Sách giáo khoa mới đắt hơn 2 – 3 lần: ‘Khổ to, giấy tốt’ càng… khổ?
Sách giáo khoa mới đắt hơn 2 – 3 lần: ‘Khổ to, giấy tốt’ càng… khổ?
Lý giải về giá sách giáo khoa mới đắt hơn ít nhất 2-3 lần so với sách hiện hành từ Bộ trưởng Bộ GD-ĐT chưa thuyết phục được người dân, trái lại còn làm cho những bức xúc trở nên căng thẳng hơn.
“Khổ to” vừa đắt vừa nặng cặp học sinh
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho rằng, một trong những nguyên nhân khiến sách giáo khoa mới cao hơn 2-3 lần so với sách của chương trình giáo dục phổ thông 2006, là sách được in khổ to, giấy đẹp…
|
Danh mục dài dằng dặc các đầu sách giáo khoa mới |
Giải thích này đang vấp phải phản ứng của rất nhiều bạn đọc, phụ huynh.
Cùng đọc hàng loạt những bình luận của người dân xung quanh giải thích này của Bộ trưởng: “Tôi nghĩ giá trị cuốn sách không nằm ở khổ to giấy tốt. Tôi cũng không cần khổ to, giấy tốt làm gì. Tôi chỉ cần kiến thức trong sách giáo khoa có giúp được gì cho con em trong cuộc sống và sang năm cháu sau có dùng được sách này hay không mà thôi”, một bạn đọc bình luận.
Chất lượng sách giáo khoa nằm trong kiến thức truyền tải, trong chương trình giảng dạy, kỹ thuật biên soạn phù hợp từng cấp học. Không phải trong các yếu tố “khổ to, giấy tốt”.
Bạn đọc khác thì cho rằng: “Đẹp làm gì? Chất lượng bên trong mới là trọng tâm”.
Ở khía cạnh khác, sách khổ to còn khiến phụ huynh lo ngại con họ, đặc biệt là các bé ở lứa tuổi tiểu học. sẽ phải “gù lưng” cõng cặp sách đến trường.
Một bạn đọc bình luận dưới tên Minh Phan: “Ngay cả chuyện khổ sách to giấy tốt cũng nên xem xét là có cần thiết không. Hiện nay đang có thực trạng là học sinh tiểu học ngày càng phải è lưng ra vác cái cặp nặng gần bằng chính trọng lượng của các cháu, tăng kích cỡ sách, giấy tốt sẽ làm cho trọng lượng quyển sách thêm nặng. Sách to quá cỡ so với khổ sách thông thường dẫn đến cầm cuốn sách trên tay nó cứ oặt ẹo không cứng cáp. Ở cái tuổi chưa biết cách giữ gìn sách như các cháu tiểu học thì như vậy sách sẽ nhanh rách nhanh hư, con tôi học nên tôi biết”.
Một phụ huynh khác cũng cùng nỗi niềm: “Con tôi học lớp 2, nặng 22 kg, hằng ngày phải đeo cái cặp sách cân nặng gần 4,5 kg đi học mà thấy tội luôn”.
“Hai năm cải cách vừa rồi con tôi mua sách lớp 1, 2 còn đắt hơn cả sách cho lớp 8, lớp 9. Học sinh không cần đến chất liệu giấy quá bóng bẩy, chỉ cần đủ dầy và dai để không bị rách bóng quá đọc rất nhanh mỏi mắt” là một bình luận đáng chú ý khác về việc có thực sự cần “khổ to, giấy tốt” hay không.
“Tôi không cần khổ to, giấy tốt. Tôi chỉ mong bộ sách nhẹ bớt cho cặp các cháu đỡ nặng”, hay “Rất mong các cơ quan liên quan biên soạn sách giáo khoa hãy đưa mình vào vị trí của học sinh và phụ huynh và điều kiện thực tế của người dân để có sự điều chỉnh phù hợp”… là đề xuất của nhiều phụ huynh.
Đắt vì chất lượng thấp, “tuổi thọ”
Nhiều ý kiến cho rằng khi bức xúc về sách giáo khoa mới, vấn đề mọi người quan tâm ở đây không phải đắt hay rẻ mà vì sự lãng phí khi sách giáo khoa chỉ sử dụng được 1 năm. Sự lãng phí này mới là đắt…
Sách giáo dục thể chất là một trong những cuốn sách giáo khoa bị người dân phản ứng vì bắt họ mua nhưng cả năm không “động” đến, vô cùng lãng phí |
Hoặc: “Sách mới giấy tốt mà nội dung không tốt, mỗi năm thấy bất cập lại đổi, lại in mới, vậy quá lãng phí”.
Bộ trưởng Kim Sơn giải thích, các sách biên soạn theo bộ mới là hoàn toàn dùng lại được chứ không phải là sách dùng một lần. Còn người ta cứ nói năm nào cũng thay sách bởi vì phải thay 12 năm mới hết được, năm nào cuốn chiếu thay lớp 1, 2, 3, 10, năm tới là 4, 8, 11 và một năm nữa mới thay xong.
“Năm nào cũng có nhiệm vụ thay sách thì đương nhiên sách cũ không dùng được cho năm mới, nhưng những sách biên soạn mới hoàn toàn có thể dùng lại được. Bộ GD-ĐT đã chỉ đạo các trường tăng cường mua sách đưa vào thư viện để học sinh có thể dùng lại nhiều lần”, người đứng đầu ngành GD-ĐT nói.
Tuy nhiên, lý giải này chưa nhận được sự đồng thuận của phụ huynh – những người trực tiếp bỏ tiền mua sách giáo khoa và chứng kiến con mình sử dụng hàng ngày, hàng năm.
Một phụ huynh nêu thực tế: “Việc sách giáo khoa chỉ dùng được 1 năm là hoàn toàn có cơ sở. Mỗi trường chọn bộ sách khác nhau, học xong cho người nhận không biết trường con mình có dùng bộ này hay không? Ví dụ tôi muốn xin sách cũ cho con học cũng không biết bộ nào mà xin?”.
Sách cấp tiểu học có quyển mua về thời gian dùng tính trên đầu ngón tay hoặc tuyệt nhiên không “động đến” như sách của môn thể dục, hoạt động trải nghiệm,… cũng là điều khiến phụ huynh xót xa, phàn nàn vì sự lãng phí.
“Rất tiếc là người làm sách đã không nghĩ đến các em học sinh thuộc gia đình nghèo khi chọn in giấy khổ to, giấy tốt, và chỉ dùng cho một lứa học sinh, lứa tiếp theo không dùng lại được. Các con tôi học cấp 1 ở Mỹ. Đối với một số giáo trình in đẹp, nhà trường cho mượn sách, không bán. Đầu năm khi vào học, các cháu phải ký mượn sách, và cuối năm trả lại”, một bạn đọc khác bình luận.
Trước đó, Thanh Niên đã thông tin: sáng 25.5, tại phiên thảo luận ở tổ của Quốc hội, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn đã có những giải thích xung quanh giá sách giáo khoa tăng 2 – 3 lần.
TUỆ NGUYỄN
TNO