23/01/2025

Bí ẩn của những cọc nhà sàn Óc Eo

Những câu chuyện văn hóa Óc Eo mới phát hiện:

Bí ẩn của những cọc nhà sàn Óc Eo

Nhiều cọc gỗ được tìm thấy gần nhau khi khai quật Óc Eo. Có giả thuyết cho rằng đó là những cọc nhà sàn.

 

 

Từ dàn cọc gỗ đến kiến trúc nhà sàn

PGS-TS Bùi Minh Trí cho biết một phát hiện quan trọng và có giá trị trong cuộc khai quật khảo cổ Óc Eo (An Giang) và Nền Chùa (Kiên Giang) chính là dấu vết kiến trúc nhà sàn nằm dọc ven lung nước (kênh lớn) cổ. Theo đó, Viện Nghiên cứu kinh thành (VNCKT) phát hiện 2 di tích kiến trúc nhà sàn được xác định qua hệ thống cọc gỗ đóng sâu xuống.

Bí ẩn của những cọc nhà sàn Óc Eo - ảnh 1
Mô hình nhà sàn Óc Eo 3D do Viện Nghiên cứu kinh thành dựng    VIỆN NGHIÊN CỨU KINH THÀNH CUNG CẤP

Báo cáo khảo cổ cho biết kiến trúc thứ nhất có 121 cột/cọc gỗ. Các cọc gỗ này là gỗ tự nhiên, một đầu được đẽo nhọn để cắm thẳng sâu xuống đất, xếp theo hàng, bên trên dựng sàn nhà. Dựa vào sự phân bố của các cột gỗ, dấu tích kiến trúc này được xác định có mặt bằng hình chữ nhật, quy mô khá lớn, có diện tích xuất lộ 123 m². Kiến trúc thứ hai mới xuất lộ một phần. Trong phạm vi kiến trúc có 22 cột gỗ, hình thành mặt bằng hình tam giác vuông. Phần xuất lộ trong hố khai quật có 1 góc vuông, có diện tích 34 m². Kỹ thuật xây dựng và quy luật phân bố các cột gỗ tương tự như kiến trúc thứ nhất.

Để nghiên cứu kỹ thuật dựng và gia cố cột gỗ trong các kiến trúc nhà sàn ở Khu B, các nhà khảo cổ đã đào các rãnh giữa 2 hàng cột theo chiều vuông góc nhau. Kết quả cho thấy hiện trạng các cột, kỹ thuật gia công và dựng cột ở các kiến trúc hoàn toàn giống nhau. Các cột gỗ lớn thường được gia công đẽo gọt nhẵn bề mặt, đầu trên xuất lộ có vết gãy tự nhiên, đầu dưới được đẽo nhọn và được đóng trực tiếp xuống nền đất gốc. Các cọc nhỏ không được gia công.

Bí ẩn của những cọc nhà sàn Óc Eo - ảnh 2
Các cọc nhà sàn được tìm thấy  LÊ ĐÌNH NGỌC

Theo PGS-TS Trí, các cụm cọc thường xuất lộ ở những nơi đất trũng thấp. Ông phỏng đoán đây có thể là hiện tượng gia cố hoặc thay thế những cột bị hỏng. Số lượng cột trong các di tích kiến trúc cũng phản ánh cách chọn vị trí dựng nhà, thường là ở chỗ đất cao sử dụng ít cột, chỗ đất thấp nhiều cột/cụm cột. “Điều này cho thấy cư dân cổ Óc Eo đã có ứng xử thích hợp với điều kiện môi trường và khí hậu để sáng tạo ra kỹ thuật xây dựng và hình thức cư trú trong môi trường khắc nghiệt, nhằm duy trì cuộc sống ổn định, lâu dài qua nhiều thế hệ”, ông Trí cho biết.

 

Bản vẽ 3D nhà sàn

Công bố trong sách Văn hóa Óc Eo – Những phát hiện mới khảo cổ học tại di tích Óc Eo – Ba Thê và Nền Chùa 2017 – 2020 cho biết bên cạnh các dấu tích kiến trúc nhà sàn tại cả An Giang và Kiên Giang đều có một số đặc điểm chung. Đó là sử dụng gỗ tự nhiên, một đầu được đẽo nhọn để cắm thẳng sâu xuống đất, xếp theo quy luật thẳng hàng và vuông góc với nhau tạo thành hình chữ nhật, bên trên ghép các thanh xà và ván gỗ để tạo sàn nhà vững chắc có chức năng đỡ bộ khung của kiến trúc bên trên.

Cũng theo nghiên cứu của VNCKT, kiến trúc nhà sàn tìm thấy ở Óc Eo – Ba Thê đều cho thấy chúng có kết cấu khá đơn giản và trên mái chủ yếu được lợp bằng thảo mộc. Tại Nền Chùa đã xác định được mặt bằng của 4 kiến trúc nhà sàn có quy mô khá lớn, diện tích khoảng từ 120 – 140 m². Xung quanh dấu tích cột gỗ không tìm thấy ngói cho thấy nó có thể được lợp bằng lá cây như mô tả trong sử liệu Trung Hoa.

Theo ông Nguyễn Hữu Tâm (Viện Sử học), cách lợp trong sử liệu Trung Hoa này xuất hiện trong Tấn thư. Sách có đoạn: “Họ (người Phù Nam) biết đẵn gỗ làm nhà. Vua họ ở gác nhiều tầng. Họ lấy gỗ ken làm thành. Bờ bể nước họ có một loại cây gọi là đại nhược, lá dài tới 8, 9 thước. Người ta bện lại để lợp nhà. Dân thường cũng làm nhà gác để ở”. Một ghi chép khác của thư tịch cổ Trung Hoa cũng mô tả tương tự: “Người dân ở đây chặt cây để làm nhà, vua ở nhà gác, hoặc ở trong một vọng lâu có hai tầng; thường dân ở trong những nhà cao, dựng trên cột, lợp bằng tre”, “nhà của họ thường trang trí và chạm trổ, có hàng rào gỗ xung quanh”.

Theo PGS-TS Bùi Minh Trí, những ghi chép của thư tịch Trung Hoa cho thấy gỗ là vật liệu có một vị trí quan trọng trong việc xây dựng nhà cửa ở Phù Nam, được dùng phổ biến trong mọi tầng lớp cư dân. Sách cũng cho thấy trên mái các công trình nhà sàn gỗ thời bấy giờ thường được lợp bằng tre hay bằng loại lá cây “đại nhược”, có thể là “dừa nước” một loại cây sẵn có trong tự nhiên ở khu vực này.

Từ những tư liệu đó, PGS-TS Bùi Minh Trí và VNCKT đã dựng lên hình ảnh 3D của nhà sàn nơi cư dân Óc Eo sinh sống. “Đây cũng là bản vẽ 3D đầu tiên phục dựng về hình thái nhà sàn. Trước giờ ai cũng nói nhà sàn nhưng chưa ai vẽ hình thái nhà sàn của Óc Eo. Và chúng tôi là đơn vị đầu tiên làm điều đó”, ông Trí nói. (còn tiếp)

TRINH NGUYỄN

TNO