Phòng lây dịch tay chân miệng cho trẻ ra sao?
Phòng lây dịch tay chân miệng cho trẻ ra sao?
Theo thống kê tại Bệnh viện đa khoa Đống Đa (Hà Nội), từ tháng 4 đến nay, đơn vị này đã tiếp nhận gần 100 bệnh nhi được gia đình đưa đến khám bệnh tay chân miệng (TCM).
Tại Bệnh viện (BV) Nhi T.Ư (Hà Nội), số lượng trẻ mắc bệnh TCM đến khám cũng có chiều hướng gia tăng. Từ tháng 4 đến nay, BV này đã tiếp nhận gần 800 bệnh nhi mắc bệnh TCM đến khám, trong đó 120 trẻ phải nhập viện điều trị.
Thạc sĩ Hà Huy Tình, Phó trưởng khoa Truyền nhiễm, BV đa khoa Đống Đa, thăm khám sức khỏe cho bệnh nhi TCM ĐỖ TẤN |
Thạc sĩ Hà Huy Tình, Phó trưởng khoa Truyền nhiễm BV đa khoa Đống Đa, cho biết TCM là bệnh truyền nhiễm cấp tính ở trẻ em, biểu hiện sớm nhất của bệnh là sốt nóng, quấy khóc, nổi ban, phỏng nước trên da, kém ăn, bỏ bú… Sau đó, bệnh chuyển giai đoạn toàn phát, bắt đầu là sự xuất hiện các mụn nước ở niêm mạc miệng (thường ở mặt trong má, mặt trên của lưỡi).
Các phỏng nước có kích cỡ lớn, nhỏ tùy vị trí nằm trên một nền niêm mạc đỏ. Các phỏng nước trong miệng thường dập vỡ nhanh, tạo ra các vết trợt, loét rất đau, làm bệnh nhân khó ăn uống. Sau đó, phỏng nước xuất hiện ở bàn tay, bàn chân, đôi khi cả trên người. Các nốt phỏng này thường xuất hiện trong 7 – 10 ngày rồi xẹp xuống, mất đi và không để lại sẹo.
Bệnh TCM lây từ người sang người qua đường tiêu hóa hoặc tiếp xúc với nước bọt, dịch tiết mũi họng, các bọng nước vỡ của người bệnh, thường gặp ở trẻ dưới 5 tuổi. “Dù là bệnh lành tính nhưng một số trường hợp các biến chứng thường diễn biến nhanh, có khả năng gây tử vong cao như viêm màng não, viêm não, liệt mềm cấp, viêm cơ tim, phù phổi cấp…”, thạc sĩ Tình cho biết.
TS Đỗ Thiện Hải, Phó giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới, BV Nhi T.Ư, cho biết thêm: “Một số trẻ chỉ có biểu hiện loét miệng hoặc nổi nốt nhỏ ở mông hay bẹn, nếu gia đình không chú ý thì rất khó phát hiện”.
Bệnh chưa có vắc xin
Theo bác sĩ chuyên khoa 2 Nguyễn Thái Minh, Trưởng khoa Truyền nhiễm BV đa khoa Đống Đa, bệnh TCM hiện chưa có vắc xin phòng bệnh, người dân cần chủ động các biện pháp phòng chống bệnh TCM cho trẻ em bằng cách đảm bảo vệ sinh cá nhân. Cần rửa tay thường xuyên bằng xà phòng dưới vòi nước chảy nhiều lần trong ngày (cả người lớn và trẻ em), đặc biệt trước khi chế biến thức ăn, trước khi ăn, cho trẻ ăn, trước khi bế ẵm trẻ, sau khi đi vệ sinh, sau khi thay tã và làm vệ sinh cho trẻ; thức ăn cho trẻ cần đảm bảo đủ chất dinh dưỡng, ăn chín, uống chín, vật dụng ăn uống phải đảm bảo được rửa sạch sẽ trước khi sử dụng (tốt nhất là ngâm tráng nước sôi), sử dụng nước sạch trong sinh hoạt hằng ngày.
Các bác sĩ lưu ý, TCM dễ lây từ người sang người, khi trẻ tiếp xúc với người bệnh, sàn nhà, đồ chơi, nhiễm vi rút. Để tránh nguy cơ lây nhiễm, người lớn không mớm thức ăn cho trẻ, không cho trẻ ăn bốc, ngậm mút đồ chơi; không cho trẻ dùng chung khăn ăn, khăn tay, vật dụng ăn uống như cốc, bát, đĩa, thìa, đồ chơi chưa được khử trùng.
Tại nhà trẻ mẫu giáo, các hộ trông trẻ tại nhà cần thường xuyên lau sạch các bề mặt, vật dụng tiếp xúc hằng ngày (đồ chơi, dụng cụ học tập, tay nắm cửa, tay vịn cầu thang, mặt bàn ghế, sàn nhà) bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường.
Đặc biệt, thời điểm này, các cháu đang được nghỉ hè nên phụ huynh cần lưu ý theo dõi sức khỏe cho con em tránh tiếp xúc nguồn bệnh, nếu có các triệu chứng nốt phỏng vùng lòng bàn tay, chân, trẻ có thể kích thích, quấy khóc, ăn kém do các nốt viêm loét trong miệng gây đau… cần tránh tiếp xúc với các trẻ khác trong gia đình, hàng xóm.
Trẻ bị TCM phải được cách ly ít nhất 10 ngày kể từ khi khởi bệnh. Các bậc phụ huynh cần lưu ý theo dõi sức khỏe cho trẻ. Nếu có các biểu hiện triệu chứng tiến triển của bệnh, đặc biệt các dấu hiệu sốt cao, nôn nhiều, rung giật cơ, co giật,… cần đưa ngay trẻ đến các cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời.
(Bệnh viện đa khoa Đống Đa)
NAM SƠN – Đ.VÂN
TNO