28/12/2024

ĐTC Phanxicô – Bài Giáo lý: Tuổi già theo gương Giuđitha

Giuđitha không phải là một người hưu trí sống trong sự trống rỗng mà nó mang lại một cách u uất: bà là một phụ nữ trưởng thành đầy nhiệt huyết và luôn lấp đầy thời gian mà Chúa ban cho bà với nhiều hồng ân.

ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ

TIẾP KIẾN CHUNG

Quảng trường Thánh Phêrô
Thứ Tư, 11 tháng 5 năm 2022

____________________________

Loạt Bài Giáo lý Linh hứng trong Lời Chúa về ý nghĩa và giá trị của tuổi già.
Bài 9. Tuổi già theo gương Giuđitha

Bài đọc trước bài giáo lý được trích từ sách Giu-đi-tha (Gđt 16,21.23-24) :

Sau những ngày đó, ai nấy trở về phần đất gia nghiệp của mình. Bà Giu-đi-tha trở lại Bai-ty-lu-a và cư ngụ trong phần đất bà vẫn có. Ngay trong buổi sinh thời, tiếng tăm bà đã lừng lẫy khắp nơi. Danh tiếng bà mỗi ngày một thêm lừng lẫy. Bà sống tại nhà chồng bà, tuổi đời rất cao, thọ được một trăm lẻ năm tuổi . Bà trả tự do cho người nữ tỳ. Cuối cùng bà qua đời ở Bai-ty-lu-a và được chôn cất trong hang mộ bên cạnh ông Mơ-na-se, chồng bà. Nhà Ít-ra-en khóc thương bà suốt bảy ngày. Trước khi nhắm mắt, bà Giu-đi-tha đã phân phát của cải cho tất cả bà con bên chồng cũng như cho thân quyến của bà. 

Bài giáo lý của Đức Thánh Cha

Anh chị em thân mến, chào anh chị em buổi sáng!

Hôm nay chúng ta sẽ nói về Giuđitha, một nữ anh hùng trong Kinh thánh. Phần kết của cuốn sách mang tên bà – chúng ta đã nghe một đoạn văn – tóm tắt phần cuối cùng trong cuộc đời của người phụ nữ này, người đã bảo vệ Israel khỏi kẻ thù. Giuđitha là một góa phụ Do Thái trẻ tuổi và nhân đức, nhờ đức tin, sắc đẹp và sự khôn khéo của mình, đã cứu thành phố Bethulia và người dân Giuđa khỏi sự bao vây của Hôlôphécnê, tướng của Nabucôđônôxo vua của Assyria, một kẻ thù hống hách và khinh thường Thiên Chúa. Và như vậy, với cách hành động sắc sảo của mình, bà đã có thể chặt đầu kẻ độc tài chống lại đất nước. Người phụ nữ này dũng cảm và bà có đức tin…

Sau cuộc phiêu lưu tuyệt vời của mình, Giuđitha trở về sống ở thị trấn Bethulia của bà, nơi bà sống tốt đẹp tuổi già của mình, cho đến khi một trăm lẻ năm tuổi. Như vẫn xẩy ra với nhiều người: đôi khi sau một cuộc sống làm việc miệt mài, đôi khi sau một cuộc phiêu lưu mạo hiểm, hoặc một cuộc sống cống hiến lớn lao. Tính anh hùng không chỉ bao gồm những biến cố vĩ đại dưới ánh đèn sân khấu, chẳng hạn như tính anh hùng của Giuđitha, người đã giết chết tên độc tài; người ta thường thấy tính anh hùng này trong tình yêu bền bỉ biểu lộ trong một gia đình khó khăn và nhân danh một cộng đồng đang bị đe dọa.

Giuđitha đã sống hơn một trăm năm, một phước lành đặc biệt. Nhưng ngày nay việc sống nhiều năm sau khi nghỉ hưu không phải là hiếm. Làm thế nào để chúng ta giải thích, làm thế nào để chúng ta tận dụng tối đa khoảng thời gian mà chúng ta có này? Tôi sẽ nghỉ hưu hôm nay và sẽ còn nhiều năm trước mắt, và tôi có thể làm gì, trong những năm này? Làm thế nào tôi có thể lớn lên – về độ tuổi, điều tự nó chăm sóc nó; nhưng làm thế nào tôi có thể lớn lên về thế giá, về thánh thiện, về khôn ngoan?

Viễn ảnh hưu trí, đối với nhiều người, trùng hợp với viễn ảnh được nghỉ ngơi xứng đáng và chờ đợi từ lâu sau các hoạt động đòi hỏi nhiều sức lực và mệt mỏi. Nhưng điều cũng xảy ra là việc kết thúc công ăn việc làm có thể là nguồn gốc cho sự lo lắng và kèm theo một số bối rối. “Tôi sẽ làm gì, lúc này khi cuộc sống của tôi sẽ trống rỗng bởi những gì từng lấp đầy nó đã quá lâu?”: Đấy là vấn đề. Công việc hàng ngày cũng có nghĩa là một mớ liên hệ, sự hài lòng trong việc kiếm sống, trải nghiệm có được một vai trò, được công nhận xứng đáng, một công việc toàn thời gian vượt ngoài giờ làm việc một mình.

Chắc chắn có nhiệm vụ, vui và mệt mỏi, là trông nom các cháu, và ngày nay ông bà có vai trò rất quan trọng trong gia đình trong việc giúp đỡ nuôi dạy các cháu; nhưng chúng ta biết rằng ngày nay trẻ em được sinh ra ngày càng ít và cha mẹ thường phải ở cách xa, vì phải di dời nhiều hơn, với những điều kiện công việc và nhà ở không thuận lợi. Đôi khi, họ cũng miễn cưỡng hơn phải dành chỗ cho ông bà trong việc giáo dục, chỉ cung cấp những gì liên quan chặt chẽ với nhu cầu hỗ trợ. Nhưng có người đã mỉa mai nói với tôi, “Ngày nay, trong hoàn cảnh kinh tế xã hội này, ông bà càng quan trọng hơn vì họ có lương hưu”. Người ta nghĩ như vậy đó. Có những nhu cầu mới, cũng trong lĩnh vực giáo dục và liên hệ gia đình, đòi hỏi chúng ta phải định hình lại mối liên hệ truyền thống giữa các thế hệ.

Tuy nhiên, chúng ta hãy tự hỏi mình: liệu chúng ta có đang nỗ lực để “định hình lại” hay không? Hay đơn giản là chúng ta phải chịu sức ì của các điều kiện vật chất và kinh tế? Trên thực tế, sự sống chung của các thế hệ đang ngày càng kéo dài. Chúng ta có cùng nhau cố gắng làm cho những điều kiện này trở nên nhân bản hơn, yêu thương hơn, công bằng hơn, theo những điều kiện mới của xã hội hiện đại không? Đối với ông bà, một phần quan trọng trong thiên chức của các ngài là hỗ trợ con trai và con gái trong việc nuôi dạy con cái của chúng. Những đứa trẻ nhỏ học được sức mạnh của sự dịu dàng và việc tôn trọng sự yếu đuối: những bài học không thể thay thế được, dễ dàng được truyền đạt và tiếp nhận hơn với ông bà. Về phần mình, ông bà học được điều này: sự dịu dàng và yếu đuối không chỉ là dấu hiệu của sự suy giảm: đối với những người trẻ tuổi, chúng là những điều kiện nhân bản hóa tương lai.

Giuđitha đã sớm góa bụa và không có con, nhưng, là một phụ nữ lớn tuổi, bà đã có thể sống một mùa viên mãn và thanh thản, vì biết rằng bà đã sống hết mình với sứ mệnh mà Chúa đã giao phó cho bà. Đã đến lúc bà để lại di sản tốt đẹp của khôn ngoan, dịu dàng và những hồng ân cho gia đình và cộng đồng của bà: di sản của lòng tốt chứ không phải chỉ là di sản của cải. Khi chúng ta nghĩ về một di sản, đôi khi chúng ta chỉ nghĩ đến của cải, chứ không nghĩ đến lòng tốt đã được thực hiện trong tuổi già và lòng tốt đã được gieo vãi, lòng tốt này mới là di sản tốt nhất mà chúng ta có thể để lại.

Chính trong tuổi già, Giuđitha đã “ban quyền tự do cho người hầu gái sủng ái của mình.” Đây là một dấu hiệu của một phương thức ân cần và nhân bản đối với những người đã từng thân thiết với bà. Người hầu gái này đã đồng hành cùng bà tại thời điểm của cuộc phiêu lưu trên, để chiến thắng tên độc tài và cắt cổ hắn. Khi chúng ta già, chúng ta mất đi một phần thị giác, nhưng cái nhìn bên trong của chúng ta trở nên xuyên suốt hơn – người ta nhìn bằng trái tim. Chúng ta trở nên có khả năng nhìn thấy những thứ trước đây đã trốn tránh chúng ta. Người già biết nhìn ra sao, và họ biết cách nhìn… Đúng là: Chúa không chỉ giao tài năng của Người cho những người trẻ tuổi và mạnh mẽ. Người có tài năng dành cho mọi người, phù hợp với từng người, cả người già nữa. Cuộc sống của cộng đồng chúng ta phải biết cách hưởng lợi từ tài năng và sức mạnh của rất nhiều người cao niên đã về hưu, họ vốn là một kho báu đáng được trân trọng. Về phía bản thân những người cao niên, điều này đòi hỏi một sự quan tâm sáng tạo, một sự quan tâm mới, một sự sẵn sàng quảng đại. Các kỹ năng trước đây của cuộc sống hoạt động mất đi tính bắt buộc của chúng và trở thành nguồn lực để cho đi: dạy dỗ, tư vấn, xây dựng, quan tâm, lắng nghe… dành ưu tiên cho những người thiệt thòi nhất không có khả năng học tập hoặc bị bỏ rơi trong sự cô đơn của họ.

Giuđitha đã giải phóng người giúp việc của mình và quan tâm lưu ý đến mọi người. Khi còn là một phụ nữ trẻ, bà đã giành được sự tôn trọng của cộng đồng bằng lòng dũng cảm của mình. Khi là một người phụ nữ lớn tuổi, bà nhận được sự kính trọng vì bà làm giàu cho sự tự do và tình cảm của họ bằng sự dịu dàng của mình. Giuđitha không phải là một người hưu trí sống trong sự trống rỗng mà nó mang lại một cách u uất: bà là một phụ nữ trưởng thành đầy nhiệt huyết và luôn lấp đầy thời gian mà Chúa ban cho bà với nhiều hồng ân. Anh chị em nên nhớ rằng: một trong những ngày này, anh chị em hãy cầm lấy Kinh thánh và hãy đọc Sách Giuđitha: nó rất ngắn, anh chị em có thể đọc nó… nó chỉ dài có mười trang, không hơn. Anh chị em hãy đọc câu chuyện về một người phụ nữ can đảm, người đã kết thúc như thế này: với sự dịu dàng, độ lượng, một người phụ nữ xứng đáng. Và đây là cách mà tôi muốn tất cả các bà nội ngoại của chúng ta trở thành: can đảm, khôn ngoan, và là người để lại cho chúng ta không phải tiền bạc, mà là di sản của khôn ngoan, được gieo vào lòng các cháu của họ. Cảm ơn anh chị em.

Bản dịch Việt ngữ: Vũ Văn An
Nguồn: http://www.vietcatholicnews.org/