26/12/2024

Quá khổ vì chó thả rông: Vì sao khó xử lý?

Quá khổ vì chó thả rông: Vì sao khó xử lý?

Có hàng triệu người phải điều trị dự phòng bệnh dại. Đây là bệnh truyền nhiễm có số người tử vong cao nhất trong số các loại bệnh truyền nhiễm đang lưu hành tại Việt Nam, tuy nhiên công tác xử lý chó thả rông vẫn còn nhiều khó khăn.

 

 

Theo tiến sĩ Nguyễn Thị Thanh Hương (Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư), trên 2,5 triệu người phải điều trị dự phòng bệnh dại trong 5 năm qua (2017 – 2021) chiếm 2,25% dân số, cho thấy số người bị chó, mèo cắn vẫn rất lớn. Nếu chính quyền các địa phương và ngành thú y không kiểm soát được bệnh dại trên động vật thì chi phí điều trị sẽ tiêu tốn gấp 150 lần so với phòng dịch trên động vật.

“Trong 5 năm qua, bệnh dại vẫn là bệnh truyền nhiễm có số người tử vong cao nhất trong số các loại bệnh truyền nhiễm đang lưu hành tại Việt Nam”, tiến sĩ Hương thông tin tại Hội nghị tổng kết chương trình quốc gia khống chế và tiến tới loại trừ bệnh dại năm 2017 – 2021.

Quá khổ vì chó thả rông: Vì sao khó xử lý? - ảnh 1
Chó đi rông tại một khu đô thị ở TP.HCM  LÊ CẦM

Hoà giải, yêu cầu chủ nuôi bồi thường

Theo ông Nguyễn Hữu Phương, Trưởng Trạm Y tế phường 14, quận 10, TP.HCM, với các trường hợp bị chó cắn, trạm hướng dẫn người dân nếu chó đã tiêm ngừa thì cần theo dõi chó trong vòng 2 tuần, nếu chó vẫn bình thường không phát hiện bệnh dại thì người dân không cần tiêm ngừa.

“Tuy nhiên người dân vẫn lo sợ và tiêm ngừa cho yên tâm. Trong trường hợp cần tiêm ngừa, trạm y tế sẽ hòa giải, yêu cầu chủ nuôi sẽ bồi thường các chi phí tiêm ngừa”, ông Phương nói.

Ông Hà Tuấn Phương, Chủ tịch UBND phường 14, quận 10, TP.HCM, cho biết: Hiện nay, vẫn còn tình trạng một số hộ gia đình nuôi chó thả rông, không đeo rọ mõm, không có người dắt khi đưa chó ra nơi công cộng. Việc nuôi chó không đeo rọ mõm, để chó cắn người (đặc biệt là người già và trẻ nhỏ), phóng uế nơi công cộng, khiến người dân lo lắng, ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự và vệ sinh môi trường.

Quá khổ vì chó thả rông: Vì sao khó xử lý? - ảnh 2
Chó đi rông trên vỉa hè khiến người tập thể dục e dè  LÊ CẦM

“Công tác quản lý chó, mèo hiện nay dừng ở mức tuyên truyền, vận động, hòa giải là chính, các trường hợp bị chó cắn chủ yếu được hòa giải ở cơ sở, dựa trên tình làng nghĩa xóm giữa bên chủ chó và người bị chó cắn”, ông Phương cho hay.

 

Chưa có quy định về cấm nuôi chó mèo trong chung cư

Bà Dương Thị Hà, thành viên ban quản lý tại một chung cư ở phường Long Bình, TP.Thủ Đức, TP.HCM, cho biết thời gian qua có khá nhiều cư dân phản ánh về tình trạng nuôi chó mèo trong chung cư gây ảnh hưởng đến các cư dân khác. Tuy nhiên, theo hợp đồng mua bán, hay quy định của pháp luật hiện nay không có quy định về cấm nuôi chó mèo nên rất khó xử lý, cần thông qua hội nghị nhà chung cư để lấy ý kiến số đông.

“Cần phải thông qua hội nghị nhà chung cư để biểu quyết có đồng ý cho nuôi chó mèo trong chung cư hay không…”, bà Hà nói.

Với chó bên ngoài thả rông đi vào khu đô thị thì ban quản lý gửi công văn nhờ bên UBND phường hỗ trợ. Nhưng hiện bên UBND phường cũng không có các đội chuyên xử lý, chủ yếu nhắc nhở, chế tài với một số hộ để chó thả rông đi vào khu đô thị, chứ chưa giải quyết triệt để.

 

Cần có cơ chế quản lý, đồng bộ trên toàn thành phố

Liên quan đến mô hình săn bắt chó, hiện nay một số địa phương đang tổ chức thực hiện mô hình này. Theo ông Hà Tuấn Phương, đây là một mô hình mới, cách làm hay và cần được quan tâm áp dụng tại địa phương, tuy nhiên để triển khai mô hình này thì địa phương cũng gặp nhiều vấn đề khó khăn:

Thứ nhất là khó khăn về nhân sự trong việc thành lập đội bắt chó thả rông: Để bắt được chó thả rông an toàn, người bắt cần phải có nghiệp vụ thành thạo, có dụng cụ chuyên dụng.

Thứ hai là kinh phí tổ chức thực hiện mô hình: Kinh phí về chế độ đối với nhân sự tổ công tác, kinh phí về dụng cụ chuyên dụng.

Thứ ba là hướng xử lý vật nuôi sau khi triển khai mô hình: Bố trí nơi nuôi nhốt, chăm sóc, theo dõi tình hình vật nuôi, xác định chủ vật nuôi trường hợp vật nuôi bị bệnh dại phải có nơi để tiêu hủy, xử lý ngay,…

Thứ tư là vấn đề tiêm ngừa vắc xin phòng bệnh dại tại chỗ: Đội ngũ nhân viên trạm y tế cũng không thể đảm nhiệm việc tiêm phòng tại chỗ. Phường phải phối hợp với Trạm Thú y quận 10 thực hiện tiêm phòng bệnh dại cho vật nuôi trên địa bàn theo định kỳ hằng năm.

Do đó, để thực hiện tốt công quản lý đối với vật nuôi cần có cơ chế quản lý đồng bộ trên toàn thành phố về vấn đề vật nuôi cụ thể là quy trình phát hiện, hướng xử lý các trường hợp chó thả rông, phóng uế gây ô nhiễm môi trường, chó cắn người…

 

Gắn thẻ chip cho vật nuôi

Theo ông Hà Tuấn Phương, có thể áp dụng mô hình gắn chip trên vật nuôi giúp công tác quản lý thú cưng hiệu quả hơn. Thông qua chip, người quản lý sẽ nắm được thông tin chủ vật nuôi, số điện thoại liên hệ, lịch sử tiêm chủng… tiện cho việc quản lý, giám sát, hỗ trợ hay xử phạt trong các tình huống vi phạm.

Đây là cách làm hay mà chúng ta cần quan tâm để việc quản lý vật nuôi được hiệu quả, vừa đảm bảo an toàn cho người dân, vừa đảm vệ sinh chung của người dân không chỉ riêng của phường mà cả thành phố.

LÊ CẦM

TNO