Làm sao ăn uống thông minh?
Làm sao ăn uống thông minh?
Vi chất dinh dưỡng là những chất mà cơ thể cần một lượng rất nhỏ nhưng lại có vai trò rất quan trọng. Nếu thiếu chúng, cơ thể sẽ bị ảnh hưởng sức khoẻ.
Vi chất dinh dưỡng ảnh hưởng sức khỏe ra sao?
Các nhóm thực phẩm nhiều vi chất
Theo TS Phan Bích Nga – Viện Dinh dưỡng quốc gia, chế độ ăn uống thông minh trước hết là việc xác định đúng nhu cầu về năng lượng của bản thân và phân bổ năng lượng phù hợp. Từ đó, đảm bảo cung cấp đủ năng lượng cho cơ thể với những đặc điểm riêng của mình (cân nặng, chiều cao, lứa tuổi, công việc) mà lại không bị thừa hoặc thiếu dẫn đến lên hoặc sút cân.
“Người mập và người bình thường vẫn nên ăn 3 bữa ăn/ngày, nhưng lựa chọn loại, số lượng thức ăn khác nhau, người mập nên ăn nhiều thực phẩm thấp năng lượng như rau củ. Người gầy cần ăn tối thiểu 4 – 5 bữa/ngày để giúp ăn được nhiều hơn và tăng năng lượng khẩu phần”, BS Nga thông tin.
Theo đó, người trưởng thành và trẻ em đều cần ăn đủ các nhóm thực phẩm sau trong bữa ăn hằng ngày: nhóm ngũ cốc, nguồn năng lượng cao do có nhiều tinh bột; nhóm đạm, sữa, thịt, cá, trứng, đậu và chế phẩm; các chất béo, chứa nhiều lipid do đó là nguồn năng lượng cao; rau quả, nguồn chất khoáng quý chứa các yếu tố vi lượng, các vitamin.
ThS Nguyễn Văn Tiến – Trung tâm Giáo dục truyền thông dinh dưỡng Viện Dinh dưỡng – cho hay vi chất dinh dưỡng là những chất rất cần thiết cho sự sống còn của cơ thể như vitamin A, vitamin D, kẽm, sắt, iốt…
Các thực phẩm có nhiều vitamin A như: thịt, gan, trứng gà, sữa, lươn, rau có màu xanh sẫm, quả có màu vàng, đỏ (gấc, cà rốt, bí đỏ, xoài, đu đủ). Đối với sắt được cung cấp cho cơ thể từ hai nguồn là thức ăn động vật: thịt bò, lòng đỏ trứng gà, tim, gan, cá… và thức ăn thực vật: đậu, đỗ, rau lá xanh, mộc nhĩ, nấm hương… Để tăng hấp thu sắt nên ăn hoa quả chín, chúng cung cấp nhiều vitamin C và không uống trà sau bữa ăn.
Thực phẩm có nhiều kẽm thường thấy ở lòng đỏ trứng gà, sò, trai, hến, lươn, ốc, củ cải, đậu tương (đậu nành). Còn các thực phẩm có nhiều canxi: tôm, tép, cua, cá, sữa, phômai, rau dền, rau mồng tơi… Vitamin D có nhiều trong dầu gan cá, cá biển, gan, trứng gà. Các thực phẩm có nhiều iốt là các loại cá biển, rong biển, rau cải xoong, tảo…
Trẻ nhỏ có nguy cơ thiếu vi chất nhiều nhất
BS CK2 Đỗ Thị Ngọc Diệp – phó chủ tịch Hội Dinh dưỡng Việt Nam, chủ tịch Liên chi hội dinh dưỡng thực phẩm TP.HCM – cho hay tình trạng thiếu hụt vi chất dinh dưỡng phổ biến trên toàn cầu. Đối tượng có nguy cơ thiếu hụt vi chất dinh dưỡng nhiều nhất vẫn là trẻ em, tiếp đó là phụ nữ mang thai và người cao tuổi.
Để phòng chống thiếu hụt vi chất dinh dưỡng cho trẻ, BS Diệp cho biết có nhiều giải pháp, trước tiên là cần thực hành nuôi dưỡng trẻ phù hợp với lứa tuổi. Cụ thể trẻ nhỏ dưới 6 tháng tuổi nuôi con hoàn toàn bằng sữa mẹ bởi vì sữa mẹ có nhiều chất dinh dưỡng và vi chất dinh dưỡng đủ để cung cấp cho trẻ ở độ tuổi này. Đối với trẻ trên 6 tháng tuổi, cần cho trẻ ăn giặm (bổ sung), chú ý 6 nhóm thực phẩm (chất đạm, chất bột đường, chất béo, rau xanh, trái cây, sữa và các sản phẩm từ sữa).
Để trẻ đủ vi chất dinh dưỡng, phụ huynh nên lựa chọn các thực phẩm có bổ sung vi chất dinh dưỡng trong bữa ăn hằng ngày. “Các thực phẩm giàu vi chất dinh dưỡng chỉ cung cấp đủ trong trường hợp trẻ ăn đủ lượng và nhiều thực phẩm khác nhau”, bà Diệp cho biết.
Nhiều chương trình phòng chống thiếu vi chất
Theo kết quả tổng điều tra dinh dưỡng năm 2020 cho thấy tình trạng thiếu vi chất dinh dưỡng được cải thiện rõ rệt, dù vậy cần được quan tâm hơn vì sức khỏe của người dân, đặc biệt là bà mẹ và trẻ em.
Ở Việt Nam đã và đang triển khai các chương trình phòng chống thiếu vi chất dinh dưỡng như chương trình phòng chống thiếu vitamin A cho trẻ và phụ nữ sau sinh, phòng chống rối loạn do thiếu iốt, phòng chống thiếu máu dinh dưỡng là phụ nữ có thai, tăng cường vi chất vào các thực phẩm thiết yếu.