25/12/2024

Tôi đã ‘dừng cuộc chơi’ làm tiến sĩ

Tôi đã ‘dừng cuộc chơi’ làm tiến sĩ

Nghiên cứu khoa học nghiêm túc chưa bao giờ và sẽ không bao giờ là một việc ai đó có thể “làm thêm” khi đang lo một công việc khác toàn thời gian.

 

 

Tôi đã dừng cuộc chơi làm tiến sĩ - Ảnh 1.

Tôi đã từng “mộng mơ” (và cả ngây thơ) khi nghĩ rằng vì công việc đang làm có liên quan nhiều tới mảng nghiên cứu của luận án nên có thể kết hợp “một công đôi việc”. Và rồi sau hơn hai năm rưỡi nỗ lực đeo đuổi luận án tiến sĩ, tôi phải đi đến quyết định “dừng cuộc chơi” vì không thể làm tốt cả hai.

Tôi hiểu mình sẽ không đóng góp được gì cho khoa học nếu cứ chỉ làm luận án theo kiểu part-time như vậy.

Ảo tưởng về thời gian, sức lực

Nghĩ về những điều kiện khách quan cho luận án tiến sĩ “hụt” đó, tôi thấy mình có những thuận lợi và may mắn nhất định không phải ai cũng có được. Tôi được chuyển tiếp thẳng làm nghiên cứu sinh sau khi có bằng thạc sĩ. Cơ quan nơi tôi làm việc khi ấy rất ủng hộ nhân viên có điều kiện học tập nâng cao trình độ. Họ thậm chí đã có công văn hứa hỗ trợ một nửa tiền học phí toàn bộ quá trình làm luận án nếu tôi lấy được bằng tiến sĩ (dĩ nhiên tôi phải tự đóng tiền học trong suốt thời gian khi chưa có bằng).

Cũng phải nói thêm là việc học này không có ý nghĩa gì trong việc được nâng lương, thăng chức ở cơ quan cũ.

Tôi còn may mắn hơn nữa khi có được một người thầy hướng dẫn nghiên cứu khoa học rất tận tụy, giỏi nghề, một người nổi tiếng trong giới không tư túi hay hạch sách nọ kia với học viên.

Lúc đó tôi chọn nghiên cứu về tính kỳ ảo trong văn học trung đại, một đề tài sẽ cần phải đọc rất nhiều tài liệu từ văn chương cổ Trung Quốc cho tới văn học phi lý phương Tây.

Thầy hướng dẫn là một nhà Hán Nôm học, từng thỉnh giảng ở Mỹ, rất giỏi chữ Hán cổ, tiếng Trung hiện đại và tiếng Anh. Thầy đòi hỏi nghiên cứu sinh phải tiếp cận tài liệu gốc tối đa trong nghiên cứu. Ngay buổi đầu gặp trao đổi, thầy đã giao cho “một mớ” tài liệu tiếng Trung, tiếng Anh và các tựa sách nghiên cứu khác liên quan đề tài để đọc.

Cuộc “vật lộn” với khoa học từ đây, khởi đầu với việc thâu nạp hai ngoại ngữ sao cho đủ dùng để nghiên cứu. Thực tế, nếu chỉ chuyên chú một việc làm luận án thì chừng đó thách thức cũng đã là “hơi nhiều”. Khi đối diện nó, một bà mẹ có con nhỏ đang làm việc toàn thời gian như tôi đã thấy hơi lo. Nhưng có lẽ niềm kiêu hãnh tuổi trẻ và cả những ảo tưởng về quỹ thời gian vô tận đã khiến tôi tiếp tục bước tới, đúng kiểu “điếc không sợ súng”.

Dồn sức lực, thời gian có được ngoài những giờ làm việc và lo cho con cái, gia đình vào luận án, tôi đã vượt qua được chặng đường hơn 2,5 năm với quyết tâm và nỗ lực như vậy. Nhưng tôi cảm thấy có gì đó “sai sai” trong quyết định theo đuổi một việc dường như đang vượt quá sức chịu đựng. Những lúc xuất hiện ý nghĩ từ bỏ, cái tôi lại vùng dậy bao biện, thanh minh, và một chữ “tiếc” luôn hiện lên trì níu vì dù gì cũng đã vượt qua được chừng ấy rồi sao không cố nốt…

 

Không thể làm khoa học “part-time”

Nếu không phải cuộc sống riêng bất chợt có biến cố lớn khiến tôi phải rời Hà Nội vào TP.HCM công tác, có lẽ tôi đã vẫn cố đeo đuổi giấc mơ tiến sĩ cho tới tận cùng. Dĩ nhiên chuyện này không ảnh hưởng gì đến việc làm luận án nếu tôi vẫn có đủ sức lực và thời gian.

Thế nhưng cuộc sống mới ở môi trường mới với những thay đổi rất lớn buộc phải thích nghi, tồn tại giống như “chiếc áo” cuối cùng làm quật ngã “con lừa” tôi vốn đã oằn lưng muốn khuỵu lúc ấy.

Tôi vẫn nhớ những email thi thoảng nhận được từ thầy hướng dẫn. Những lời hỏi han, động viên của thầy luôn khiến tôi tự thấy xấu hổ vì mình tệ quá. Cảm giác phải làm một người mình vô cùng kính trọng thất vọng cho tới giờ vẫn còn trong lòng tôi.

Sau những ngày làm việc quần quật bở hơi tai và trở về với những lo toan cho con, tôi hiểu mình không thể tiếp tục mãi. Những ngày tranh thủ ngồi đọc tư liệu ở Thư viện Khoa học tổng hợp TP.HCM tôi đã nghĩ rất nhiều để rồi quyết định phải dừng. Thực sự không ai bắt tôi phải làm điều đó, nhưng tôi hiểu mình sẽ không đóng góp được gì cho khoa học nếu cứ chỉ làm luận án theo kiểu “part-time” như vậy.

Tự chọn rời bỏ chặng đường sau hơn 2,5 năm theo đuổi với kha khá thời gian, sức lực và tiền học phí, tôi buồn và tiếc rất nhiều. Cũng chạnh lòng khi thấy nhiều bạn cùng lớp nay đã thành ông/bà tiến sĩ, nhưng nhẹ lòng hơn khi hiểu rằng họ đều đã chỉ làm một việc là nghiên cứu hoặc giảng dạy, và chỉ có thế mới chuyên tâm để đi sâu và có thành tựu.

 

Trầm cảm vì lao lực

Mấy bữa trước tôi nói chuyện với một bạn cùng lớp đại học hiện là tiến sĩ giảng dạy tại Mỹ. Bạn kể hồi làm luận án tiến sĩ về điện ảnh xong, bạn bị trầm cảm sau một thời gian quá lao lực vì nghiên cứu.

Cô bạn so sánh tình trạng đó với trầm cảm sau sinh và bảo “giờ thì bạn hiểu cái cảm giác vì sao lúc đó bạn không muốn nhìn lại luận án nữa vì mình thực sự đã quá cực vì nó”. Nhưng luận án của bạn đã được đánh giá rất cao, bạn trở thành chuyên gia trong lĩnh vực nghiên cứu của mình. Cũng cô bạn ấy hồi xưa từng nói với tôi khi đang làm nghiên cứu ở Mỹ: “Bạn ơi, cái mới trong khoa học khó lắm, mới bằng cái tăm thôi cũng quý lắm rồi”.

ĐỖ DƯƠNG
TTO