Nhật trình kể chuyện: Rộn ràng làng báo Bắc – Trung – Nam
Nhật trình kể chuyện: Rộn ràng làng báo Bắc – Trung – Nam
Báo chí nước Việt được khai mở từ nửa cuối thế kỷ 19. Trải qua thời gian, diễn đàn ngôn luận này mỗi ngày một phát triển, đóng vai trò là phương tiện thông tin, truyền thông.
Nam kỳ mở lối báo chương
Báo chí ra đời trước nhất tại Nam kỳ với tờ Bulletin officiel de l’Expédition de la Cochinchine (Nam kỳ viễn chinh công báo) năm 1861, do Đô đốc Bonard thực hiện ở Sài Gòn bằng tiếng Pháp “đăng những nghị định và công văn của Chánh phủ”. Cũng năm này Bulletin des Communes (Xã thôn công báo) bằng chữ Hán ra đời. Theo Tế Xuyên trong Nghề viết báo, đây là kỷ yếu “để cổ động cho Pháp trong nhân dân Việt Nam hồi đó còn thấm nhuần Nho học, đọc thông Hán tự”.
Báo L’Écho Annamite số 1, ra ngày 8.1.1920 TƯ LIỆU CỦA ĐÌNH BA |
Phan Trần Chúc trong bài Lịch sử nghề làm báo Bắc Kỳ: Đăng cổ tùng báo (Ngọ báo số 2584, ngày 23.4.1936) lý giải việc báo quốc ngữ ra sau bởi chữ quốc ngữ nhiều chữ có dấu, phải thuê bên Pháp đúc, đường sá xa xôi, việc đúc lâu nên muốn ra báo phải chuẩn bị cả năm trời, “số người Việt Nam chịu đọc báo đã hiếm, mà số người Việt Nam đọc được quốc ngữ về mấy năm đầu thế kỷ này lại càng hiếm nữa!”.
Công binh tạp chí số 30, ra ngày 1.1.1945, xuất bản tại Pháp |
Năm 1865, Gia Định báo là tờ báo quốc ngữ đầu tiên ra đời ở Nam kỳ: “Gia Định báo là công văn/Phát ra các hạt lệ hằng không sai” (Nam kỳ phong tục nhơn vật diễn ca, 1909). Tiếp sau là Thông loại khóa trình, Phan Yên báo, Nam kỳ... Bước sang nửa đầu thế kỷ 20, Lục tỉnh tân văn, Đông Pháp thời báo, L’Écho Annamite, Đuốc nhà Nam, Thần chung, Phụ nữ tân văn… lần lượt xuất hiện.
Ở Bắc kỳ tờ “quan báo” Đại Nam đồng văn nhật báo năm 1891 là báo quốc ngữ đầu tiên. “Đặt Đại Nam Đồng văn nhật báo (ở Hà Nội), chuẩn cho Bố chánh Lục Nam Dương Lâm lấy hàm Tham biện Nha Kinh lược quản lãnh”, Đại Nam thực lục ghi. Trước đó báo tiếng Pháp đã xuất hiện như tuần báo Le Courrier d’Haiphong (Thư tín Hải Phòng) do De Cuers de Cogolin chủ trương với số đầu ngày 11.9.1886, Claude Bourrin đề cập trong Bắc Kỳ xưa; nhật báo L’Avenir du Tonkin (Tương lai của Bắc Kỳ) được Trương Vĩnh Ký quan tâm và đề nghị Paul Bert gửi cho mình trong thư đề ngày 17.6.1886… Về sau, Đại Việt tân báo, Nam Việt quan báo, Trung Bắc tân văn, Nam Phong tạp chí rồi Trung hòa nhật báo, An Nam tạp chí, Ngọ báo, Đông Tây… góp mặt.
Tại Trung kỳ đến 1927 mới có Tiếng dân là báo quốc ngữ. Trước đó năm 1914, Bulletin des Amis du Vieux Hué (B.A.V.H.), tức Tập san Đô thành hiếu cổ ra đời. Về sau, những Thần kinh tạp chí, Thanh Nghệ tịnh tân văn, Ánh sáng, Sông Hương, Cười... làm phong phú hơn báo chí rẻo đất này. Ở hải ngoại, báo cũng được người Việt xuất bản: Việt Nam hồn, Tribune Annamite, Công binh tạp chí ở Pháp; Thanh niên, Ngọn đuốc, Quân nhân ở Trung Quốc; Cao Miên hướng truyền ở Cao Miên…
Báo chí tiến bộ không ngừng
Trong Nhớ và ghi về Hà Nội, Nguyễn Công Hoan cung cấp vài số liệu báo chí. Năm 1932 Nam kỳ có 22 tờ; Bắc kỳ 44 tờ; Trung kỳ 5 tờ; năm 1939 có 128 báo hằng ngày, 176 tạp chí hoặc kỷ yếu. TS Huỳnh Văn Tòng thì thống kê số lượng báo chí Việt từ khi ra đời cho đến 1930 là hơn 1.500 tờ. Vẫn lời Phan Trần Chúc, năm 1936 dân số nước ta hơn 20 triệu nhưng người đọc không quá 5 vạn.
“Trước ba mươi năm xưa… thời báo giới ở nước ta, chẳng qua ngoài Bắc có tờ Pháp Việt Tân văn, trong Nam có tờ Lục tỉnh Tân văn, mà toàn cã [cả] Trung kỳ, hỏi có tờ báo gì?… Tự nghĩ trong một nước có hơn 20 triệu đồng bào, có ngoài 70 vạn dậm [dặm] đất, mà tờ báo hiếm hoi đến như thế, bao dư luận ta chẳng lộn xộn, dân tình ta chẳng lấp bịt sao được?”, cụ Phan Bội Châu nhận định về sự yếu kém của báo giới đầu thế kỷ trong bài Một mối cảm tưởng về báo giới nước ta trên báo Tân văn số 1, ngày 4.8.1934. Tuy nhiên nửa cuối những năm 1920 “thời báo giới nước ta, so với thuở xưa, tấn bộ có gấp trăm gấp chục”.
Nửa cuối thế kỷ 19, báo chí chủ yếu đăng thông tư, nghị định của chính quyền. Về sau thêm chức năng thông tin tin tức trong và ngoài nước, vun bồi quốc ngữ. Từ năm 1925 báo chí Việt ngữ thiên về chính trị – xã hội, phần văn chương ít được quan tâm, thể hiện ở Thực nghiệp dân báo, Đông Pháp thời báo, Tiếng dân. Trong Chặng đường nóng bỏng, Hoàng Quốc Việt cho biết năm 1924 đang học Trường Bách nghệ Hải Phòng đã cùng bạn bè đọc Thực nghiệp dân báo, Đông Pháp, Tin tức Hải Phòng để xem tin sự kiện Phạm Hồng Thái ám sát hụt Toàn quyền Đông Dương Merlin. Từ năm 1930, báo chí thiên về chỉ trích những hủ tục lạc hậu, phát triển lối viết tiểu thuyết với sự tiên phong của Phong hóa tuần báo rồi nối tiếp Tiểu thuyết thứ Bảy, Hà Nội báo, Ngày nay…
Mặt trận Bình dân Pháp lên cầm quyền thì ở Việt Nam từ năm 1936, nhiều tờ báo tả khuynh ra đời, “nhiều tờ báo trước kia chuyên chú về văn chương và trào phúng mà bây giờ cũng thêm mục bàn về các vấn đề chính trị và xã hội”, Việt Nam văn hóa sử cươngghi. “Tự đó đến nay, một thế kỷ chưa qua mà nghề báo của ta tiến bộ được như bây giờ – in đẹp, trình bầy khả quan, lại có ảnh chụp, tranh vẽ”, Lịch trình tiến hóa sách báo quốc ngữ (1942) nhận xét. (còn tiếp)
TRẦN ĐÌNH BA
TNO