24/12/2024

5K đã lỗi thời, đã đến lúc chỉ cần 2K?

5K đã lỗi thời, đã đến lúc chỉ cần 2K?

Số ca mắc COVID-19 mới mỗi ngày trên cả nước đã giảm sâu, trên 1.000 ca/ngày. Đây là tín hiệu đáng mừng cho thấy dịch bệnh đã vào giai đoạn ‘thoái trào’.

 

 

5K đã lỗi thời, đã đến lúc chỉ cần 2K? - Ảnh 1.

Chăm sóc bệnh nhân nặng tại Bệnh viện điều trị người bệnh COVID-19 Hà Nội – Ảnh: NAM TRẦN

Chính vì vậy quy tắc 5K vốn rất quen từ đầu dịch hiện gần như không còn được thực hiện đầy đủ, 5K hiện đã được tiết giảm còn 2K. Trong khi đó bệnh viện tuyến đầu điều trị COVID-19 ở Hà Nội chỉ còn 10 người bệnh.

 

Chỉ cần 2K?

Bệnh viện Đa khoa Hà Đông hiện đang điều trị cho 7 bệnh nhân COVID-19. Ông Đào Thiện Tiến, giám đốc bệnh viện, đánh giá việc điều trị cho bệnh nhân COVID-19 hiện không còn gặp quá nhiều khó khăn.

“Bệnh viện có khoa bệnh truyền nhiễm, các bệnh nhân COVID-19 được điều trị tại đây. Bệnh viện cũng phân luồng bệnh nhân ngay từ cổng vào nên không gặp khó khăn trong công tác phòng chống dịch.

Tuy nhiên, chúng ta hiện nay chỉ cần áp dụng 2K là đeo khẩu trang và khử khuẩn. Với biện pháp giữ khoảng cách, không tụ tập đông người, khai báo y tế thì đã có thể tạm dừng”, ông Tiến nói.

Trong khi đó, BS Cao Đỗ Vân Anh – phó trưởng bộ môn nhiễm, ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch (TP.HCM) – cho rằng ở thời điểm hiện nay và trong thời gian tới, người dân chỉ cần thực hiện 2K là khẩu trang – khử khuẩn.

“Virus SARS-CoV-2 cũng như nhiều virus khác tồn tại ở hầu họng, việc đeo khẩu trang ở nơi đông người giúp phòng tránh lây nhiễm COVID-19 cũng như những bệnh khác”, BS Vân Anh giải thích thêm.

Ông Trần Đắc Phu, nguyên cục trưởng Cục Y tế dự phòng, cho rằng thời điểm hiện nay không bắt buộc áp dụng 5K như trước, nhưng tùy từng trường hợp nên khuyến khích áp dụng các “K” nếu cần thiết và phù hợp.

Theo số liệu của Cục Quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) ngày 1-6, cả nước ghi nhận 1.047 ca mắc COVID-19 mới trong vòng 24 giờ, số đang theo dõi, điều trị là gần 80.470 ca, chủ yếu là điều trị tại nhà. So với bình quân trong tháng 5, số mắc mới tuần qua thấp hơn 92,6%, số đang điều trị tại bệnh viện giảm 94,6% và số tử vong thấp hơn 94%.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, PGS.TS Trần Văn Ngọc – chủ tịch Hội Hô hấp TP.HCM – cho rằng với tốc độ lưu hành và số ca nhiễm, tử vong vì COVID-19 ở thời điểm hiện nay thì đã đến lúc xem dịch bệnh COVID-19 là bệnh lưu hành, “bãi bỏ” biện pháp cách ly y tế người nhiễm, không bắt buộc tất cả đeo khẩu trang tại nơi công cộng đông người.

BS Nguyễn Thành Dũng – giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới – chia sẻ ở Mỹ đã bỏ quy định người dân mang khẩu trang, còn tại Anh thì chỉ mang khẩu trang ở bệnh viện.

 

Bệnh viện chỉ còn 10 người bệnh

PGS.TS Hoàng Bùi Hải – phó giám đốc Bệnh viện điều trị người bệnh COVID-19 Hoàng Mai (Hà Nội) – cho biết hiện bệnh viện đang điều trị cho 10 bệnh nhân COVID-19, gặp nhiều khó khăn trong việc duy trì một bệnh viện lớn trong khi số bệnh nhân COVID-19 giảm nhiều.

PGS Hải cho rằng hiện bệnh nhân COVID-19 (bệnh truyền nhiễm nhóm A) theo quy định được khám, điều trị miễn phí. Tuy nhiên, bệnh nhân COVID-19 nhập viện chủ yếu có bệnh lý nền. Bệnh viện phải điều trị cả bệnh nền và COVID-19, trong khi đó không biết bệnh nền có từ bao giờ, có phải khi mắc COVID-19 mới mắc bệnh hay không…, điều này gây khó khăn cho việc chi trả phí điều trị.

Thêm vào đó, theo quy định với bệnh truyền nhiễm nhóm A, sẽ phải chi trả thêm chi phí phòng chống dịch cho lực lượng y tế. Trong khi đó, bệnh viện không có nguồn thu từ viện phí, việc chi trả phụ cấp chống dịch cũng gặp khó khăn. Ngoài ra, hằng tháng bệnh viện vẫn phải chi trả những khoản chi phí phát sinh duy trì như điện, nước…

Ông Hải cho rằng cần thay đổi “uyển chuyển” để thích nghi với tình hình dịch. Chúng ta không công bố hết dịch, không chuyển COVID-19 sang bệnh truyền nhiễm nhóm B. Tuy nhiên cần có thêm quy định để duy trì việc phòng, chống dịch phù hợp. Nên quy định rõ việc chi trả điều trị cho bệnh nhân COVID-19 trong bối cảnh hiện nay.

 

Nới lỏng, vừa làm vừa thăm dò

Đại diện Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết hiện Bộ Y tế vẫn theo dõi những khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và tình hình dịch bệnh tại các quốc gia khác. Đến nay, chưa có quốc gia nào trên thế giới công bố COVID-19 là bệnh lưu hành. Thủ tướng Chính phủ vẫn yêu cầu không được chủ quan, lơ là và nâng cao cảnh giác với dịch COVID-19.

Vị này cho hay bản thân virus luôn có những biến thể, có thể nặng hơn và lây lan nhanh hơn, không thể lường trước được diễn biến của dịch bệnh. Hiện Bộ Y tế đã và đang thực hiện nới lỏng các biện pháp phòng, chống dịch nhưng “vừa làm vừa thăm dò”.

“Về bản chất chúng ta đã chuyển nhiều biện pháp phòng, chống dịch nhóm A sang nhóm B. Tuy nhiên không thể chuyển dịch COVID-19 sang nhóm B vì COVID-19 vẫn đang nằm trong nhóm bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, lây nhiễm cao.

Nếu chúng ta chuyển COVID-19 sang nhóm B có thể vô tình tạo ra sự chủ quan của người dân. Trường hợp có biến chủng COVID-19 mới, hay dịch bệnh bùng phát trở lại rất khó để người dân tuân thủ các biện pháp phòng chống dịch như trước. Chúng ta cần cẩn trọng, theo dõi các khuyến cáo của WHO cũng như tình hình diễn biến dịch tại các quốc gia khác”, đại diện Cục Y tế dự phòng thông tin.

Vị này cũng đánh giá với những biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 như hiện nay không quá gây khó khăn cho người dân.

 

Chuyển đổi công năng bệnh viện điều trị COVID-19?

“Nên chuyển đổi công năng bệnh viện điều trị COVID-19 thành cơ sở y tế thông thường để duy trì hoạt động và nguồn thu trong bối cảnh dịch đã được đẩy lùi. Nếu tình huống dịch bùng phát, chúng ta tiếp tục hoạt động mô hình cũ để ứng phó”, ông Hải nói.

Theo BS Nguyễn Thành Dũng, khi chuyển sang bệnh truyền nhiễm nhóm B, kinh phí hỗ trợ cho lực lượng chống dịch “sẽ gặp rắc rối”.

“Lúc này không còn kinh phí hỗ trợ chống dịch vì đã là bệnh thông thường. Ngày công của lực lượng tham gia chống dịch có thể cũng không được tính nữa. Do đó cần có chính sách, cơ chế ở tầm vĩ mô phù hợp để đảm bảo lợi ích cho họ khi làm việc”, BS Dũng nêu ý kiến.

Được biết, Bệnh viện điều trị người bệnh COVID-19 trực thuộc Bệnh viện ĐH Y Hà Nội, được phân công là cơ sở y tế tuyến đầu trong điều trị người bệnh COVID-19 tại khu vực Hà Nội và lân cận. Bệnh viện có quy mô 500 giường bệnh, hoạt động từ cuối tháng 8-2021.

Trong giai đoạn cao điểm dịch COVID-19 tại Hà Nội từ cuối năm 2021 và các tháng đầu 2022, bệnh viện đã tiếp nhận và điều trị cho hàng trăm bệnh nhân COVID-19 nặng (ngày cao nhất bệnh viện có đến 200 bệnh nhân nặng đang điều trị).

Hiện bệnh viện chỉ còn khoảng 10 bệnh nhân. Bệnh viện đã có đề nghị gửi Bộ Y tế để chuyển đổi công năng của bệnh viện, trở lại làm cơ sở y tế tiếp nhận bệnh nhân như thông thường.

Hiện cơ sở chính của Bệnh viện ĐH Y Hà Nội nằm trong khuôn viên ĐH Y Hà Nội rất đông bệnh nhân và nhiều thời điểm công suất sử dụng giường bệnh đã vượt công suất thiết kế.

D.L. – X.M. – H.HÀ

DƯƠNG LIỄU – XUÂN MAI
TTO