23/01/2025

Viêm gan cấp khiến trẻ em chết: 650 ca mắc tại 33 nước, Việt Nam đang ứng phó sao?

Viêm gan cấp khiến trẻ em chết: 650 ca mắc tại 33 nước, Việt Nam đang ứng phó sao?

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) vừa đưa ra báo cáo thứ 2 về bệnh viêm gan cấp gây tử vong ở trẻ. Tính đến ngày 27-5, thế giới đã ghi nhận ít nhất 650 ca viêm gan cấp tại 33 quốc gia.

 

 

Viêm gan cấp khiến trẻ em chết: 650 ca mắc tại 33 nước, Việt Nam đang ứng phó sao? - Ảnh 1.

Bệnh nhi đang được điều trị tại Bệnh viện Thanh Nhàn, Hà Nội – Ảnh: NAM TRẦN

Ngoài ra 99 trường hợp nghi mắc khác đang chờ xác minh, cho đến nay nguyên nhân gây bệnh vẫn chưa thể xác định.

Theo WHO, phần lớn ca bệnh được xác định ở châu Âu với 22 quốc gia ghi nhận 374 trường hợp, chiếm 58%. Riêng Vương quốc Anh có 222 trẻ mắc bệnh (34%). Các trường hợp còn lại nằm ở châu Mỹ (240 ca, gồm 216 trẻ ở Mỹ), Tây Thái Bình Dương (34), Đông Nam Á (14), Đông Địa Trung Hải (5).

 

Virus adeno vẫn là “nghi phạm” hàng đầu

Theo báo cáo của WHO, virus adeno được phát hiện trong 75% ca mắc tại Anh, tại các quốc gia khác chưa có phát hiện đầy đủ. Trong số ít các mẫu đã được phân tích phần lớn nhiễm virus adeno loại 41.

WHO cho rằng virus adeno vẫn là nghi phạm hàng đầu của làn sóng viêm gan bí ẩn này. Trong khi đó các nghiên cứu sâu hơn vẫn đang được thực hiện để xác định tác nhân gây bệnh như đồng nhiễm nCoV.

Theo bác sĩ Nguyễn Trung Cấp – giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương, virus adeno loại 41 không mới và đang lưu hành tại hầu hết các quốc gia trên thế giới. “Triệu chứng của trẻ khi nhiễm virus adeno loại 41 là sốt, tiêu chảy, nôn…, sau vài ngày trẻ sẽ tự khỏi. Hiện virus adeno vẫn là nguyên nhân nghi ngờ gây bệnh viêm gan ở trẻ nên chúng ta vẫn cần cẩn trọng”, ông Cấp thông tin.

Sau hơn 1 tháng bệnh viêm gan cấp gây tử vong ở trẻ xuất hiện, đến nay WHO đánh giá nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh này ở cấp độ toàn cầu là vừa phải.

 

Chuẩn bị phương án: ‘Trường hợp xấu nhất có thể ghép gan’

Trao đổi với Tuổi Trẻ, đại diện Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết hiện cục vẫn đôn đốc các cơ sở y tế chủ động giám sát ca bệnh viêm gan cấp chưa rõ nguyên nhân. Vị này cho hay “vẫn theo dõi các thông tin ca bệnh từ các nước cũng như thông tin từ WHO để có các biện pháp ứng phó kịp thời khi bệnh xâm nhập vào Việt Nam.

Đối với các tỉnh có cửa khẩu biên giới, cần tăng cường công tác giám sát tại các cửa khẩu nhằm phát hiện sớm những trường hợp có triệu chứng nghi ngờ để có hướng dẫn, quản lý phù hợp.

Từ đầu tháng 5-2022, Bộ Y tế đã đề nghị các bệnh viện tăng cường giám sát, lấy mẫu xét nghiệm ca bệnh nghi ngờ. Đến nay vẫn đang duy trì thực hiện các biện pháp này”.

Về nguy cơ bệnh có thể xâm nhập vào Việt Nam hay không? Bác sĩ Cấp đánh giá: “Sau gần 1 tháng tăng cường giám sát, hiện bệnh viện chưa phát hiện ca bệnh nào nghi ngờ mắc viêm gan cấp này.

Tuy nhiên đến nay bệnh đã có mặt tại 33 quốc gia, đã có một số quốc gia trong khu vực Đông Nam Á ghi nhận ca bệnh. Vì vậy chúng ta hoàn toàn nghĩ đến khả năng một thời điểm nào đó sẽ có thể xuất hiện tại Việt Nam. Chúng ta luôn chuẩn bị những phương án sẵn sàng”.

TS Nguyễn Phạm Anh Hoa – trưởng khoa gan mật, Bệnh viện Nhi trung ương – cho biết hiện Việt Nam đã có những phương pháp ghép gan tiến bộ. Trong trường hợp xấu nhất viêm gan cấp chưa rõ nguyên nhân xuất hiện và cần phải ghép gan, hoàn toàn có khả năng để thực hiện các phẫu thuật ghép gan cho trẻ.

Để phòng ngừa virus adeno và các bệnh nhiễm trùng thông thường khác, WHO khuyến cáo các biện pháp phòng ngừa như vệ sinh tay thường xuyên, sử dụng xà phòng và nước hoặc gel rửa tay có cồn, tránh nơi đông đúc và duy trì khoảng cách với những người khác.

Bên cạnh đó đảm bảo thông gió tốt khi ở trong nhà, đeo khẩu trang vừa vặn che miệng và mũi khi được khuyến nghị, che miệng khi ho, hắt hơi. Ăn chín uống sôi, thường xuyên khử khuẩn các bề mặt hay chạm tay vào, tự cách ly khi có triệu chứng bất thường và liên hệ ngay với bác sĩ.

 

Vệ sinh, ăn uống sạch sẽ

TS Lê Mạnh Hùng – phó giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM – cho biết bệnh viện đã thành lập tổ hội chẩn phản ứng nhanh.

Thời gian vừa qua, bệnh viện đã tiến hành hội chẩn một số trẻ đang điều trị tại các bệnh viện nhi đồng nghi ngờ mắc bệnh viêm gan cấp tính chưa rõ nguyên nhân. Qua hội chẩn và phân tích bệnh sử, tổ phản ứng chưa ghi nhận trẻ nào mắc bệnh này, thay vào đó có trẻ nhầm lẫn với bệnh sốt xuất huyết.

Theo ông, với số lượng các ca mắc trên thế giới và yếu tố dịch tễ, bệnh viêm gan cấp tính chưa rõ nguồn gốc này không thể lây lan qua đường hô hấp như dịch COVID-19, có khả năng bệnh lây qua đường tiêu hóa nên biện pháp phòng ngừa vẫn là ăn uống, vệ sinh sạch sẽ.

XUÂN MAI

DƯƠNG LIỄU
TTO