22/01/2025

Chuyện cổ tích của người viết cổ tích

Chuyện cổ tích của người viết cổ tích

Cô bé bán diêm, Bà chúa tuyết, Vịt con xấu xí… – những câu chuyện thần tiên không xa lạ với trẻ em thế giới. Nhưng cuộc đời của người viết nên những câu chuyện cổ tích này – Andersen – chắc hẳn hiếm người tường tận.

 

Chuyện cổ tích của người viết cổ tích - Ảnh 1.

Tự truyện của nhà văn Andersen (trái) và truyện cổ của ông trong một ấn bản tại Việt Nam – Ảnh: NỮ LÂM

May mắn thay, lúc sinh thời, Andersen đã viết lại chuyện đời mình.

 

Thoát khỏi lâu đài băng

Hans Christian Andersen sinh vào tháng tư năm 1805 ở thành phố Odense. Thành phố này được đặt tên theo thần Odin, vị thần tối cao trong thần thoại Bắc Âu. Không biết, sinh ra ở một thành phố “thần thoại” như vậy có phải là môi trường nuôi dưỡng những hạt mầm thần tiên trong thế giới của chú bé con nhà nghèo không.

Trong những trang đầu của tự truyện Chuyện đời tôi (Đăng Thư dịch, Omega+ và NXB Thế Giới 2022), tác giả miêu tả quê hương ông là “vùng đất thơ mộng, đầy truyền thống dân gian với nhiều bài ca cổ, kèm theo một lịch sử biến động”.

Andersen thuở nhỏ là đứa trẻ được nuông chiều. Dù cha ông chỉ là thợ đóng giày nhưng rất thường đọc cho con nghe các vở kịch cũng như các truyện trong Nghìn lẻ một đêm. Chỉ ở bên cạnh cha mình 11 năm, nhưng sự giáo dục và tình yêu văn chương mà người cha truyền lại cho ông sâu sắc đến mức, rất nhiều năm sau này, Andersen vẫn còn nhớ lại những buổi dạo chơi trong rừng cùng cha cũng như đã phát triển lòng đam mê sáng tác.

Ta có thể thấy Andersen là người khá nhạy cảm, dễ tủi thân và có lẽ đây chính là yếu tố khiến ông có cái nhìn đồng cảm với những số phận đáng thương như những đứa bé mồ côi. Ai biết được, bao nhiêu lần ông đã tự thắp lên những que diêm trong trí tưởng tượng để thấy bàn ăn với con gà nhảy múa hay người cha đã mất.

Một số truyện thần tiên nổi tiếng của Andersen gợi không gian mùa đông: Cô bé bán diêm, Bà chúa tuyết, Người tuyết… Những ngọn gió lạnh lẽo nhắc lại thời khắc cha ông qua đời cũng như tâm trạng cô độc trước sự ấm lạnh của người đời.

Nhưng cũng như giọt nước mắt của hai đứa trẻ Gerda và Kay đã giúp em thoát khỏi lâu đài của bà chúa tuyết, chính vì tin vào sự thánh thiện, Andersen cũng đã thoát ra khỏi lâu đài băng của chính ông, đi ra thế giới và gặt hái thành công.

 

Như chú vịt con xấu xí

Đọc tự truyện Chuyện đời tôi, có thể thấy cuộc đời Andersen là những chuyến đi qua những thành phố, khám phá những vùng đất mới, kết giao với những văn nghệ sĩ nổi tiếng của châu Âu, trong đó có tình bạn lớn với văn hào người Anh Charles Dickens.

Dickens cũng có tác phẩm quen thuộc đầy màu sắc diệu kỳ như A Christmas carol, hay những nhân vật mồ côi như chú bé Pips trong Những kỳ vọng lớn lao hay chú bé Oliver Twist.

Andersen có thời gian làm khách ở nhà Dickens, nhưng có thể do tính tình có phần “kỳ quái” của ông, tình bạn này sau đó đổ vỡ.

Qua hồi ức của chính Andersen, có thể thấy tình bạn đóng vai trò rất lớn trong đời sống của ông. Những phút nản lòng, khi tác phẩm của ông nhận lời chê, đôi khi những lời động viên của bạn bè giúp ông vực dậy. Andersen trút hơi thở cuối cùng trong nhà một người bạn thân là chủ ngân hàng.

Chuyện đời tôi không chỉ hồi ức của một cá nhân, mà qua đó còn phác họa đời sống sinh hoạt nghệ thuật ở châu Âu một thời. Ta có thể thấy thấp thoáng các khuôn mặt văn nghệ sĩ cũng như cách một văn nhân tồn tại trong thời đại đó.

Một số nhà phê bình cho rằng truyện Vịt con xấu xí chính là tự truyện của Andersen. Cuộc đời ông có lẽ là một màn “vịt hóa thiên nga” như thế.

Mất cha từ ấu thơ, ông phải bươn chải bằng nhiều nghề để nuôi thân và mẹ. Ở nơi ông sống, tình yêu văn chương của ông không được ủng hộ. Andersen cũng không phải có ngoại hình nổi bật và dù sau này được chìm đắm trong tình bạn, ta có thể thấy trong những trang hồi ức của ông một nỗi cô đơn, lạc lõng.

Con đường thành công của Andersen gian nan nhưng cuối cùng cũng gặt hái quả ngọt. Điều an ủi ở đây là Andersen đã sống để thấy bản thân được người đời công nhận, may mắn hơn nhiều nhà văn chỉ tìm được vinh quang sau cái chết.

Chuyện đời tôi dừng lại vào năm 1869. Ông trở về quê hương Odense, “bái tổ vinh quy”. Và khi ông rời đi, đích thân thị trưởng đến chào tạm biệt, dân chúng hò reo tiễn bước ông. Ông khép lại toàn bộ bằng lời cầu nguyện: “Xin đừng bỏ con trong ngày thử thách sắp tới”.

Sáu năm sau, tức năm 1875, Andersen qua đời.

Ngày nay, Hans Christian Andersen không còn xa lạ trên toàn thế giới. Các tác phẩm viết cho thiếu nhi đã được dịch và xuất bản tương đối đầy đủ. Tuy nhiên, đây chỉ là một phần trong gia tài văn học Andersen. Sự nghiệp của ông còn có kịch, thơ và tiểu thuyết.

Có hai giải thưởng quốc tế mang tên ông thường dễ nhầm lẫn. Một là Huy chương Hans Christian Andersen được thành lập năm 1956 trao cho tác giả thiếu nhi cũng như họa sĩ vẽ cho thiếu nhi. Hai là Giải văn học Hans Christian Andersen là giải thưởng tư nhân lập ra năm 2010, lễ trao giải diễn ra ở thành phố Odense.

NỮ LÂM
TTO