25/12/2024

Khẩn trương tháo gỡ vướng mắc trong cung ứng thuốc

Khẩn trương tháo gỡ vướng mắc trong cung ứng thuốc

Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên có công văn chỉ đạo các bệnh viện trực thuộc bộ; các cơ sở sản xuất, nhập khẩu thuốc, trang thiết bị y tế báo cáo về rà soát, xử lý vướng mắc trong mua thuốc và vật tư y tế.

 

 

 

Lãnh đạo Bộ Y tế cũng đề nghị sở y tế các tỉnh, thành chỉ đạo bệnh viện (BV), đơn vị trực thuộc khẩn trương xây dựng kế hoạch, triển khai việc mua sắm thuốc và vật tư y tế để bảo đảm tính sẵn sàng; không được để xảy ra tình trạng thiếu thuốc và vật tư y tế phục vụ công tác khám, chữa bệnh; bảo đảm cung ứng đủ, kịp thời các vật tư y tế và thuốc thiết yếu, đặc biệt là các thuốc hiếm nguồn cung.

Về nguyên nhân chính dẫn tới tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế, Bộ Y tế đánh giá do “tâm lý lo ngại, sợ sai, sợ thanh tra, kiểm tra, do vậy không dám làm, không dám đấu thầu, mua sắm của một số địa phương và đơn vị”.

Khẩn trương tháo gỡ vướng mắc trong cung ứng thuốc - ảnh 1
Bệnh nhân lãnh thuốc bảo hiểm y tế tại Bệnh viện Chợ Rẫy DUY TÍNH

Liên quan việc thiếu hụt thuốc tham gia đấu thầu do hơn 10.000 thuốc hết hạn giấy đăng ký lưu hành thuốc, ngày 20.6, thông tin từ Bộ Y tế cho biết, hơn 6.300 thuốc đã được gia hạn và tháng 7 này sẽ có thêm khoảng 3.000 thuốc được gia hạn.

Ông Lê Thanh Dũng, Giám đốc Trung tâm mua sắm tập trung thuốc quốc gia, cho biết đơn vị này đang triển khai đấu thầu tập trung hơn gần 300 loại thuốc thuộc danh mục đấu thầu quốc gia trong đó có nhiều biệt dược gốc, dự kiến cuối tháng 6 này đơn vị sẽ hoàn tất việc đấu thầu mua sắm thuốc tập trung.

Tuy nhiên, ông Dũng cũng lưu ý cung ứng thuốc ở BV hiện nay không phụ thuộc đến công tác đấu thầu tập trung chậm. Theo hướng dẫn tại Thông tư 15/2019 (thông tư 15) có quy định về đấu thầu thuốc tại các cơ sở công lập, theo đó, trong khi chờ kết quả đấu thầu tập trung quốc gia, các cơ sở y tế có thể đấu thầu tại chỗ và kết quả đó không áp dụng quá 12 tháng.

Cụ thể, đối với thuốc thuộc danh mục thuốc đấu thầu tập trung cấp quốc gia, danh mục thuốc đàm phán giá, Trung tâm mua sắm tập trung thuốc quốc gia có trách nhiệm xây dựng kế hoạch lựa chọn nhà thầu cung cấp thuốc. Hiện có khoảng 300 thuốc đấu thầu tập trung cấp quốc gia. Ngoài ra, đấu thầu tập trung tại các địa phương hoặc các BV được thực hiện theo phân cấp. Các thuốc do cơ sở y tế tự tổ chức lựa chọn nhà thầu, cơ sở y tế chịu trách nhiệm xây dựng kế hoạch lựa chọn nhà thầu cung cấp thuốc. Kế hoạch được lập định kỳ hoặc đột xuất khi có nhu cầu.

Theo quy định tại Thông tư 15, trường hợp cơ sở y tế đã tổ chức lựa chọn nhà thầu và ký hợp đồng nhưng nhu cầu sử dụng vượt quá 20% số lượng trong hợp đồng đã ký (tính theo từng phần của gói thầu) thì cơ sở y tế phải xây dựng kế hoạch lựa chọn nhà thầu bổ sung để đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh của đơn vị mình.

Thông tin từ một số BV cho hay để khắc phục thiếu thuốc, vật tư y tế, hiện đã áp dụng thực hiện gói thầu theo thẩm quyền. Tuy nhiên, một số vật tư rất khó đấu thầu do chưa có giá niêm yết trên cổng công khai y tế, khó xác định được có giá chính thức để tham khảo, ví dụ như gel siêu âm. Đây là sản phẩm không đắt tiền nhưng là thiết yếu trong siêu âm. Hoặc máy xét nghiệm cần đồng bộ với hóa chất; tuy nhiên, khi hết, nếu đấu thầu không đúng loại thì sẽ không sử dụng được; nhưng nếu chỉ định mua đúng loại phù hợp với máy thì lại sai quy định…

“Trường hợp có tình trạng thiếu thuốc và vật tư y tế do khó khăn, vướng mắc liên quan đến công tác mua sắm, lựa chọn nhà thầu, sở y tế các tỉnh, thành phố báo cáo rõ nguyên nhân về Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) trước ngày 22.6” lãnh đạo Bộ Y tế cho biết.

 

Nhiều bệnh viện ở TP.HCM thiếu thuốc

Ngày 20.6, lãnh đạo Sở Y tế TP.HCM chủ trì buổi làm việc trực tiếp với giám đốc và trưởng khoa dược của tất cả bệnh viện (BV) và trung tâm y tế trực thuộc để trao đổi về tình hình cung ứng thuốc và các giải pháp nhằm chủ động không để xảy ra tình trạng thiếu thuốc do tâm lý sợ sai khi đấu thầu mua sắm thuốc như báo đài phản ánh gần đây.

Khi được lãnh đạo Sở Y tế hỏi có thiếu thuốc hay không, câu trả lời của hầu hết các Giám đốc BV là “có”. Nhưng tất cả đều cho rằng đây là các vấn đề đã tồn tại từ rất lâu do nhiều nguyên nhân khác nhau. Theo lý giải từ phía các BV, đầu tiên, ngành y tế TP luôn bị động đối với một số thuốc thuộc danh mục thuốc hiếm do không có nhà cung ứng hoặc do ngừng sản xuất. Các BV trên địa bàn còn bị động trong vấn đề mua sắm thuốc thuộc danh mục đàm phán giá và đấu thầu tập trung cấp quốc gia. Bên cạnh đó, một số thuốc mới phát sinh do các BV tuyến cuối triển khai thêm các kỹ thuật mới, chuyên sâu như thuốc điều trị trong lĩnh vực ung bướu, huyết học… Hầu hết các thuốc này chưa có số đăng ký, chủ yếu là nhập khẩu chuyến hằng năm sau khi được Bộ Y tế cấp phép. Trường hợp Bộ Y tế chưa cấp phép kịp thì khả năng các thuốc này sẽ bị thiếu trong một khoảng thời gian nhất định (thực tế các BV đều mong Bộ Y tế xem xét, phê duyệt khi BV cần nhập khẩu chuyến để đáp ứng nhu cầu điều trị). Một số cơ sở khám, chữa bệnh có quy mô nhỏ, thiếu nguồn nhân lực tham gia công tác đấu thầu thuốc theo quy định, chưa có kinh nghiệm trong mua sắm. Ngoài ra, thách thức không nhỏ trong giai đoạn hiện nay, đó là bên cạnh việc đưa ra những giải pháp để chủ động phòng ngừa hiện tượng thiếu thuốc, vật tư y tế thì các BV công lập trực thuộc Sở Y tế còn phải sẵn sàng tiếp nhận người bệnh từ các tỉnh thành chuyển đến do bệnh nặng và kể cả do thiếu một số thuốc, vật tư y tế khi các địa phương chậm tổ chức đấu thầu theo quy định.

Về phần mình, Sở Y tế cũng đã có các giải pháp để đảm bảo cung ứng thuốc, vật tư y tế cho người dân kịp thời và tham mưu lãnh đạo TP cho phép ngành y tế TP thành lập Trung tâm mua sắm tập trung thuốc, vật tư y tế, trang thiết bị.

Duy Tính

 

LIÊN CHÂU

TNO