bắt đầu thích nghi với vị trí mới.

Huyết áp giảm đột ngột cũng có thể trở thành nguy cơ dẫn đến đột quỵ do lượng máu cung cấp cho não không đủ, theo Times Of India.

Chóng mặt khi đứng lên nguy hiểm cỡ nào? - ảnh 2
Bệnh nhân bị hạ huyết áp phải luôn được cung cấp đủ nước SHUTTERSTOCK

Cách phòng ngừa hạ huyết áp thế đứng mà không cần dùng thuốc

Uống nhiều nước: Bệnh nhân bị hạ huyết áp phải luôn được cung cấp đủ nước. Điều quan trọng là phải hạn chế rượu vì có thể làm trầm trọng thêm tình trạng hạ huyết áp thế đứng.

Tăng lượng muối: Tăng lượng muối trong chế độ ăn uống cũng có thể giúp kiểm soát hạ huyết áp thế đứng vì muối được cho là làm tăng huyết áp. Tuy nhiên, nên hỏi ý kiến ​​bác sĩ trước khi tăng lượng muối.

Đừng đứng ngay lập tức: Khi đứng lên từ tư thế nằm, điều quan trọng là đầu tiên phải ngồi một lúc rồi đứng dậy để cơ thể có đủ thời gian điều chỉnh.

Không tập thể dục quá sức: Đặc biệt trong mùa hè hoặc trong điều kiện thời tiết nóng bức, cần tránh tập thể dục quá sức.

Mang vớ áp lực y khoa: Loại vớ thường được dùng cho người suy giãn tĩnh mạch cũng có thể được mang để ngăn ngừa hạ huyết áp tư thế đứng vì thúc đẩy lưu thông máu. Tuy nhiên, điều quan trọng là phải hỏi ý kiến ​​bác sĩ về điều này, theo Times Of India.

THIÊN LAN

TNO