23/01/2025

Bỏ ăn bữa tối, nên hay không?

Bỏ ăn bữa tối, nên hay không?

Cần phải ăn một bữa tối nhẹ nhưng cân bằng để đảm bảo cơ thể không bị thiếu chất dinh dưỡng hoặc calo cần thiết.

 

 

 

“Hãy ăn sáng như một vị hoàng đế và ăn tối như một kẻ ăn mày!”. Điều này đã trở thành chuẩn mực và nhiều người dần xem nhẹ bữa tối và bắt đầu bỏ bữa tối. Nhưng họ không biết làm như vậy có thể có tác động tiêu cực đến sức khỏe, theo nhật báo Ấn Độ Times Now News.

Bỏ ăn bữa tối, nên hay không? - ảnh 1
Nhiều người bỏ bữa tối nhưng họ không biết làm như vậy có thể có tác động tiêu cực đến sức khỏe  SHUTTERSTOCK

Bỏ bữa tối ảnh hưởng đến sức khoẻ như thế nào?

Có thể thiếu chất: Đầu tiên, bỏ bữa tối có thể dẫn đến thiếu hụt dinh dưỡng trong cơ thể, vì cơ thể cần các vi chất dinh dưỡng như magiê, vitamin B12 và vitamin D3 để hoạt động hằng ngày. Và nếu bạn tiếp tục thói quen này trong thời gian dài, bạn có nguy cơ bị suy dinh dưỡng hoặc thiếu chất, theo chuyên trang sức khỏe Health Shot.

Giảm lượng đường trong máu: Bụng đói có hại cho sức khỏe tâm lý, chức năng não bộ nói chung và khả năng ra quyết định của bạn. Theo nghiên cứu của Đại học Bắc Carolina (Mỹ), não chạy bằng glucose và việc bỏ bữa tối có thể làm giảm lượng đường trong máu – có thể dẫn đến cáu kỉnh, mệt mỏi hoặc thiếu tập trung.

Có thể mất cơ: Quá trình trao đổi chất chậm lại cũng ảnh hưởng đến khả năng tăng cơ của cơ thể. Trong khi ngủ, cơ thể sẽ chuyển sang chế độ sửa chữa và phục hồi, kể cả xây dựng khối lượng cơ, chuyển đổi protein thành cơ và sửa chữa các mô bị hư hỏng.

Do đó, nếu cơ thể không đủ chất dinh dưỡng và protein để sửa chữa và phục hồi, thì sẽ có nguy cơ bị mất cơ khi ngủ, theo Health Shot.

Thường xuyên bỏ bữa tối có thể dẫn đến chất lượng giấc ngủ kém, từ đó dẫn đến một số vấn đề sức khỏe về lâu dài.

Mất ngủ: Sự thâm hụt calo nhẹ có thể không gây hậu quả nghiêm trọng. Tuy nhiên, nếu thâm hụt quá mức, cơn đói có thể gây thức giấc vào ban đêm và khó ngủ lại, do đó dẫn đến mất ngủ, theo Times Now News.

Ngoài ra, hấp thụ đủ lượng calo là điều quan trọng để sản xuất serotonin và melatonin là các hoóc môn điều hòa giấc ngủ.

Giảm khả năng miễn dịch và trao đổi chất: Theo tạp chí dinh dưỡng Nutrients Journal, thiếu hụt chất dinh dưỡng có thể dẫn đến ngủ không đủ giấc và rối loạn giấc ngủ trong một số trường hợp nghiêm trọng – thiếu vitamin D là tình trạng phổ biến nhất.

Thiếu ngủ cũng có thể có ảnh hưởng xấu đến khả năng miễn dịch, tâm trạng, năng lượng và sự trao đổi chất.

Giảm khả năng ghi nhớ và tập trung: Theo Hiệp hội giấc ngủ của Mỹ (Sleep Foundation), giấc ngủ giúp tâm trí và cơ thể nạp năng lượng; nó cũng cải thiện khả năng suy nghĩ rõ ràng, ghi nhớ mọi thứ và tập trung.

Theo một nghiên cứu được công bố trên tạp chí y khoa Neuropsychiatric Disease and Treatment Journal, thiếu ngủ ảnh hưởng đến trí nhớ làm việc và cả khả năng tập trung, theo Times Now News.

THIÊN LAN

TNO