26/12/2024

Nguyên nhân không ngờ gây ngộ độc từ rượu ‘thuốc’ tự ngâm

Nguyên nhân không ngờ gây ngộ độc từ rượu ‘thuốc’ tự ngâm

Việc sử dụng rượu tự ngâm các loại các cây, con và các bộ phận của động vật, côn trùng, có thể chịu hậu quả đáng tiếc do không kiểm soát được độc tố.

 

 

 

Hôn mê não sau dùng rượu “dưỡng” khớp

TS Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai), cho biết Trung tâm Chống độc đang điều trị cho 2 bệnh nhân nam giới 50 tuổi và 60 tuổi nhập viện ngày 1.5 và 6.5 do bị ngộ độc sau khi uống một loại rượu ngâm với rễ cây tự đào trên rừng về để chữa đau lưng, đau khớp gối.

Trong đó, có trường hợp ông Trương Văn Đ. (60 tuổi, ở Nghệ An). Trước nhập viện, nghe theo lời mách của một “bà dân tộc”, ông Đ. lên rừng đào rễ cây về ngâm rượu uống chữa bệnh xương khớp tại nhà.

Nguyên nhân không ngờ gây ngộ độc từ rượu 'thuốc' tự ngâm - ảnh 1
TS – BS Nguyễn Trung Nguyên trao đổi về hình ảnh phim chụp não bị tổn thương của bệnh nhân ngộ độc Salicylate sau khi dùng rượu bổ tự ngâm

MAI THANH

Sau 10 ngày sử dụng rượu tự ngâm khoảng 50 ml/ngày, bệnh nhân xuất hiện triệu chứng chóng mặt, choáng váng, buồn nôn, huyết áp tăng cao.

Bệnh nhân được gia đình đưa đến bệnh viện địa phương cấp cứu nhưng tình trạng càng tăng nặng, xuất hiện cơn co quắp chân tay khoảng 30 phút nên bệnh nhân đã được chuyển lên tuyến cao hơn và tiếp tục được chuyển đến Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội).

Đến sáng nay 19.5, bệnh nhân này vẫn trong tình trạng hôn mê do nhiễm độc nặng.

Cũng bị ngộ độc do uống rượu ngâm rễ cây rừng đang điều trị tại Trung tâm Chống độc là bệnh nhân Lê Bá T. (50 tuổi, cũng ở Nghệ An).

Khoảng 5 ngày trước khi phải nhập viện, bệnh nhân T. uống rượu ngâm rễ cây rừng theo lời mách để chữa bệnh xương khớp, liều dùng khoảng 150 ml/ngày.

Vợ ông T. cho biết, sau 3 ngày uống rượu ngâm rễ cây, bệnh nhân xuất hiện chóng mặt, đau bụng thượng vị, buồn nôn nhưng vẫn đi biển. Trên tàu, bệnh nhân xuất hiện đau bụng dữ dội, buồn nôn và nôn nhiều nên được đưa đi cấp cứu và chuyển đến Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai.

Theo TS Trung Nguyên, với 2 bệnh nhân trên, sau khi uống được 5 ngày đều có biểu hiện chóng mặt, buồn nôn, ù tai, khó thở, thở nhanh và đến viện trong tình trạng toan chuyển hóa nặng, hôn mê, có tổn thương não.

 

Giảm đau là độc chất

Xét nghiệm mẫu rượu bệnh nhân mang đến và xét nghiệm máu của bệnh nhân phát hiện Salicylate có nguồn gốc từ rễ cây.

“Đây là một loại thuốc giảm đau có trong nhiều loại cây cỏ tự nhiên, có thể được dùng để chữa giảm đau, tuy nhiên nó có độc tính nhất định nếu việc kiểm soát không đảm bảo về liều lượng, cách dùng. Do đó, nếu chúng ta uống các loại rượu ngâm một cách thoải mái như thế này thì rất dễ bị ngộ độc”, TS Nguyên lo ngại.

Theo chuyên gia chống độc, ngộ độc Salicylate có thể dẫn đến những hậu quả nặng nề cho sức khỏe. Bệnh nhân chóng mặt, buồn nôn, ù tai, co giật, hôn mê, tụt huyết áp, có tổn thương não và tổn thương thận, rất dễ tử vong.

“2 ca ngộ độc trên là trường hợp dễ phát hiện, có thể xử lý được. Nhiều trường hợp phức tạp khác bởi trong tự nhiên có quá nhiều hợp chất, các chất khác nhau mà chúng ta không biết được”, bác sĩ Trung Nguyên chia sẻ.

Giám đốc Trung tâm Chống độc lưu ý thêm, hiện việc ngâm rượu để xoa bóp và uống tại nhà rất phổ biến. Để đảm bảo an toàn khi sử dụng, dù là thảo dược nhưng đó cũng là thuốc bởi trong đó có nhiều hoạt chất khác nhau mà chúng ta không biết hết được. Do đó, việc ngâm hàm lượng bao nhiêu, sử dụng như thế nào cũng cần có sự tư vấn của bác sĩ. Nếu chúng ta sử dụng một cách vô tư, rất dễ bị ngộ độc, ảnh hưởng đến sức khỏe và tính mạng.

Theo Cục An toàn thực phẩm, nhiều lầm tưởng về cây, con có tác dụng bồi bổ sức khỏe, trị bệnh, và hoàn toàn vô hại. Tuy nhiên, các nguyên liệu đó có thể chứa độc chất tự nhiên mà người dùng không nhận biết được. Do đó, rượu “bổ” nếu không được kiểm soát lại là rượu độc.

Không uống rượu nồng độ từ 30 độ trở lên vượt quá 30 ml/người/ngày.

Không uống rượu ngâm theo kinh nghiệm cá nhân; không uống rượu ngâm với lá, rễ cây, phủ tạng động vật vì không rõ độc tính.

Không uống rượu khi: không biết đó là rượu gì, rượu không có nguồn gốc, rượu không công bố tiêu chuẩn chất lượng, khi đang đói, mệt hoặc đang uống thuốc điều trị.

Trẻ em dưới 16 tuổi không được uống rượu bia.

Nếu có những triệu chứng khác thường sau khi uống rượu cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu, điều trị kịp thời.

(Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế)

LIÊN CHÂU

TNO