25/12/2024

Bệnh viện thiếu thuốc, vật tư vì… sợ mua sắm: Khẩn trương tháo gỡ vướng mắc

Bệnh viện thiếu thuốc, vật tư vì… sợ mua sắm: Khẩn trương tháo gỡ vướng mắc

PGS-TS Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM, chia sẻ trạng thái tâm lý phổ biến nhất hiện nay của các trưởng phòng vật tư y tế (VTYT), trang thiết bị y tế (TTBYT) của các bệnh viện (BV) là lo lắng, hoang mang với công việc được giao.

 

 

 

Các cán bộ y tế phụ trách cung ứng VTYT, mua sắm và bảo trì các TTBYT đều đứng giữa 2 yêu cầu chính đáng nhưng luôn đối nghịch nhau. Một mặt phải lắng nghe và đáp ứng yêu cầu của các nhà chuyên môn trong BV để có những TTBYT tốt nhất cho chẩn đoán, điều trị. Mặt khác phải tuân thủ yêu cầu của ban giám đốc BV, nhất là phải giải trình với các cơ quan quản lý nhà nước, các đoàn kiểm toán, thanh tra về xây dựng giá dự toán khi đấu thầu mua sắm để đảm bảo giá mua phải là giá thấp nhất.

Bệnh viện thiếu thuốc, vật tư vì... sợ mua sắm: Khẩn trương tháo gỡ vướng mắc - ảnh 1
Bệnh viện Chợ Rẫy thiếu thuốc chống thải ghép  T.N

Cho dù là bác sĩ hay dược sĩ, khi được giao nhiệm vụ thì tất cả đều dốc hết sức lực, thời gian cho công việc không hề đơn giản này. Tuy nhiên, hành lang pháp lý, các thông tư hướng dẫn cho công tác này chưa thật sự đáp ứng các tình huống đa dạng, các yêu cầu từ thực tiễn.

Do đó, Sở Y tế TP.HCM tiếp tục kiến nghị Bộ Y tế và các bộ, ngành liên quan sớm ban hành các văn bản hướng dẫn chi tiết, cụ thể về quy trình xây dựng danh mục, cách lập dự toán, xây dựng cấu hình…, tạo hành lang pháp lý vững chắc, hạn chế tình trạng sai phạm trong đấu thầu, mua sắm. Sở Y tế tham mưu trình UBND TP.HCM đề án thành lập Trung tâm mua sắm tập trung. Các mặt hàng cần mua sắm tập trung bao gồm: thuốc, VTYT, TTBYT. Trong đó, danh mục hàng hóa mua sắm tập trung thực hiện theo lộ trình thời gian vừa để hoàn thiện cơ chế mua sắm mới vừa đảm bảo không làm gián đoạn cung ứng thuốc, VTYT phục vụ khám chữa bệnh. Sở Y tế còn xây dựng cơ cấu nhân lực với trình độ chuyên môn vừa đáp ứng nhu cầu chuyên môn, vừa đáp ứng yêu cầu tuân thủ các quy định pháp luật; tăng cường đào tạo, bồi dưỡng kiến thức liên quan đến đấu thầu, mua sắm tại các BV công.

Theo Bộ Y tế, từ tháng 11.2021, Trung tâm mua sắm tập trung thuốc quốc gia (Bộ Y tế) đã có công văn gửi các sở y tế, y tế các bộ, ngành đề nghị chủ động mua sắm thuốc cho nhu cầu điều trị.

Để khắc phục nguy cơ gián đoạn nguồn cung ứng thuốc nếu không kịp kéo dài hiệu lực giấy đăng ký lưu hành thuốc, một lãnh đạo Bộ Y tế cho hay, các thuốc và nguyên liệu làm thuốc có giấy đăng ký lưu hành hết hiệu lực trong khoảng thời gian từ ngày 31.12.2021 đến trước ngày 31.12.2022 mà không thể thực hiện kịp thời thủ tục gia hạn đăng ký lưu hành do ảnh hưởng của dịch Covid-19 thì sẽ được tiếp tục sử dụng đến hết ngày 31.12.2022.

Cục Quản lý dược cho biết, về lâu dài, Bộ Y tế sẽ tham mưu sửa đổi luật Dược theo hướng gia hạn hồ sơ tự động nếu các thuốc đó không có thay đổi về hồ sơ (thành phần, chỉ định sử dụng), tương tự như châu Âu đang áp dụng.

DUY TÍNH – LIÊN CHÂU

TNO