26/12/2024

Tố giác tội phạm qua mạng xã hội

Tố giác tội phạm qua mạng xã hội

Hơn 1 năm triển khai, Công an TP.HCM đã đưa vào sử dụng 29 trang mạng xã hội thuộc các phòng nghiệp vụ, công an quận huyện và 52 trang, hội nhóm của công an cấp phường, xã.

 

 

 

Các trang mạng xã hội (MXH) này được lập trên ứng dụng Zalo, Facebook, YouTube nhằm tiếp nhận thông tin tố giác tội phạm, tuyên truyền các quy định pháp luật, cảnh báo thủ đoạn của tội phạm và hỗ trợ người dân các thủ tục hành chính.

Tố giác tội phạm qua mạng xã hội - ảnh 1
Ứng dụng Help 114 tiếp nhận, xử lý tất cả thông tin cháy nổ, cứu nạn, cấp cứu, an ninh trật tự  CHỤP MÀN HÌNH

Nhận hàng nghìn tin tố giác tội phạm qua MXH

Theo Công an TP.HCM, đến thời điểm hiện nay đã có 81 trang, hội nhóm trên các nền tảng như Zalo, Facebook, YouTube, ứng dụng đã phát huy hiệu quả trong việc tiếp nhận các thông tin từ người dân tố giác tội phạm, hành vi vi phạm pháp luật.

Thông qua các trang MXH, Công an TP.HCM đã tiếp nhận 3.079 tin báo của người dân liên quan an ninh trật tự và các nội dung khác liên quan công tác công an.

Theo Công an TP.HCM, trong 81 trang MXH có những kênh đạt hiệu quả, lượng tương tác với người dân cao (thu hút được hơn 4,3 triệu lượt xem, 161.989 lượt theo dõi và 284.762 lượt tương tác). Điển hình như nhóm Zalo của Phòng CSGT đường bộ, đường sắt (PC08) đã tích hợp với cổng dịch vụ công quốc gia để cung cấp đến người dân tính năng nộp phạt trực tuyến, đăng ký xe trực tuyến; trang Zalo của Phòng Cảnh sát PCCC – CNCH (PC07) kết nối ứng dụng “Help 114”, “báo cháy 114”, giúp người dân nắm bắt thông tin về các vụ cháy, nổ, tai nạn, sự cố…

Tố giác tội phạm qua mạng xã hội - ảnh 2
Trang Zalo “Phòng CSGT ĐB-ĐS CATP.HCM” tiếp nhận, xử lý thông tin nhanh, hiệu quả, đảm bảo bí mật người cung cấp thông tin

Theo PC07 Công an TP.HCM, Help 114 còn tiếp nhận hàng nghìn thông tin về các sự việc trộm cướp, tai nạn giao thông, cấp cứu y tế, hành vi vi phạm pháp luật khác từ người dân gửi về. Sau khi tiếp nhận thông tin về an ninh trật tự, cấp cứu y tế qua Help 114, Trung tâm chỉ huy 114 sẽ chuyển sang cho tổng đài 113, 115 để xử lý kịp thời.

Liên quan tính xác thực tin báo, bảo mật cho người báo tin, lãnh đạo PC07 Công an TP.HCM cho biết, ứng dụng Help 114 có tính năng gọi video, chuyển hình ảnh từ hiện trường và định vị vị trí báo tin. Chính vì thế, khi nhận thông tin, cán bộ trực sẽ đối chiếu hình ảnh và vị trí để xác thực thông tin, sau đó thông báo đến đơn vị gần nhất hỗ trợ. Tất cả thông tin, danh tính, số điện thoại cá nhân người dân báo tin qua ứng dụng Help 114 đều được đảm bảo bí mật theo đúng quy định.

Phòng PC08 Công an TP.HCM cho biết, thông qua nhóm Zalo “Phòng CSGT ĐB-ĐS CATP.HCM” của đơn vị này, PC08 sẽ tiếp nhận thông tin tai nạn, kẹt xe, đua xe trái phép… trên các tuyến đường và thông báo đến đơn vị phụ trách khu vực đó xử lý kịp thời. Bên cạnh đó, những thắc mắc của người dân về đóng phạt, các thủ tục hành chính, phạt nguội sẽ được cán bộ PC08 hướng dẫn cụ thể.

Liên quan các thông tin tố cáo, sau khi nhận thông tin, cán bộ quản lý trang Zalo sẽ tiếp nhận và hướng dẫn người dân đến Phòng PC08 để làm đúng thủ tục tố cáo, cung cấp chứng cứ theo đúng quy định. “Danh tính người dân phản ánh, tố cáo gửi đến nhóm Zalo của PC08 sẽ được giữ bí mật theo đúng quy định”, đại diện PC08 cho biết.

 

Người tố giác tội phạm được bảo vệ

Luật sư Trần Ngọc Hùng (Đoàn luật sư TP.Hà Nội) cho biết, tố giác tội phạm là quyền và nghĩa vụ của công dân. Bởi, trong một số trường hợp, công dân bắt buộc phải tố giác tội phạm, nếu không sẽ phạm vào tội “không tố giác tội phạm” theo quy định của bộ luật Hình sự. Vì vậy, người tố giác tội phạm cũng được quyền yêu cầu cơ quan chức năng giữ bí mật việc tố giác và được bảo vệ.

Theo luật sư Hùng, điều 56 bộ luật Tố tụng hình sự quy định người tố giác tội phạm có quyền yêu cầu cơ quan có thẩm quyền giữ bí mật việc tố giác, báo tin về tội phạm; bảo vệ tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, các quyền và lợi ích hợp pháp khác của họ, người thân thích của họ khi bị đe dọa. Đồng thời, điều luật cũng quy định cá nhân tố giác tội phạm, báo tin về tội phạm phải có mặt theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền giải quyết nguồn tin về tội phạm, trình bày trung thực về những tình tiết mà mình biết về sự việc.

“Người nào cố ý tố giác, báo tin về tội phạm sai sự thật thì tùy tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý, xử phạt vi phạm hành chính, thậm chí bị truy cứu trách nhiệm hình sự và có thể phải bồi thường thiệt hại cho người bị thiệt hại do hành vi cố ý tố giác, báo tin giả”, luật sư Hùng nói.

Luật sư Hùng cho biết thêm, nếu cá nhân báo tin giả, không đúng sự thật đến các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền, có thể bị xử phạt hành chính từ 2 – 3 triệu theo khoản 3, điều 7, Nghị định 144/2021; còn trường hợp bịa đặt người khác phạm tội và tố cáo họ ra trước cơ quan có thẩm quyền, hoặc bịa đặt hoặc loan truyền những điều biết rõ là sai sự thật nhằm xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự hoặc gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác, thì có thể bị xử lý hình sự về tội “vu khống”, với khung hình phạt cao nhất 7 năm tù.

Sẽ trở thành kênh thông tin đáng tin cậy

Theo Công an TP.HCM, mới hơn 1 năm đưa vào sử dụng, nhưng các ứng dụng, trang, hội nhóm trên MXH do cơ quan này quản lý đã trở thành kênh thông tin quen thuộc của người dân TP.HCM.

Thời gian tới, Công an TP.HCM sẽ nghiên cứu bổ sung các tính năng, tiện ích mới; đa dạng hóa các hình thức, nội dung đăng tải; phát triển thêm các trang MXH đến tất cả đơn vị công an cấp cơ sở; không ngừng tiếp thu, lắng nghe ý kiến từ người dân để các trang MXH hoạt động hiệu quả hơn, trở thành kênh thông tin chính thống, đáng tin cậy của người dân.

Trên website chính thức https://coquandieutravkstc.gov.vn, Cơ quan điều tra Viện KSND tối cao thông tin về việc có thẩm quyền điều tra tội phạm xâm phạm hoạt động tư pháp, tội phạm tham nhũng, chức vụ xảy ra trong hoạt động tư pháp mà người phạm tội là cán bộ, công chức thuộc cơ quan điều tra, viện kiểm sát, tòa án, cơ quan thi hành án và người có thẩm quyền tiến hành một số hoạt động tư pháp, khi tội phạm đó thuộc thẩm quyền xét xử của TAND.

Cơ quan điều tra Viện KSND tối cao rất mong nhận được các thông tin về tội phạm một cách kịp thời, đầy đủ. Do vậy, khi thông báo hoặc tố giác tội phạm, đề nghị người cung cấp các thông tin về thời gian, địa điểm, nội dung tin báo, tố giác; mô tả chi tiết đối tượng (nếu có thể); thông tin về những người chứng kiến (nếu có thể). Những nội dung thông tin không phù hợp sẽ tự động bị hủy bỏ.

Thông tin về người báo tin không bắt buộc phải cung cấp. Nếu người báo tin cung cấp thông tin cá nhân, các thông tin này sẽ được giữ bí mật và đảm bảo chỉ sử dụng vào mục đích phòng chống tội phạm của Cơ quan điều tra Viện KSND tối cao.

CÔNG NGUYÊN – PHAN THƯƠNG

TNO