25/12/2024

Nhiều tỉnh miền Tây tồn hàng trăm ngàn liều vắc xin phòng COVID-19

Nhiều tỉnh miền Tây tồn hàng trăm ngàn liều vắc xin phòng COVID-19

“Chúng tôi đi từng ngõ, gõ từng nhà vận động tiêm vắc xin nhưng bà con không đồng ý tiêm nên ký giấy cam kết không tiêm vắc xin. Những người đã tiêm đủ 2 liều hoặc đã bị nhiễm COVID-19 không đồng ý tiêm”.

 

 

 

Nhiều tỉnh miền Tây tồn hàng trăm ngàn liều vắc xin phòng COVID-19 - Ảnh 1.

Tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho người dân tại thành phố Long Xuyên (An Giang) – Ảnh: BỬU ĐẤU

Nhiều tỉnh miền Tây tồn hàng trăm ngàn liều vắc xin phòng COVID-19 do người dân trở lại TP.HCM, Bình Dương… làm việc và có sự e ngại trong tiêm mũi 3, mũi 4.

Ngày 9-6, ông Trần Quang Hiền – giám đốc Sở Y tế tỉnh An Giang – cho biết đến nay An Giang còn tồn đọng trên 100.000 liều vắc xin phòng COVID-19. Nhiều người cũng không đồng ý tiêm vắc xin mũi 3, 4 vì cho rằng dịch COVID-19 đã qua.

“Chúng tôi đi từng ngõ, gõ từng nhà vận động tiêm vắc xin nhưng bà con không đồng ý tiêm nên ký giấy cam kết không tiêm vắc xin. Những người đã tiêm đủ 2 liều hoặc đã bị nhiễm COVID-19 không đồng ý tiêm” – ông Hiền nói.

Còn ông Dương Ân Hận – phó giám đốc phụ trách Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đồng Tháp – cho biết đến nay tỉnh đã tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho người từ 18 tuổi trở lên đạt tỉ lệ 99,73%, tiêm mũi nhắc lại đạt 90,44%; trẻ em từ 12 đến 17 tuổi tiêm mũi 1 đạt 99,79%, tiêm mũi 2 đạt 98,88%; trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi đã tiêm mũi 1 là 67,01%, tiêm mũi 2 là 14,3%.

“Cơ bản là chúng tôi chỉ còn 2 lô vắc xin để tiêm mũi 4 cho người lớn và trẻ em. Chúng tôi đã nhận vào ngày 3-6 gồm 85.000 liều Pfizer cho người lớn và 64.000 liều Pfizer cho trẻ em. Chúng tôi không phải tồn vắc xin, mà đang sử dụng tiêm mũi 3 cho bà con” – ông Hận nói.

Theo ông Hận, đối với vắc xin Pfizer cho người lớn sau khi rã đông thì có thời hạn sử dụng là 30 ngày, còn Pfizer cho trẻ em được 10 tuần sau khi rã đông. Trong trường hợp người dân không đồng ý tiêm vắc xin, vắc xin đã hết hạn thì phải báo cáo cấp trên để hủy vì không còn cách nào khác.

Trong khi đó, theo báo cáo của Sở Y tế tỉnh Bạc Liêu, đến nay số người trên 18 tuổi trên địa bàn tỉnh được tiêm vắc xin phòng COVID-19 mũi 1 đạt 99,34%, mũi 2 đạt 98,08%, mũi 3 đạt 43,34% và mũi 4 đạt 1,49%. Số lượng vắc xin còn tồn của tỉnh cũng ở mức hàng trăm nghìn liều.

Các địa phương trong tỉnh cho biết tiến độ triển khai tiêm vắc xin COVID-19 mũi 3 thời gian qua gặp khó khăn, chậm so với kế hoạch đề ra, một phần do người lao động quay trở lại các khu công nghiệp ở TP.HCM và các tỉnh Đông Nam Bộ khác để làm việc; một phần do người dân có tâm lý e ngại, chủ quan nên không muốn tiêm mũi 3.

Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Phạm Văn Thiều vừa yêu cầu mở đợt cao điểm tiêm vắc xin cho người dân, trong đó lấy cán bộ, đoàn viên, hội viên và người thân trong gia đình làm gương, đi đầu trong việc tiêm vắc xin nhằm làm chuyển biến nhận thức của nhân dân.

Ông Thiều cũng yêu cầu các cơ quan truyền thông ở địa phương tăng cường thời lượng, thông tin tuyên truyền để người dân hiểu rõ tác dụng, hiệu quả của việc tiêm vắc xin ngừa dịch bệnh…

Thông tin từ Bộ Y tế cho hay hiện số vắc xin đã cấp phát cho các địa phương (chưa sử dụng) là gần 7 triệu liều. Số đã nhập về và chưa cấp phát cũng lên tới hàng chục triệu liều. Thời gian vừa qua, đã có một số tỉnh thành tiêm mũi 3, 4 chậm và nhận vắc xin chậm, thậm chí từ chối nhận thêm vắc xin.

BỬU ĐẤU – CHÍ QUỐC
TTO