Côn Đảo – ‘địa ngục trần gian’, đi dễ khó về từ thời vương triều Nguyễn
Côn Đảo – ‘địa ngục trần gian’, đi dễ khó về từ thời vương triều Nguyễn
Cuối thập niên 1830, số tội phạm bị đày ra Côn Đảo khá nhiều. Vua Minh Mạng cử Thị vệ Tôn Thất Hạ “đi do thám tình hình về nói rằng: dân sở tại có đến 200 người, những tù phạm đưa đến cũng nhiều…”.
Khoảng thời gian dưới triều vua Minh Mạng (1820 – 1841), Côn Đảo có nhiều biến chuyển về mặt hành chánh và tổ chức phòng bị. Đầu thập niên 1830, Côn Đảo và Hà Tiên – Phú Quốc được gọi là “thủ” (thủ sở Côn Lôn), với nghĩa là những cơ sở có đặt quân đội để phòng thủ.
Đề đốc Bonard, người ký quyết định đầu tiên thành lập trại giam Côn Đảo vào tháng 2.1862 FLICKR MANHHAI |
Nhiều trường hợp bọn hải tặc quấy nhiễu vùng ven biển Gia Định, bị quân triều đình đánh đuổi, lại chạy ra Côn Đảo, đốt nhà, cướp của, như trường hợp đã xảy ra vào tháng 9 nhuận năm 1832. Tháng 2 âm lịch năm 1836, để tăng cường phòng thủ đảo, triều đình cho “xây dựng đồn bảo Thanh Hải và pháo đài Thanh Hải ở đảo Côn Lôn thuộc Gia Định (bốn mặt đồn bảo đều dài 12 trượng, cao 5 thước, chân rộng 6 thước 3 tấc. Đàng trước và đàng sau đều mở một cửa). Pháo đài xây ở phía nam đồn bảo…” (Đại Nam thực lục – Tập 4 – NXB Giáo dục – Hà Nội 2007, trang 872 -873).
Pháo đài làm xong, theo lời tấu của Bộ Binh, triều đình cử ra Côn Đảo một suất đội và 50 lính thuộc tỉnh Gia Định, cấp cho thuyền và khí giới, mỗi năm thay phiên một lần. Cũng trong năm này, lần đầu tiên người ta đọc thấy tin một số đội trưởng, lại dịch phạm tội bị phát vãng (đày đi xa) đi làm lính ở Côn Lôn. “Đây có lẽ là bước đầu triều đình muốn biến hòn đảo xa này thành nơi lưu đày bọn tội phạm trên đất liền” (Đại Nam thực lục – tập 4 – NXB Giáo dục – Hà Nội 2007, trang 989).
Đến cuối thập niên 1830, số tội phạm bị đày ra Côn Đảo đã khá nhiều. Tháng 4 âm lịch 1840, vua Minh Mạng cử Thị vệ Tôn Thất Hạ “đi ra đảo Côn Lôn, tỉnh Vĩnh Long do thám tình hình. Về nói rằng: dân sở tại có đến 200 người, những tù phạm đưa đến cũng nhiều; mà những ruộng hiện đã khai khẩn, ước được 150 mẫu…” (Đại Nam thực lục – tập 5 – NXB Giáo dục Hà Nội 2007, trang 710).
Tháng 7 âm lịch năm 1839, theo lời bàn của Bố chánh tỉnh Gia Định là Hoàng Quýnh “đảo Côn Lôn cách Gia Định xa mà đến Vĩnh Long thì gần, nghĩ nên cho đổi thuộc về tỉnh này cho tiện” (Đại Nam thực lục – tập 5 – NXB Giáo dục – Hà Nội 2007, trang 538), vua Minh Mạng chấp thuận.
Đến tháng 10 âm lịch 1840, con số cư dân Côn Đảo do tỉnh thần Vĩnh Long báo cáo đã cụ thể hơn, trên đảo có 205 thường dân và 210 tù phạm. Trại giam được đặt dưới quyền điều hành của một quan lại xếp vào hàng Chánh bát phẩm thư lại, chịu trách nhiệm trực tiếp với Tổng đốc tỉnh Vĩnh Long về cả hai mặt quân sự và hành chánh.
Quyết định số 35 ngày 1.2.1862 của Đề đốc Bonard thành lập trại giam tại Côn Đảo (Công báo quân viễn chinh Nam kỳ – BOEC – số 3/1862) TƯ LIỆU RIÊNG LÊ NGUYỄN |
Dưới quyền “quan Chánh” (chánh bát phẩm thư lại) có 80 binh lính chia thành hai hạng: Hạng lính hầu, bao gồm chủ yếu dân địa phương; Hạng quản tù do triều đình cử đến đảo để giám thị tù nhân. Quân lính coi tù trên đảo không được trang bị súng ống, vũ khí của họ chỉ có gươm giáo mà thôi (Nguyễn Minh Nhựt – Tổ chức lao tù Poulo – Condor thời Pháp thuộc – 1861 – 1945 – Tiểu luận Cao học sử – Đại học Văn khoa Sài Gòn 1972, bản in roneo, trang 12).
Năm 1859, quân đội Pháp nổ súng tấn công Sài Gòn, phá hủy thành Gia Định rồi rút trở ra Đà Nẵng. Hai năm sau (1861), họ quay lại tấn công Đại đồn Chí Hòa của triều đình, chiếm cứ toàn bộ thành phố Sài Gòn và lần lượt 4 tỉnh Biên Hòa, Gia Định, Định Tường, Vĩnh Long rơi vào tay họ.
Một số tù nhân ở Côn Đảo năm 1902 FLICKR MANHHAI |
Ngày 1.2.1862, nghĩa là hơn 4 tháng trước khi đại diện hai chánh phủ Việt-Pháp ký hòa ước Nhâm Tuất 5.6.1862 (theo đó phía Việt Nam nhượng cho Pháp ba tỉnh miền Đông Nam kỳ và đảo Côn Lôn), Đề đốc Bonard đã ký Quyết định thành lập một trại giam tại Côn Đảo (Pulo-Condore). Việc trông coi tù được giao cho các quan binh Việt Nam đã đầu hàng tại đảo, dưới quyền điều hành của một sĩ quan Pháp là giám đốc trại giam.
Từ thời điểm đó, một chương mới đã mở ra cho hòn đảo lịch sử Côn Đảo.
TNO