24/11/2024

Trẻ ho, sốt, tiêu chảy… đều dùng kháng sinh, nguy cơ kháng thuốc khiến bệnh nặng khó chữa

Trẻ ho, sốt, tiêu chảy… đều dùng kháng sinh, nguy cơ kháng thuốc khiến bệnh nặng khó chữa

Bộ Y tế đặt mục tiêu đến 2020 có 100% thuốc kháng sinh bán ra phải có đơn lưu tại quầy, nhà thuốc. Thế nhưng thực tế hiện nay, vẫn dễ dàng mua thuốc kháng sinh tại các hiệu thuốc khi có biểu hiện ho, sốt, sổ mũi, nguy cơ kháng thuốc về sau.

 

 

Trẻ ho, sốt, tiêu chảy... đều dùng kháng sinh, nguy cơ kháng thuốc khiến bệnh nặng khó chữa - Ảnh 1.

Nhân viên nhà thuốc tư vấn sử dụng thuốc kháng sinh cho trẻ khi ho, sốt, sổ mũi – Ảnh: DƯƠNG LIỄU

Tại Hội nghị khoa học điều dưỡng nhi khoa toàn quốc lần thứ XVI vừa diễn ra tại Hà Nội, bác sĩ Mai Thị Nhung, khoa nhi, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, cho biết có đến hơn 50% trẻ mắc viêm phế quản phổi tự dùng kháng sinh trước khi điều trị tại bệnh viện.

Theo khảo sát thực trạng sử dụng kháng sinh ở trẻ em bị bệnh viêm phế quản phổi tại khoa nhi, Bệnh viện Trung ương quân đội 108 từ tháng 6-2018 đến tháng 9-2019, tỉ lệ trẻ dùng kháng sinh trước khi vào viện ở mức cao.

“Trong 131 bệnh nhân được chẩn đoán viêm phế quản phổi, tỉ lệ trẻ tự dùng kháng sinh chiếm khoảng 50%. Việc tự ý dùng kháng sinh cho trẻ khi không có sự hướng dẫn của bác sĩ sẽ dẫn đến tác dụng phụ, đặc biệt là tình trạng kháng kháng sinh”, bác sĩ Nhung thông tin.

 

Ho, sốt, sổ mũi, tiêu chảy đều được tư vấn dùng kháng sinh

Theo ghi nhận của Tuổi Trẻ Online tại một số hiệu thuốc trên địa bàn Hà Nội, không khó để mua kháng sinh cho trẻ chỉ với một vài triệu chứng như ho, sổ mũi, sốt nhẹ.

“Trẻ bị ho, sốt, có sổ mũi, vậy chị nên dùng kháng sinh cho con nhanh khỏi”. Dứt lời, người bán thuốc này mang ra một hộp thuốc Crocin Kid – 100mg và giới thiệu trẻ có thể dùng thuốc này, không có tác dụng phụ.

Khi phóng viên đề cập đến việc dùng kháng sinh không có đơn của bác sĩ có vấn đề gì không thì người này nói: “Không sao, loại này phổ thông, chị cứ cho uống theo đúng liều lượng ghi trên thuốc là được”.

Theo tìm hiểu của phóng viên, thuốc Crocin Kid -100mg thuộc nhóm thuốc ETC – thuốc kê đơn dùng theo chỉ định của bác sĩ và dùng để điều trị những bệnh nhiễm khuẩn do những chủng vi khuẩn nhạy cảm gây ra.

Tại một cửa hàng thuốc khác, khi kể các triệu chứng trẻ bị nôn, tiêu chảy có nhầy cũng được người bán thuốc tư vấn: “Vậy thì uống kháng sinh cho nhanh khỏi, không kéo dài trẻ sẽ rất mệt”.

Việc tự ý kê kháng sinh cho trẻ tại các hiệu thuốc diễn ra phổ biến. Điều đáng nói, nhiều phụ huynh vẫn cho rằng việc dùng kháng sinh sẽ giúp trẻ nhanh khỏi bệnh và an toàn.

Bác sĩ Nguyễn Thị Việt Hà, trưởng khoa tiêu hóa, Bệnh viện Nhi trung ương, cho biết: “Sai lầm bố mẹ hay gặp khi con sốt, nôn, tiêu chảy… là tự ý dùng kháng sinh. Tại Việt Nam, tình trạng mua thuốc không cần đơn khá phổ biến. Bởi vậy, khi bố mẹ thấy con sốt, tiêu chảy luôn nghĩ đến nhiễm khuẩn và mua kháng sinh cho trẻ.

Tuy nhiên 50% các nguyên nhân tiêu chảy ở trẻ em là virus nên việc dùng kháng sinh không phù hợp dẫn đến loạn khuẩn đường ruột, gây ra các tác dụng phụ không mong muốn của thuốc kháng sinh.

Trong quá trình điều trị, chúng tôi cũng hay ghi nhận các thuốc kháng sinh không phù hợp. Nguy cơ lâu dài dẫn đến tình trạng kháng kháng sinh, ảnh hưởng đến việc điều trị cho trẻ”.

 

Tăng mức phạt lên 25 lần, nhưng…

Năm 2017, Bộ Y tế đã có đề án “Tăng cường kiểm soát kê đơn thuốc và bán thuốc kê đơn” với mục tiêu đến năm 2020 có 100% thuốc kháng sinh bán ra phải có đơn thuốc lưu tại quầy thuốc, nhà thuốc.

Năm 2020, nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế cũng đã tăng mức xử phạt với hành vi bán thuốc kê đơn khi không có đơn thuốc.

Cụ thể, phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi “bán thuốc kê đơn khi không có đơn thuốc”, đồng thời áp dụng hình thức xử phạt bổ sung: “Đình chỉ hoạt động của cơ sở trong thời hạn từ 6 tháng đến 9 tháng đối với hành vi quy định tại các điểm đ khoản 3 điều này”.

Trước đó, tại nghị định số 176/2013/NĐ-CP ngày 14-11-2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế quy định: “Cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 200.000 đồng đến 500.000 đồng đối với hành vi bán lẻ các loại thuốc phải kê đơn mà không có đơn của bác sĩ.

Như vậy, với mức phạt tiền hành vi bán thuốc kháng sinh không có đơn đã tăng 25 lần, áp dụng thêm hình thức xử phạt bổ sung nhằm xử lý hiệu quả đối với các cơ sở bán lẻ cố tình vi phạm và sớm thay đổi được nhận thức của người dân.

Thế nhưng, đến nay tình trạng bán thuốc kháng sinh không cần đơn vẫn diễn ra khá phổ biến.

Theo bác sĩ Nguyễn Huy Hoàng – Trung tâm Cao áp oxy Việt – Nga, “xử phạt hành chính, thậm chí đình chỉ hoạt động của các nhà thuốc vẫn không thể làm thay đổi thói quen dùng kháng sinh của người dân.

Vấn đề đặt ra là cần phải nâng cao nhận thức của người dân khi sử dụng thuốc kháng sinh. Khi nào người dân vẫn còn thói quen không đến cơ sở y tế để thăm khám và tự ý sử dụng kháng sinh thì tình trạng này vẫn còn diễn ra”, bác sĩ Hoàng nhận định.

DƯƠNG LIỄU
TTO