25/12/2024

Bệnh nhân lãnh đủ vì thiếu thuốc, vật tư y tế

Bệnh nhân lãnh đủ vì thiếu thuốc, vật tư y tế

Tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế đang diễn ra ở nhiều bệnh viện trên khắp cả nước. Và bị ảnh hưởng lớn nhất là người bệnh khi họ bị tước quyền lợi khi khám chữa bệnh vì không được hưởng các loại thuốc, vật tư y tế mà bảo hiểm y tế chi trả.

 

 

Bệnh nhân lãnh đủ vì thiếu thuốc, vật tư y tế - Ảnh 1.

Thuốc điều trị khan hiếm tại nhiều bệnh viện. TỶong ảnh một bệnh nhân ở Cần Thơ lên TP.HCM khám bệnh phải ra ngoài mua thêm thuốc một số loại thuốc, chiều 13-6 – Ảnh: TỰ TRUNG

Có người bệnh sát giờ mổ còn phải đi mua từng cây kim truyền dịch với giá chỉ 3.000 đồng mỗi cây kim.

 

Thiếu thuốc: nguy to!

Khoảng 6h30 sáng 13-6, ông Nguyễn Văn T. (84 tuổi, quận Tân Phú, TP.HCM) thức giấc, chống gậy đi đến trạm y tế cách nhà hơn 1km khám chứng viêm khớp kinh niên.

Ông được bác sĩ chẩn đoán bị đau lưng, đau dây thần kinh tọa, mệt mỏi và viêm khớp. Nhưng ông T. phải mang đơn của bác sĩ kê ra ngoài mua thuốc, bởi từ vài tháng nay trạm y tế thông báo không còn thuốc bảo hiểm y tế.

Cầm toa thuốc ghi rõ “toa mua ngoài” với 2 loại thuốc phải mua, ông T. nói: “Mấy tháng nay tôi được trạm y tế báo không có thuốc nên đành nhịn ăn sáng lấy tiền mua thuốc. Nhịn đói không chết, chứ thiếu thuốc là nguy to!”.

Tương tự, trưa 13-6 tại Bệnh viện K3 Tân Triều (Hà Nội), giữa trưa nắng bà N.T.H. (ngụ tỉnh Hải Dương) tất tả chạy xuống nhà thuốc bệnh viện hỏi mua kim truyền dịch cho người nhà. Ngay sau đó bà H. được hướng dẫn ra ngoài bệnh viện để mua vì nhà thuốc không bán. Bà H. mua liền 10 cây kim luồn với giá 3.000 đồng/cây để dùng dần, đỡ phải đi lại nhiều lần.

Theo tìm hiểu của phóng viên, việc người bệnh phải tự mua kim truyền dịch hay một số vật tư y tế khác đã xảy ra khoảng một năm gần đây.

Theo lãnh đạo một bệnh viện tại Hà Nội, danh mục vật tư y tế và thuốc đã có cụ thể, phân chia rõ những hạng mục nào phải đấu thầu tập trung, hạng mục nào tự mua. Ví dụ kim truyền dịch là loại vật tư bệnh viện có thể tự mua nhưng hiện nay gặp rất nhiều khó khăn.

“Các bệnh viện làm đúng quy trình mua vật tư y tế nên mất nhiều thời gian hơn, bên cạnh đó một số doanh nghiệp cung ứng trang thiết bị y tế chưa phục hồi sau COVID-19. Vì vậy một số nguồn hàng cung ứng “quen” đã bị gián đoạn. Thêm vào đó, hiện việc nhập khẩu cũng khó khăn do thủ tục nhập cảnh và một số nước hạn chế xuất khẩu các loại thuốc men, vật tư y tế này”, vị này nhận định.

Bệnh nhân lãnh đủ vì thiếu thuốc, vật tư y tế - Ảnh 2.

Ông Nguyễn Văn T. (84 tuổi, quận Tân Phú, TP.HCM) đến khám tại Trạm y tế phường Tân Quý (quận Tân Phú) được thông báo nhiều loại thuốc thường xuyên hết – Ảnh: THU HIẾN

“Đang đàm phán, khi nào có thì báo”

Nói về việc thiếu thuốc điều trị, ông Đỗ Văn Dũng, trưởng khoa y tế công cộng ĐH Y dược TP.HCM, cho biết hiện nay danh mục thuốc bảo hiểm y tế ở trạm y tế rất ít, điều này sẽ ảnh hưởng rất lớn đến cả bệnh nhân và nhân viên y tế.

Còn về phía bệnh viện, theo ông Dũng, nguyên nhân thiếu thuốc là do hiện nay một số mặt hàng đã tăng giá, việc đấu thầu khó, trong thời điểm nhạy cảm bệnh viện phải làm thủ tục rườm rà. Việc đấu thầu thuốc chậm đã ảnh hưởng đến bệnh nhân.

“Để giải quyết vấn đề này, ngành y tế TP.HCM cần phải đẩy nhanh việc xét duyệt, hướng dẫn hồ sơ thầu nhanh chóng cung ứng thuốc cho bệnh nhân”, ông Dũng đề xuất.

Giám đốc một bệnh viện tuyến trung ương tại Hà Nội cũng cho hay bệnh viện đang thiếu nhiều loại thuốc nhưng gửi văn bản lên Trung tâm Mua sắm tập trung thuốc quốc gia thì nơi này có văn bản trả lời: đang đàm phán, khi nào có thì báo bệnh viện mua, còn hiện nay bệnh viện cứ làm theo quy định của pháp luật. “Chúng tôi có hỏi đấu thầu tập trung tại địa phương nhưng các đơn vị cũng nói không làm được. Còn việc đấu thầu tại bệnh viện đều đang bị vướng nhiều thứ. Do đó bệnh nhân phải đi mua từ cái dây, kim truyền dịch trở đi”, vị giám đốc nói thêm.

Đại diện Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) cho biết cũng đang thiếu nhiều loại thuốc như các bệnh viện trên cả nước. Để giải quyết tình trạng thiếu một số thuốc, Bệnh viện Bạch Mai đã liên hệ với các bệnh viện lân cận để điều phối, trong một nhóm chung các bệnh viện, ai có mà bệnh viện khác cần thì điều chuyển.

Tuy nhiên, đại diện Bệnh viện Bạch Mai cũng thừa nhận trường hợp thiếu vật tư y tế thì khó giải quyết hơn thiếu thuốc. “Muốn cũng mua không dễ bởi nếu mua thì cách nào cho chuẩn giá. Như giá niêm yết mà công ty đăng trên trang công khai giá của Bộ Y tế có chuẩn không, giá trúng thầu ở các đơn vị khác có chuẩn không để tham khảo”, vị này than thở.

Vướng ở đâu?

Theo nhiều lãnh đạo bệnh viện lớn trên toàn quốc, nguyên nhân dẫn đến việc thiếu thuốc hiện nay, thứ nhất là do giá nền các loại vật tư y tế và thuốc hiện nay chưa được quy định, niêm yết rõ ràng. Do đó các đơn vị, bệnh viện rất e ngại trong việc tổ chức đấu thầu mua sắm.

Thứ hai là hiện có rất nhiều loại thuốc đặc trị, thuốc kê toa theo đơn do bảo hiểm y tế chi trả đã hết hạn đăng ký lưu hành nhưng chưa được gia hạn. Chính vì vậy không có nhà cung cấp hoặc bệnh viện, các đơn vị muốn đấu thầu, mua sắm cũng không thể thực hiện.

Trao đổi với Tuổi Trẻ về vấn đề thiếu vật tư y tế, lãnh đạo Vụ Kế hoạch tài chính (Bộ Y tế) nói: “Chúng tôi đã nắm được tình trạng thiếu vật tư y tế tại một số bệnh viện. Theo ghi nhận, các bệnh viện chủ yếu chưa mua sắm các vật tư y tế do lo ngại về giá và cẩn trọng hơn trong việc đấu thầu. Hiện chúng tôi cũng đang rà soát lấy thêm ý kiến các bệnh viện về những khó khăn gặp phải để có hướng giải quyết, không để ảnh hưởng đến người bệnh”, vị này thông tin.

Tuổi Trẻ cũng đã liên hệ với Bảo hiểm xã hội Việt Nam để tìm hiểu vì sao ngay tại trạm y tế xã phường cũng đang thiếu thuốc. Theo thông tin từ Bảo hiểm xã hội Việt Nam, danh mục thuốc đã có và nguyên nhân thiếu thuốc phát xuất từ phía cung ứng.

“Bảo hiểm không tổ chức đấu thầu cung ứng thuốc mà chỉ tham gia. Hiện các bệnh viện thiếu thuốc thì Bộ Y tế phải hướng dẫn để nguồn cung ổn định”, đại diện Bảo hiểm xã hội Việt Nam chia sẻ.

Hiện tại Trung tâm Mua sắm tập trung thuốc quốc gia cũng đang triển khai đấu thầu tập trung hơn 100 danh mục thuốc. Ông Lê Thanh Dũng, giám đốc trung tâm này, cho biết đã hoàn tất đánh giá các hồ sơ tham gia từ đầu tháng 6, nhưng ngày 2-6 Bộ Y tế mới ban hành danh mục thuốc được gia hạn giấy phép lưu hành với hơn 6.000 thuốc.

“Chúng tôi đang lấy ý kiến xem danh mục gia hạn áp dụng từ thời điểm nào. Bởi nếu áp dụng từ đầu năm 2022 thì có thêm 28 danh mục trước đây vì giấy phép của họ hết hạn, coi như hồ sơ trượt, nay họ được gia hạn thì phải đánh giá để họ tham gia thầu. Nếu không có gì thay đổi thì 1 tháng nữa có thể hoàn tất việc đấu thầu mua sắm thuốc tập trung”, ông Dũng thông tin.

Tuy nhiên, ông Dũng cũng cho rằng việc thiếu thuốc ở bệnh viện, trạm y tế hiện nay không liên quan đến công tác đấu thầu tập trung chậm.

“Thiếu ở các nơi là thiếu một số thuốc thông thường, chúng tôi đấu thầu là các thuốc gốc, biệt dược. Thông tư 15/2019 cũng hướng dẫn trong khi chờ kết quả đấu thầu tập trung quốc gia, có thể đấu thầu tại chỗ và kết quả đó không áp dụng quá 12 tháng”, ông Dũng cho biết.

Bệnh nhân lãnh đủ vì thiếu thuốc, vật tư y tế - Ảnh 3.

Bệnh nhân tại Bệnh viện K3 Tân Triều (Hà Nội) phải tự tìm mua các bộ kim truyền dịch bên ngoài bệnh viện – Ảnh: DƯƠNG LIỄU

Đại biểu Tô Thị Bích Châu (TP.HCM):

Chế tài việc chậm gia hạn giấy phép lưu hành thuốc

Trong số nhiều nguyên nhân dẫn đến việc thiếu thuốc trong các bệnh viện, còn có nguyên nhân do cơ quan của Bộ Y tế chậm trễ trong việc gia hạn giấy phép đăng ký lưu hành thuốc.

Theo Luật dược, thuốc muốn lưu thông hợp pháp trên thị trường phải được doanh nghiệp đăng ký lưu hành – đây là điều kiện bắt buộc. Giấy phép lưu hành thuốc do Bộ Y tế cấp có thời hạn 5 năm. Khi giấy phép hết hạn, doanh nghiệp phải xin gia hạn, nếu không phải ngừng cung ứng loại thuốc đó. Hậu quả là nguồn cung cấp thuốc trong nước có thể bị ảnh hưởng, dẫn đến thiếu thuốc điều trị.

Ví dụ một số công ty khi thắng thầu đã cung ứng một lượng thuốc nhưng sau đó hết hạn lưu hành đi xin gia hạn lại cực kỳ khó khăn. Thậm chí, có những công ty giấy phép hết hạn từ năm 2015 nhưng đến bây giờ cũng không được cấp giấy đăng ký mới.

Bộ Y tế viện dẫn việc nguyên nhân do hội đồng đọc hồ sơ rất khó khăn nhưng cuối cùng người bệnh vẫn chịu thiệt thòi khi đến bệnh viện hết thuốc, phải đi mua ngoài. Trong khi lỗi không phải của bệnh viện, công ty dược.

Do vậy tôi đề nghị dự thảo Luật khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) cần phải quy định rõ trách nhiệm và biện pháp chế tài đối với cơ quan nào chậm trễ trong việc gia hạn giấy phép lưu hành làm ảnh hưởng đến quyền lợi người bệnh. (T.LONG – T.CHUNG)

Bộ Y tế “đang tìm hiểu nguyên nhân”

Đại diện Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) cho biết đã có văn bản gửi đến các đơn vị để lấy ý kiến tìm hiểu nguyên nhân thiếu thuốc bảo hiểm y tế tại các bệnh viện hiện nay.

“Cục đã có văn bản hỏa tốc đến các địa phương ghi nhận thực tế tình trạng những loại thuốc đang thiếu, xem nguyên nhân chưa cấp phép hay do nhập khẩu khó khăn để có phương án giải quyết phù hợp. Trong trường hợp thiếu thuốc do chưa được cấp phép hay gia hạn giấy phép lưu hành thuốc cục sẽ giải quyết ngay”, vị đại diện Cục Quản lý dược khẳng định. (DƯƠNG LIỄU)

TP.HCM kiến nghị tái lập trung tâm mua sắm tập trung

Sở Y tế TP.HCM cho biết đã kiến nghị Bộ Y tế sớm gia hạn, cấp lại số đăng ký cho các thuốc đã hết số đăng ký; trung tâm mua sắm tập trung thuốc quốc gia sớm có kết quả đàm phán giá thuốc và đấu thầu tập trung cấp quốc gia. Đồng thời tái lập trung tâm mua sắm tập trung hàng hóa, tài sản công của ngành y tế theo hướng chuyên nghiệp.

Bà Lê Thiện Quỳnh Như, phó chánh văn phòng Sở Y tế TP.HCM, cho rằng để giải quyết tình trạng thiếu thuốc, cuối tháng 5 vừa qua, Sở Y tế đã tổ chức họp với các trung tâm y tế và trạm y tế để thông tin về việc thực hiện lập danh mục thuốc vượt tuyến tại các trạm, quy trình mua sắm thuốc… Tuy nhiên về lâu dài, việc mua sắm thuốc tại các trạm y tế nên thực hiện theo hướng mua sắm tập trung để đảm bảo lựa chọn nhà thầu tham gia cung ứng. (THU HIẾN)

Ông Nguyễn Hoàng Mai (phó chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội):

Tránh rủi ro cho mình nhưng đẩy khó cho người bệnh

mua thuoc bv

Bệnh nhân mua thuốc tại Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM) chiều 13-6 – Ảnh: TỰ TRUNG

Tình trạng thiếu thuốc là thực trạng rất nghiêm trọng. Hiện nay việc đấu thầu thuốc được quy định tại thông tư 15/2021 sửa đổi bổ sung một số điều của thông tư 15/2019 quy định việc đấu thầu thuốc tại các cơ sở y tế công lập, chính sách pháp luật là tương đối rõ ràng.

Việc đấu thầu thuốc từ trước đến nay vẫn làm nhưng tại sao đến bây giờ lại xảy ra vấn đề này? Trong khi về mặt nguyên tắc, đúng ra lãnh đạo bệnh viện phải có trách nhiệm đảm bảo đủ thuốc cho bệnh nhân. Tôi cho rằng vấn đề là do hoàn cảnh, điều kiện, thực thi và cách làm của từng đơn vị.

Đúng là không thể phủ nhận những vụ việc vi phạm vừa qua xảy ra trong ngành y tế khiến các cơ quan chức năng phải xử lý rất nghiêm, cũng có phần tác động đến tâm lý của các địa phương, các cơ quan có thẩm quyền trong tổ chức đấu thầu tập trung thuốc lớn.

Cùng với Trung tâm Mua sắm tập trung thuốc quốc gia do Bộ Y tế thực hiện, hiện nay việc đấu thầu thuốc còn được chuyển xuống các đơn vị tuyến dưới, khiến cho một số nhà thầu không mặn mà trong việc cung cấp thuốc.

Tâm lý lo sợ đấu thầu thực chất là những cán bộ thi hành công vụ muốn tránh rủi ro cho mình nhưng lại đẩy cái khó cho người bệnh. Phải khẳng định rằng nếu cứ làm đúng quy định hiện hành, không có tư tưởng lợi dụng, lợi ích cá nhân thì sẽ không bao giờ xảy ra những vụ việc như vừa qua và các lực lượng chức năng cũng không phải xử lý vi phạm.

Tuy vậy, để có cơ sở pháp lý chặt chẽ hơn, về lâu dài vẫn phải sửa quy định liên quan như Luật bảo hiểm y tế, có cơ chế giải quyết để không bao giờ xảy ra tình trạng thiếu thuốc như hiện nay.

Cùng với cơ chế hiện hành, tính toán trong trường hợp mà cơ sở khám chữa bệnh ở thời điểm nào đó không đáp ứng nhu cầu thuốc thì bệnh nhân có quyền mua ngoài và vẫn được quyết toán theo giá mà bệnh viện cung ứng thuốc.

Ngoài ra để giảm áp lực trong đấu thầu, mua sắm thuốc của Bộ Y tế, cần có cơ chế nghiên cứu thành lập các trung tâm mua sắm tập trung theo vùng miền để cung cấp thuốc cơ bản cho bệnh viện, còn lại trao quyền cho bệnh viện mua sắm những thuốc ít sử dụng. (NGỌC AN ghi)

 

Không dám đấu thầu mua thuốc vì sợ sai

thuoc 2

Kho dược của Trạm y tế phường Tân Phú (quận Tân Phú, TP.HCM) chỉ còn rất ít các loại thuốc bảo hiểm y tế – Ảnh: THU HIẾN

Ngày 13-6, khi Quốc hội thảo luận về dự thảo Luật khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi), dù luật này không liên quan nhiều đến việc đấu thầu mua sắm thuốc nhưng nhiều đại biểu lại băn khoăn về thực trạng thiếu thốn thuốc trầm trọng trong các bệnh viện hiện nay.

Đại biểu Trần Khánh Thu (Thái Bình), một đại biểu đang làm trong ngành y tế, ngậm ngùi chia sẻ: “Việc đấu thầu mua sắm thuốc, trang thiết bị y tế phục vụ công tác khám bệnh, chữa bệnh gặp khó khăn hơn bao giờ hết do việc tham khảo giá trên các trang công khai của Bộ Y tế chưa đầy đủ hoặc có nhiều mức giá khác nhau tại cùng một thời điểm nên gây những nguy cơ tiềm ẩn sai phạm khi thực hiện mua sắm”.

 

Quy định chưa rõ, gây khó

Đại biểu Nguyễn Công Long (Đồng Nai) nêu rõ thực trạng thiếu thuốc, sinh phẩm, vật tư, thiết bị y tế đang diễn ra nhiều nơi. Nhiều người có trách nhiệm trong hệ thống y tế không dám thực hiện việc đấu thầu, mua sắm vì sợ sai, sợ vi phạm.

“Thể chế pháp luật không rõ ràng được cho là nguyên nhân của mọi nguyên nhân”, ông Long nêu.

Đại biểu Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) ngậm ngùi chia sẻ tròn 40 năm làm nghề y chưa bao giờ ông thấy luật pháp về y tế lại bị khủng hoảng, bị thiếu hụt và không cập nhật như bây giờ. Hoạt động mua sắm thuốc men, vật tư sinh phẩm đang bị đứt gãy nghiêm trọng bởi các nhà thầu rất dè dặt cung cấp vì các công ty tư vấn thẩm định bị tan vỡ hoặc tạm nghỉ.

“Ngay cả việc phê duyệt của các cơ quan quản lý như Sở Y tế, Bộ Y tế cũng đang bị đình đốn vì họ còn phải bận làm những việc quan trọng hơn, sinh tử với chính họ hơn. Như họ đang phải giải trình phục vụ cho công tác thanh tra, điều tra nên hoạt động khám bệnh, chữa bệnh đã bị ảnh hưởng rất lớn.

Thiệt thòi lớn nhất đã xảy ra cho chính người bệnh, cho chính người dân. Cán bộ y tế chúng tôi đang nhìn thấy và rất đau lòng về điều đó”, ông Trí chia sẻ.

Đại biểu Hà Nội đề nghị trước mắt cần triển khai cho được những nội dung nghị quyết của Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội để mua sắm, chống dịch, để khám bệnh, chữa bệnh và cũng nhằm soi xét những vấn đề sai phạm cho thấu lý đạt tình.

Mặt khác, ưu tiên sửa đổi các văn bản pháp lý bao gồm: Luật khám bệnh, chữa bệnh; Luật bảo hiểm y tế; Luật phòng chống dịch và cả những luật khác có liên quan về giá như Luật đấu thầu, mua sắm; Luật tài sản công để tạo hành lang pháp lý đầy đủ cho việc mua sắm thuốc.

 

Trao quyền tự chủ cho bệnh viện

Thực trạng trên cũng được đại biểu Nguyễn Thị Thủy (Bắc Kạn) nêu ra trong phiên thảo luận. Bà Thủy cho rằng trong bối cảnh xảy ra các vụ án trong lĩnh vực y tế và tiến trình xã hội hóa trong lĩnh vực y tế hiện nay gần như đang đặt ở nút tạm dừng.

Do đó các hoạt động mua sắm trang thiết bị để nâng cao chất lượng khám bệnh, chữa bệnh trong toàn ngành cũng gần như đang đóng băng, không dám triển khai. Trong khi nhu cầu khám bệnh, chữa bệnh của người dân càng nâng cao.

“Các bệnh viện, các nhà quản lý đang trông chờ những sửa đổi, bổ sung thật cụ thể trong các văn bản pháp luật, trong đó có dự thảo Luật khám bệnh, chữa bệnh mà Quốc hội chúng ta đang thảo luận ngày hôm nay và đồng thời nghiên cứu để quy định cụ thể vấn đề xã hội hóa trong lĩnh vực khám bệnh, chữa bệnh ngay vào trong dự thảo luật này”, bà Thủy nêu.

Bà kiến nghị cần quy định cụ thể vào dự thảo luật những nguyên tắc, những yêu cầu đặc thù của xã hội hóa trong lĩnh vực y tế. Mặt khác, bổ sung các cơ chế kiểm soát để nhằm chống sự biến tướng, chống lợi ích nhóm.

Cùng với đó bổ sung các cơ chế khuyến khích để triển khai xã hội hóa liên doanh, liên kết ở những địa phương, những vùng còn có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn.

Trao đổi bên hành lang Quốc hội, đại biểu Phạm Khánh Phong Lan (TP.HCM) nêu bất cập việc đấu thầu thuốc bao nhiêu năm nói mãi rồi vẫn theo cơ chế càng rẻ càng tốt, năm sau rẻ hơn năm trước. Thậm chí có trường hợp đấu thầu, trúng thầu rồi, chọn giá rẻ nhất rồi nhưng sau đó vài tháng có địa phương khác trúng thầu với giá thấp hơn, lại phải áp theo giá đó.

“Thế bây giờ tôi hỏi câu ngược lại nếu thị trường biến động, giá xăng tăng, giá thuốc tăng liệu bảo hiểm có thanh toán theo tăng hay không. Không có! Cho nên đấy là cái bất cập, trong khi đó đấu thầu mục tiêu cao nhất là để cho người bệnh có thuốc và trang thiết bị với giá hợp lý nhưng phải đảm bảo chất lượng”, bà Lan nêu.

Bà Lan cho rằng việc đấu thầu theo tình trạng giá ngày càng rẻ dẫn đến ngoài chuyện ảnh hưởng đến chất lượng điều trị, còn ảnh hưởng sự phát triển của công nghiệp dược nước nhà.

Tình trạng công ty dược có thương hiệu, sản phẩm dần mất thị trường tại các bệnh viện và chủ yếu tập trung đẩy xuất khẩu, còn những thuốc giá rẻ làm bằng bất kỳ giá nào, đôi khi viên thuốc còn rẻ hơn viên kẹo thì nó chiếm thị trường trong bệnh viện.

“Đây là cái rất hại cho sự phát triển công nghiệp dược sau này. Luật dược nói phát triển theo hướng bền vững mà bền vững thì phải tạo ra các sản phẩm chất lượng, nhưng sản phẩm chất lượng không bao giờ có giá rẻ nhất và giá cả phải hợp lý”, bà Lan trao đổi thêm.

Bà Lan đề xuất cơ chế đối với những thuốc độc quyền, các cơ quan trung ương cần có thương lượng giá như các quốc gia khác đang làm. Loại thuốc này khi bán vào các bệnh viện công sẽ có giá khác bán ở ngoài thị trường để đảm bảo quyền tiếp cận thuốc đại trà cho người bệnh.

Các loại thuốc còn lại nên cho bệnh viện quyền tự chủ để mua theo định suất hằng năm. Các bệnh viện có quyền lựa chọn trên thị trường thuốc có giá tốt nhất cho bệnh nhân và công khai, minh bạch việc mua đó.

 

(TIẾN LONG – THÀNH CHUNG)

D.LIỄU – L.ANH – THU HIẾN
TTO