25/12/2024

Nhật trình kể chuyện: Đời báo và tên báo

Nhật trình kể chuyện: Đời báo và tên báo

Sống giữa làng báo, trải qua thời gian, do lý do này khác, có báo sống lâu, có báo đoản thọ, có báo phải đổi cả tên khai sinh.

 

 

Đời báo ngắn, dài

Có những tờ báo, tạp chí sống dai tới hàng chục năm. Có thể dẫn trường hợp Gia Định báo (1865 – 1909), L’Écho Annamite (1920 – 1944)… Ở chiều ngược lại, có những tờ chỉ ra được một số, hoặc vài số thì phải đình bản, tắt tiếng mãi mãi. Thậm chí có tờ báo đã được giới thiệu, nhưng chưa kịp thành hình thì đành ngậm ngùi mà dừng khi chưa… ra mắt. Trong Hồi ký về gia đình Nguyễn Tường của bà Nguyễn Thị Thế, trước khi làm Phong hóa, báo Tiếng cười của Nhất Linh xin được giấy phép nhưng lần lữa mãi không ra đời nên phải dừng. Theo Nhật Thịnh trong Chân dung Nhất Linh, tờ Tiếng cười Nhất Linh ấp ủ, học theo tờ Le Rire ở Pháp được nhiều người thích. Để ra Tiếng cười, Nhất Linh phối hợp với Nguyễn Tường Lân đang học Trường cao đẳng Đông Dương, thêm Nguyễn Tường Long đang làm Tham tá Lục sự ở Đà Nẵng về Hà Nội giúp. Thế nhưng Tiếng cười mãi mãi không cất tiếng cười.

Nhật trình kể chuyện: Đời báo và tên báo - ảnh 1
Báo Thanh Nghệ Tịnh Tân văn số 2, ngày 1.8.1930

Cùng cảnh ngộ với báo Tiếng cười, năm 1937 Dương Bá Trạc chủ trương xuất bản tờ Nam Việt công dân. Nghị định cho phép xuất bản báo đã được Toàn quyền Brévié ký vào ngày 8.3.1937. Thế nhưng Ty Liêm phóng làm khó dễ nên việc ra Nam Việt công dân phải đình lại. Báo Khỏe của nhóm Trần Huy Liệu, thực dân thu hồi giấy phép vì biết những người viết báo toàn tay chống chính quyền thực dân. Số là, sau khi tờ Hồn trẻ do Uyển Diễm làm quản lý, hoạt động đấu tranh đòi tự do dân chủ bị đình bản giữa lúc phong trào Đông Dương đại hội đang sục sôi, những người cách mạng phải tìm một tờ báo khác để hoạt động, và báo Khỏe được nhắm đến. Lúc ấy, Trần Đăng Ninh xin được giấy phép xuất bản tờ báo thể dục thể thao lấy tên là Khỏe, đã đồng ý nhường báo cho nhóm Trần Huy Liệu để làm báo chính trị. Đứng tên làm quản lý của báo là Giang Đức Cường, chính trị phạm mới ra tù.

Dù báo chưa xuất bản, nhưng đã phát giấy quảng cáo, giới thiệu luôn cả tên tuổi của “bộ biên tập” báo, rặt những cái tên nằm trong sự theo dõi của mật thám Pháp. Thế là báo dù chưa ra số nào, “thì người sáng lập ra nó đã nhận được nghị định thu giấy phép của Thống sứ Bắc kỳ”. Trần Huy Liệu nói thêm “đây là một chuyện quái gở nhất cho lịch sử báo chí ở Việt Nam: thực dân Pháp đã đóng cửa một tờ báo chưa ra số đầu”.

Nhật trình kể chuyện: Đời báo và tên báo - ảnh 2
Báo Ý dân số 1, ngày 27.3.1936

Ra duy nhất một số là Pháp âm tạp chí của Lê Khánh Hòa năm 1929, Phật hóa tân thanh niên của Trương Tấn Phát năm 1929. Tiếng vang làng báo năm 1935, báo Bạn gái tháng 1.1941 cũng cùng cảnh ngộ. Báo Đời mới ra được hai số thì tắt tiếng. Có tờ báo chết đi sống lại dăm lần rồi cũng phải giã biệt hoàn toàn làng báo vì không qua được những thiếu thốn kinh tế, như trường hợp của An Nam tạp chí do thi sĩ Tản Đà đứng chủ.

 

Muôn kiểu tên báo

Việc đặt tên cho báo, nữ sĩ Mộng Tuyết có chia sẻ là “cứ lệ thường, thì đặt tên bằng danh từ Hán Việt như: Nam Phong, Hữu thanh, Phong hóa, Ích hữu, Công luận, Phụ nữ Tân văn, hoặc tên Nôm như: Tiếng dân, Ngày nay, Đuốc nhà Nam, Đàn bà mới, v.v…”. Danh hiệu dầu Hán, dầu Nôm, đều là tên đôi, tên ba, tên tư. Tuy nhiên, cũng có những tên báo ngắn gọn, cộc lốc như Sống của Đông Hồ, Zân của Nguyễn Lân.

Nhật trình kể chuyện: Đời báo và tên báo - ảnh 3
Báo Zân do Nguyễn Lân làm chủ nhiệm  TƯ LIỆU CỦA ĐÌNH BA

Báo có tên theo nhiều kiểu, nhiều cách. Có báo lấy tên địa danh mà đặt kiểu như tên Phan Yên báo; có báo lấy tên địa phương, vùng miền mà đặt với Gia Định báo, Bắc Ninh tuần báo, Hà Nội báo, Thanh Nghệ Tịnh Tân văn… Thậm chí, tên gọi quốc gia, khu vực cũng được dùng ở những Đại Việt tân báo, Cao Miên hướng truyền, Đông Dương tạp chí… Báo còn được đặt theo chuyên môn, lĩnh vực như báo về y học có Vệ sinh báo, Bảo an y báo; báo về văn học có Văn học tuần san, Tiểu thuyết thứ Bảy; báo về giới có Nữ giới chung, Đàn bà, Đàn bà mới; báo thiếu niên, nhi đồng thì có Cậu ấm, Tân thiếu niên

Trong thời gian tồn tại có tờ báo giữ nguyên tên khai sinh như tờ Gia Định báo, Nam Phong tạp chí, Phụ nữ Tân văn… Thậm chí có tờ như An Nam tạp chí, Đại Việt tập chí mặc dù có lúc đình bản rồi tục bản nhưng vẫn thủy chung một tên.

Có những tờ không giữ nguyên mãi tên mình và sự thay danh cũng muôn hình muôn vẻ. Báo Thanh Nghệ Tịnh Tân văn, một cái tên nghe rõ âm vực địa phương. Nhưng rồi sau này, báo đổi tên gọi là Thanh Nghệ Tĩnh Tân văn, rồi rút gọn còn lại Thanh Nghệ Tĩnh. Đình bản ở số 84 năm 1936, một tuần sau báo trở lại với độc giả trong một cái tên mới – Ý dân. Sài thành nhật báo đổi tên sang Sài thành, đến năm 1933 đổi tên ra Sài Gòn, hay Hà thành ngọ báo về sau rút gọn tên chỉ gọi là Ngọ báo… Báo Đông Pháp ở Hà Nội sau sự kiện ngày 9.3.1945 đổi thành Đông phát. Trên Dân thanh số 1, ra ngày 4.9.1945, ngay trang nhất là mẩu tin thông báo: “Báo Đông phát từ nay đổi tên là Báo Dân thanh”. (còn tiếp)

TRẦN ĐÌNH BA

TNO