21/12/2024

ĐTC Phanxicô – Bài Giáo lý: Tuổi Già: Đừng từ bỏ con khi sức lực của con tiêu tan

ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ

TIẾP KIẾN CHUNG

Quảng trường Thánh Phêrô
Thứ Tư, 1 tháng 6 năm 2022

____________________________

Loạt Bài Giáo lý Linh hứng trong Lời Chúa về ý nghĩa và giá trị của tuổi già.
Bài 11. Tuổi Già: Đừng từ bỏ con khi sức lực của con tiêu tan

Bài đọc trước bài giáo lý được trích từ Thánh Vịnh 71 (Tv 71,5-6.20-21) :

Vì lạy Chúa, chính Ngài là Đấng con trông đợi, / lạy ĐỨC CHÚA, chính Ngài là Đấng con tin tưởng / ngay từ độ thanh xuân. / Từ thuở sơ sinh, con nương tựa vào Ngài, / Ngài đã kéo con ra khỏi lòng mẹ, / con ca tụng Ngài chẳng khi ngơi. / Ngài đã bắt con nếm mùi tân khổ, / chính Ngài sẽ cho con được hoàn sinh / và kéo ra khỏi vực sâu lòng đất. / Phần vinh hoa, Ngài sẽ ban nhiều, và trở lại vỗ về an ủi. 

Bài giáo lý của Đức Thánh Cha

Anh chị em thân mến, chào anh chị em buổi sáng!

Lời cầu nguyện tuyệt vời của người đàn ông cao niên mà chúng ta tìm thấy trong Thánh vịnh 71, và chúng ta vừa nghe, khuyến khích chúng ta suy gẫm về sự căng thẳng mạnh mẽ trong tình trạng tuổi già, khi ký ức về những gian lao vượt qua và các phước lành nhận được được đem ra thử thách đức tin và đức cậy.

Việc thử thách ấy tự thấy rõ trong sự yếu đuối vốn đi song song với việc vượt qua sự mong manh và dễ bị tổn thương của tuổi già. Và tác giả Thánh Vịnh – một người đàn ông lớn tuổi nói chuyện với Chúa – đề cập rõ ràng đến sự kiện diễn trình này trở thành cơ hội cho sự bỏ rơi, lừa dối, và thói quanh co và kiêu ngạo, đôi khi rình mò những người già. Đúng thế! Trong xã hội vứt bỏ, trong nền văn hóa vứt bỏ này, những người cao niên bị gạt sang một bên và phải gánh chịu những điều vừa nói. Một hình thức hèn nhát rất phổ biến trong xã hội của chúng ta. Thật vậy, không thiếu những kẻ lợi dụng người già, lừa gạt họ và đe dọa họ bằng vô số cách. Chúng ta thường đọc trên báo hoặc nghe tin tức về những người cao niên bị lừa một cách vô lương tâm, hoặc bị bỏ rơi không được bảo vệ hoặc bị bỏ rơi không được chăm sóc; hoặc bị xúc phạm bằng các hình thức khinh miệt và đe dọa từ bỏ các quyền lợi của họ. Sự tàn ác như vậy cũng xảy ra bên trong các gia đình – và điều này nghiêm trọng, nhưng nó cũng xảy ra trong các gia đình. Những người già bị bác bỏ, bị bỏ rơi trong các nhà an dưỡng, không có con cái đến thăm hoặc chỉ thăm một vài lần trong năm. Người già bị xếp vào góc của cuộc sống. Và điều này đang xảy ra: nó xảy ra ngày nay, nó xảy ra trong các gia đình, nó xảy ra mọi lúc. Chúng ta phải suy gẫm về điều này.

Toàn xã hội phải khẩn trương chăm sóc người già của mình – họ là kho báu của xã hội! – những người ngày càng đông và cũng thường là những người bị bỏ rơi nhiều nhất. Khi chúng ta nghe đến những người cao niên bị tước quyền tự chủ, an ninh, thậm chí cả ngôi nhà của họ, chúng ta hiểu rằng sự mâu thuẫn trong tư tưởng của xã hội ngày nay liên quan đến tuổi già không phải là vấn đề của những trường hợp khẩn cấp thỉnh thoảng mới xẩy ra, mà là một nét đặc trưng của nền văn hóa vứt bỏ đang đầu độc thế giới chúng ta đang sống. Vị cao niên trong Thánh vịnh bộc bạch sự chán nản của mình với Thiên Chúa: cụ nói, “Vì thù địch nặng lời chống đối, quân rình hại mạng con đã nhất trí bày mưu, bảo nhau rằng : ‘Thiên Chúa bỏ hắn rồi, cứ truy nã, bắt hắn đi, chẳng có ai cứu hắn đâu mà!’” (câu 10-11).

Hậu quả thật chết người. Tuổi già không những mất phẩm giá của nó mà thậm chí cả các nghi ngờ rằng mình xứng đáng được tiếp tục. Bằng cách này, tất cả chúng ta đều bị cám dỗ muốn che giấu việc dễ bị tổn thương của mình, che giấu bệnh tật, tuổi tác và thâm niên của mình, bởi vì chúng ta sợ chúng loan báo trước việc chúng ta mất phẩm giá. Chúng ta hãy tự hỏi mình: dẫn khởi cảm giác này có hợp với con người không? Làm thế nào nền văn minh hiện đại, tiên tiến và hữu hiệu như thế lại khó chịu với bệnh tật và tuổi già? Làm thế nào nó che giấu bệnh tật, nó che giấu tuổi già? Và làm thế nào nền chính trị, vốn hết sức cam kết trong việc ấn định các giới hạn của một cuộc sống có phẩm giá, lại cùng một lúc vô cảm đối với phẩm giá của một cuộc sống chung đầy yêu thương với người già và người bệnh?

Vị cao niên của Thánh vịnh mà chúng ta vừa nghe, người đàn ông lớn tuổi coi tuổi già của mình như một thất bại này, tái khám phá sự tín thác nơi Chúa. Cụ cảm thấy cần được giúp đỡ. Và cụ hướng về Thiên Chúa. Khi bình luận về Thánh vịnh này, Thánh Augustinô đã khuyến khích người già: “Đừng sợ bạn bị bỏ rơi trong sự yếu đuối đó, trong tuổi già đó. … Tại sao bạn sợ hãi Người sẽ bỏ rơi bạn, Người sẽ đuổi bạn đi vì tuổi già, khi sức lực của bạn đã không còn? Đúng lúc đó trong bạn sẽ có sức mạnh của Người, khi sức mạnh của bạn không còn” (Diễn giải về Thánh vịnh 36, 881-882), đó là điều chính thánh Augustinô đã nói. Và tác giả Thánh vịnh lớn tuổi cầu xin: “Vì Ngài công chính, xin cứu vớt và giải thoát con, ghé tai nghe và thương cứu độ. Xin Ngài nên như núi đá cho con trú ẩn, như thành trì để cứu độ con, núi đá và thành trì bảo vệ con, chính là Ngài” (các câu 2-3). Lời cầu khẩn làm chứng cho lòng thành tín của Thiên Chúa và kêu gọi khả năng của Người làm sống lại các lương tâm đã bị phân tán bởi sự vô cảm đối với dòng sống trần gian, một dòng sống phải được bảo vệ toàn vẹn. Cụ lại cầu nguyện như sau: “Lạy Thiên Chúa, xin đừng nỡ xa con, lạy Thiên Chúa, xin Ngài mau trợ giúp! Ước chi những người muốn hại mạng sống con đều phải chết nhục nhã ê chề; kẻ tìm cách gây hoạ cho con phải muôn vàn nhuốc nhơ xấu hổ” (câu 12-13).

Thật vậy, thật đáng xấu hổ thay những ai lợi dụng sức yếu do bệnh tật và tuổi già gây ra. Lời cầu nguyện làm mới lại trong lòng vị cao niên lời hứa về lòng thành tín của Thiên Chúa và phước lành của Người. Người đàn ông lớn tuổi tái khám phá lời cầu nguyện và làm chứng cho sức mạnh của nó. Trong các Tin Mừng, Chúa Giêsu không bao giờ bác bỏ lời cầu nguyện của những người đang cần được giúp đỡ. Những người cao niên, do sự yếu đuối của họ, có thể dạy những người đang sống trong các độ tuổi khác của cuộc sống rằng tất cả chúng ta cần phải phó mình cho Chúa, cầu xin sự giúp đỡ của Người. Theo nghĩa này, tất cả chúng ta phải học hỏi từ tuổi già: vâng, có một hồng phúc khi người ta già đi, tức là phó mình cho sự chăm sóc của những người khác, bắt đầu với chính Thiên Chúa.

Rồi còn có “huấn quyền của sự yếu đuối“, không che giấu các yếu đuối, không. Đúng vậy, đó là một thực tại: có một huấn quyền của sự yếu đuối, mà tuổi già có thể nhắc nhở chúng ta một cách đáng tin cậy trong suốt cuộc đời con người. Anh chị em đừng che giấu tuổi già, anh chị em đừng che giấu sự mong manh của tuổi già. Đây là một giáo huấn cho tất cả chúng ta. Giáo huấn này mở ra một chân trời quyết định cho việc cải cách nền văn minh của chính chúng ta. Một cuộc cải cách hiện nay không thể thiếu vì lợi ích của sự chung sống của tất cả mọi người. Việc người cao niên bị gạt ra ngoài lề – cả trong khái niệm lẫn trong thực tế – đang làm suy đồi tất cả các mùa của cuộc sống, không chỉ của tuổi già mà thôi. Mỗi người chúng ta ngày nay đều có thể nghĩ đến những người cao niên trong gia đình: tôi liên hệ với họ như thế nào, tôi có nhớ đến họ không, để tôi đi thăm họ? Tôi có cố gắng bảo đảm để họ không thiếu thứ gì không? Tôi có tôn trọng họ không? Những người lớn tuổi trong gia đình tôi: hãy nghĩ đến mẹ, cha, ông, bà, cô dì chú bác, bạn bè… Tôi có triệt tiêu họ khỏi cuộc đời mình chưa? Hay tôi đến gặp họ để có được khôn ngoan, sự khôn ngoan của cuộc sống? Anh chị em hãy nhớ rằng anh chị em cũng sẽ già đi. Tuổi già đến với tất cả mọi người. Và anh chị em hãy đối xử với người già ngày nay như anh chị em mong muốn được đối xử với tuổi già của mình. Họ là ký ức của gia đình, ký ức của nhân loại, ký ức của đất nước. Anhh chị em hãy bảo vệ người già, những người khôn ngoan. Xin Chúa ban cho những người cao niên thành viên của Giáo hội được rộng lượng trước lời kêu gọi này và lời khuyến khích này. Xin cho niềm tin cậy nơi Chúa này lan tỏa tới chúng ta. Và điều này, vì lợi ích cho mọi người, cho họ.

Bản dịch Việt ngữ: Vũ Văn An
Nguồn: http://www.vietcatholicnews.org/