23/11/2024

Dấu hiệu bệnh đậu mùa khỉ có thể xuất hiện ở vùng kín

Dấu hiệu bệnh đậu mùa khỉ có thể xuất hiện ở vùng kín

Đậu mùa khỉ có thể lây từ người sang người qua tiếp xúc “vật lý” gần gũi. Dấu hiệu bệnh có thể xuất hiện ở miệng, cơ quan sinh dục.

 

 

Vài nghìn nốt tổn thương trên da

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), triệu chứng điển hình của bệnh đậu mùa khỉ bao gồm sốt, đau đầu dữ dội, đau cơ, đau lưng, giảm năng lượng, sưng hạch và phát ban hoặc tổn thương da.

Ban thường bắt đầu với 1 đến 3 ngày khởi sốt. Tổn thương da có thể phẳng hoặc hơi nổi (nốt phỏng), chứa dung dịch trong hoặc hơi vàng và sau đó có thể đóng vảy, khô và rụng vảy. Số lượng tổn thương da trên một người có thể dao động từ một vài cho đến vài nghìn nốt.

Phát ban có xu hướng tập trung ở mặt, lòng bàn tay và lòng bàn chân. Các tổn thương này cũng có thể gặp ở miệng, bộ phận sinh dục và mắt.

Nốt ban của bệnh đậu mùa khỉ có thể giống với một số bệnh lây truyền qua đường tình dục bao gồm bệnh do vi rút herpes và bệnh giang mai. Điều này có thể giải thích, một số ca bệnh trong đợt bùng phát dịch hiện nay đã được phát hiện ở nam giới đến khám tại các phòng khám sức khỏe tình dục.

Dấu hiệu bệnh đậu mùa khỉ có thể xuất hiện ở vùng kín - ảnh 1
Phát ban do đậu mùa khỉ có xu hướng tập trung ở mặt, lòng bàn tay và lòng bàn chân, nhưng cũng có thể gặp ở miệng, bộ phận sinh dục và mắt

TN

Có thể lú lẫn, tử vong

Trong hầu hết các trường hợp, triệu chứng của bệnh đậu mùa khỉ tự mất đi trong vòng vài tuần nhưng ở một số người, chúng có thể dẫn đến các biến chứng y khoa và thậm chí là tử vong.

Trẻ sơ sinh, trẻ em và người có bệnh nền là suy giảm miễn dịch có thể có nguy cơ gặp triệu chứng nghiêm trọng hơn và tử vong do bệnh đậu mùa khỉ.

Biến chứng ở các ca bệnh đậu mùa khỉ nặng bao gồm nhiễm trùng da, viêm phổi, lú lẫn, nhiễm trùng mắt có thể dẫn đến mất thị giác.

Có khoảng 3 – 6% ca bệnh được báo cáo đã dẫn đến tử vong ở các nước có bệnh lưu hành trong thời gian gần đây, thường ở trẻ em hay người có bệnh lý khác.

“Cần chú ý là tỷ lệ tử vong này có thể cao hơn thực tế do hoạt động giám sát ở các nước lưu hành bệnh còn hạn chế”, WHO khuyến cáo.

 

Điều tra về nguồn lây tại các nước bệnh chưa từng lưu hành

Từ năm 1970, các ca bệnh bệnh đậu mùa khỉ ở người đã được báo cáo tại 11 quốc gia châu Phi. Thỉnh thoảng cũng có ca bệnh ở các nước không có bệnh lưu hành. Hiện, một số nước không có bệnh lưu hành đã báo cáo ca bệnh trong tháng 5 này. Hơn 10 quốc gia tại các khu vực không lưu hành bệnh đã báo cáo có ca bệnh. “Các ca bệnh mắc thêm đang được điều tra”, WHO cho hay.

Theo Bộ Y tế, hiện trong nước đã sẵn sàng các các điều kiện cho việc tiếp nhận các sinh phẩm xét nghiệm chẩn đoán vi rút gây bệnh đậu mùa khỉ. Việt Nam chưa từng ghi nhận ca bệnh này

Về nguy cơ đậu mùa khỉ tại Việt Nam, một chuyên gia về dịch tễ đánh giá: “Không loại trừ Việt Nam có ca bệnh xâm nhập trong bối cảnh đang dần mở rộng giao lưu, đi lại sau khi áp dụng các biện pháp phòng chống dịch Covid-19“.

Đậu mùa khỉ lây lan từ động vật sang người. Vật chủ mang vi rút gây bệnh là loài gặm nhấm và linh trưởng.

Nguy cơ mắc bệnh đậu mùa khỉ từ động vật có thể giảm được bằng cách tránh tiếp xúc mà không có sử dụng bảo hộ cá nhân với động vật hoang dã, đặc biệt là động vật bị ốm hoặc đã chết (bao gồm cả thịt và máu của chúng).

Người nhiễm bệnh có thể lây sang người khác.

Nếu bản thân nghi ngờ có những triệu chứng có thể là bệnh đậu mùa khỉ nên thông báo với cán bộ y tế để được tư vấn.

Trẻ nhỏ thường dễ mắc các triệu chứng nghiêm trọng hơn so với trẻ vị thành niên và người trưởng thành. Vi rút có thể truyền sang bào thai hoặc trẻ sơ sinh trong quá trình sinh nở hoặc tiếp xúc.

(Tổ chức Y tế thế giới)

 

LIÊN CHÂU

TNO