06/01/2025

Vì sao nhiều người nghiện bứt tóc, ăn tóc?

Vì sao nhiều người nghiện bứt tóc, ăn tóc?

Hiện tượng này thường được khởi đầu bằng hành vi tự động sờ, day rồi bứt từng sợi tóc trong khi đang suy nghĩ, làm việc, học tập… dần thành thói quen. Ở trẻ em sẽ có xu hướng nếm thử, nuốt tóc.

 

 

Từ sờ, day, bứt thành thói quen

Bác sĩ chuyên khoa 2 Nguyễn Thị Kiều Tiên – Bệnh viện Tâm thần TP.HCM, cho biết hiện tượng nuốt tóc thường được khởi đầu bằng hành vi tự động sờ, day rồi bứt từng sợi tóc trong khi đang suy nghĩ, làm việc, học tập… Người bệnh ban đầu sẽ cảm thấy đau nhưng dần dần sẽ có cảm giác “đã ngứa” dù không có yếu tố gây ngứa như nấm gàu.

“Việc này lặp đi lặp lại nhiều lần và hình thành hành vi tự bứt tóc khi cảm thấy cần suy nghĩ, căng thẳng, cần giải quyết vấn đề hay khi thấy buồn hoặc thậm chí khi thấy rảnh”, bác sĩ Tiên chia sẻ.

Ở trẻ em, sau khi tự bứt tóc xong, các em có khuynh hướng nếm thử xem thế nào hoặc để xoá dấu tích tóc rụng (sẽ bị người lớn la phạt) dẫn đến việc các em sẽ lén bứt tóc và tự nuốt tóc để tránh bị la phạt. Điều này lâu dần sẽ hình thành búi tóc gây tắc ruột vì con người không có men tiêu hóa chất keratin có trong các sợi tóc.

Vì rối loạn là một quá trình diễn ra theo thời gian nên tùy theo giai đoạn, phụ huynh có thể nhận ra rối loạn này ở trẻ thông qua một số dấu hiệu như. Trẻ hay vừa ngồi học vừa sờ đầu, hoặc vừa ngồi chơi game vừa sờ chân tóc, xung quanh nơi trẻ nằm hoặc ngồi sẽ có nhiều tóc rụng. Khi đưa trẻ khám chuyên khoa da liễu không phát hiện bất thường gây rụng tóc nhưng có những mảng trống đáng ngờ trên da đầu và trẻ thường than đầy bụng dù không ăn gì nhiều…

Vì sao nhiều người nghiện bứt tóc, ăn tóc? - ảnh 1
Rối loạn bứt tóc là một quá trình diễn ra theo thời gian  MINH HỌA: SHUTTERSTOCK

Hành vi liên quan đến tâm lý

Theo bác sĩ Nguyễn Thị Kiều Tiên, đây được xem là một rối loạn có liên quan đến stress, đến việc kiểm soát hành vi xung động nên trẻ cần được đưa khám ở chuyên khoa tâm lý – tâm thần để được chữa trị sớm tận gốc vấn đề, tránh phải giải quyết hậu quả ở phẫu thuật ngoại khoa.

Những trẻ đã có hành vi tự ăn tóc kéo dài, lâu dần khiến tóc bị rối và mắc kẹt trong hệ thống tiêu hóa dẫn đến tình trạng tắc ruột và phải phẫu thuật để lấy “búi tóc khổng lồ” này ra khỏi cơ thể.

Tuy nhiên, nếu không được tìm hiểu nguyên nhân và trị liệu đúng chuyên khoa thì ngay cả sau khi đã phẫu thuật, việc tái diễn hành vi này vẫn còn tồn tại khả năng rất cao.

Từ đó, dẫn đến nhiều búi tóc trong bụng, cùng nhiều mảng trọc trên đầu thêm nhiều lần nữa. Vì vậy, sau khi được phẫu thuật lấy búi tóc, trẻ cần được điều trị bằng thuốc và liệu pháp tâm lý, huấn luyện hành vi để kiểm soát xung động trên.

Vì sao nhiều người nghiện bứt tóc, ăn tóc? - ảnh 2
Tình trạng nghiện ăn tóc dẫn đến tóc nằm trong dạ dày thành búi gây tắc nghẽn ruột  MINH HỌA: SHUTTERSTOCK

Hậu quả nghiêm trọng

TS.BS Trần Quốc Việt (Phòng Chỉ đạo tuyến, Bệnh viện Nhi đồng 2) tình trạng nhiều bé thích ăn tóc xuất phát từ hội chứng Rapunzel (Rapunzel syndrome); còn được gọi là hội chứng “công chúa tóc mây” dựa theo nhân vật hư cấu trong truyện với mái tóc dài cùng tên. Tuy nhiên, không lung linh như truyện cổ tích, hội chứng này ngoài đời thực là một vấn đề rất đáng lưu ý và gây ra biến chứng nguy hiểm như tắc ruột

“Tóc sẽ không thể tiêu hóa như thực phẩm khi dung nạp, dẫn đến tích tụ thành búi trong dạ dày hoặc trong ruột non và có thể kèm theo ‘một cái đuôi tóc dài’ nằm dọc theo trong lòng ruột”, bác sĩ Việt chia sẻ.

Tại Bệnh viện Nhi đồng 2, Nhi đồng Thành phố… hằng năm bệnh viện thường tiếp nhận nhiều trường hợp tắc nghẽn ruột do búi tóc và đang có xu hướng gia tăng trong thời gian gần đây. Hầu hết các bé phải được phẫu thuật để lấy “búi tóc khổng lồ” ra khỏi đường tiêu hóa. Đặc biệt, tất cả các trường hợp bệnh nhi cần phải được theo dõi điều trị tâm lý lâu dài sau đó.

 

Rối loạn bứt tóc thường bắt đầu khi trẻ từ 10 -13 tuổi

Giáo sư Katharine Phillips, ngành tâm thần học và hành vi con người tại Trường Y Alpert thuộc Đại học Brown (Mỹ), cho biết rối loạn bứt tóc được liệt kê trong sách hướng dẫn chính thức mà các bác sĩ tâm thần sử dụng để chẩn đoán các bệnh tâm thần.

Tình trạng này được cho là có liên quan đến chứng rối loạn ám ảnh cưỡng chế (OCD), ông chia sẻ trên tạp chí khoa học Live Science. Nhưng hội chứng OCD đặc trưng bởi những suy nghĩ lặp đi lặp lại hoặc ám ảnh. Nói cách khác, những người mắc chứng này không suy nghĩ nhiều đến việc nhổ tóc; họ chỉ đơn giản là làm điều đó.

Giáo sư Phillips cho biết những người mắc chứng rối loạn bứt tóc không thể ngừng nhổ tóc, mặc dù họ đã cố gắng không làm như vậy. Rối loạn bứt tóc thường bắt đầu khi trẻ từ 10 đến 13 tuổi.

LÊ CẦM

TNO