Nốt ban của đậu mùa khỉ có thể xuất hiện ở bộ phận sinh dục và miệng
Nốt ban của đậu mùa khỉ có thể xuất hiện ở bộ phận sinh dục và miệng
Bệnh đậu mùa khỉ có thể lây truyền từ người sang người qua tiếp xúc gần gũi, gồm tiếp xúc tình dục. Nốt ban của bệnh đôi khi tìm thấy ở bộ phận sinh dục và miệng.
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), hiện chưa biết bệnh đậu mùa khỉ có thể được lây truyền qua đường tình dục hay không (ví dụ, thông qua tinh dịch hay dịch âm đạo), nhưng việc tiếp xúc trực tiếp da với da bị tổn thương trong hoạt động tình dục có thể làm lây truyền virus.
Nốt ban của bệnh đậu mùa khỉ đôi khi được tìm thấy ở bộ phận sinh dục và miệng, có nhiều khả năng góp phần cho sự lây truyền trong quá trình quan hệ tình dục. Tiếp xúc miệng với da, vì vậy, cũng có thể gây lây truyền bệnh trong trường hợp có tổn thương da hoặc miệng.
Bộ Y tế và WHO hướng dẫn về phòng ngừa lây bệnh đậu mùa khỉ BỘ Y TẾ |
Nốt ban của bệnh đậu mùa khỉ có thể giống với một số bệnh lây truyền qua đường tình dục bao gồm bệnh do virus herpes và bệnh giang mai. Điều này có thể giải thích tại sao một số ca bệnh trong đợt bùng phát dịch hiện nay đã được phát hiện ở nam giới đến khám tại các phòng khám sức khỏe tình dục.
“Nguy cơ bị nhiễm bệnh đậu mùa khỉ không hạn chế ở người có quan hệ tình dục hoặc người quan hệ tình dục đồng giới nam. Bất cứ ai có tiếp xúc “vật lý” gần gũi với người có nguy cơ lây nhiễm đều có nguy cơ nhiễm bệnh. Bất cứ ai có triệu chứng có thể là bệnh đậu mùa khỉ cần tìm kiếm lời khuyên của cán bộ y tế ngay”, WHO khuyến cáo.
Những “con đường” lây nhiễm
Người mắc bệnh đậu mùa khỉ có nguy cơ làm lây nhiễm trong thời gian có triệu chứng (thông thường là từ 2 – 4 tuần).
Một người có thể bị lây bệnh đậu mùa khỉ do tiếp xúc gần với người có triệu chứng. Nốt ban, dịch cơ thể (như dịch, mủ hoặc máu từ tổn thương trên da) và vảy đặc biệt có nguy cơ làm lây nhiễm.
Quần áo, ga gối, khăn mặt hoặc vật dụng khác như dụng cụ ăn/bát đĩa bị nhiễm virus do tiếp xúc với người nhiễm bệnh cũng có thể làm lây bệnh cho người khác.
Vết loét, tổn thương hoặc chỗ đau trong miệng cũng có nguy cơ làm lây nhiễm, nghĩa là vi rút có thể lây qua nước bọt. Do đó, người có tương tác gần gũi với người có nguy cơ làm lây nhiễm bao gồm cán bộ y tế, người nhà và bạn tình có nguy cơ nhiễm bệnh cao hơn.
Virus cũng có thể làm lây bệnh từ người đang có thai sang bào thai qua rau thai hoặc từ cha mẹ nhiễm bệnh sang con trong hoặc sau khi sinh do tiếp xúc trực tiếp da với da.
Hiện chưa rõ người không có triệu chứng có thể làm lây bệnh hay không.
Bệnh đậu mùa khỉ thông thường không được coi là có tính truyền nhiễm cao vì phải có tiếp xúc vật lý gần gũi với người có nguy cơ làm lây nhiễm (ví dụ, tiếp xúc da) để gây lây nhiễm giữa người với người.
Nguy cơ đối với toàn cộng đồng là thấp.
WHO hiện đang ứng phó với dịch bệnh này với mức độ ưu tiên cao nhằm tránh tiếp tục lây lan; trong nhiều năm nay, WHO đã coi bệnh đậu mùa khỉ là một mầm bệnh quan trọng.
WHO
LIÊN CHÂU
TNO