26/12/2024

‘Tiến sĩ chọn đại’: Cần thanh tra tìm lại sự liêm chính của khoa học

‘Tiến sĩ chọn đại’: Cần thanh tra tìm lại sự liêm chính của khoa học

Học vị tiến sĩ chỉ là tấm vé thông hành để nhà khoa học bước vào con đường nghiên cứu chuyên nghiệp, có những đóng góp thực chất cho xã hội. Nhưng thực tế chất lượng nhiều luận án đang đặt ra nhiều câu hỏi.

 

 

Tiến sĩ chọn đại: Cần thanh tra tìm lại sự liêm chính của khoa học - Ảnh 1.

Nhiều bất cập trong việc đào tạo tiến sĩ hiện nay – Ảnh: TTO

Nếu đích đến chỉ là những chức danh để ra oai, thăng quan tiến chức thì quả là một sai lầm trầm trọng, nhiều khuất tất, hệ lụy dễ kéo theo nếu cho ra đời nhiều tiến sĩ giấy.

 

“Tiến sĩ chọn đại”

Dư luận và giới khoa học chưa kịp lắng xuống sau lùm xùm phát hiện những vụ gian dối khoa học trong vấn đề công bố các bài báo quốc tế thì nay lại xuất hiện các luận án tiến sĩ “không giúp ích được gì cho xã hội”.

Rõ ràng công tác tuyển sinh, đào tạo bậc học cao nhất của hệ thống giáo dục quốc dân hay công tác công nhận học hàm giáo sư, phó giáo sư tại Việt Nam đang có vấn đề cần xem xét lại.

Mục đích của nghiên cứu là chỉ ra được thực trạng, hạn chế và đưa ra giải pháp nhằm cải tiến mang tính vi mô và vĩ mô, có tác động lớn đến một cộng đồng hoặc cả xã hội. Và ở tầm nghiên cứu bảo vệ luận án tiến sĩ thì đề tài, vấn đề đưa ra nghiên cứu càng cần phải đáp ứng được yêu cầu thực tiễn xã hội.

Nếu là vấn đề mà xã hội hiện tại đang cấp thiết, cần nghiên cứu để giải quyết thì quá tốt, còn không đó có thể là một nghiên cứu mang tính vĩ mô, nghiên cứu sự phát triển ở một tương lai xa thì vẫn có thể chấp nhận, vì rõ ràng nhiều nghiên cứu trên thế giới vẫn có thể đúng sau hàng chục năm sau đó.

Còn nếu đề tài nghiên cứu quá cũ, quá hẹp, nội dung mang rất ít hàm lượng kiến thức khoa học, không có đóng góp cho khoa học xã hội thì rõ ràng đề tài này chưa đạt yêu cầu, mục đích đầu tiên của việc nghiên cứu. Vì vậy lỗi đầu tiên thuộc về nghiên cứu sinh, người trực tiếp báo cáo, thực hiện đề tài này.

Có thể vì lý do thời gian gấp rút, cần có một luận án hoàn chỉnh để bảo vệ chức danh tiến sĩ nên người nghiên cứu chọn quy mô quá nhỏ, quá hẹp.

Hay cũng có thể là “chọn đại”, chọn đại đề tài, chọn nghiên cứu đại, chọn “giông giống” với những luận án về bộ môn cầu lông đã từng có và chỉ thay đổi thời gian, địa điểm nghiên cứu cho phù hợp.

Lỗi thứ hai thuộc về người hướng dẫn. Vì trong nghiên cứu khoa học, dù ở cấp nào thì người hướng dẫn vẫn rất quan trọng. Họ sẽ là người thẩm định đề tài, xem xét chuẩn mực và tính đúng đắn của đề tài.

Nếu đạt thì sẽ hướng dẫn sâu hơn vào nội dung cụ thể để nghiên cứu sinh nghiên cứu. Vậy trong trường hợp này, lý do gì mà 2 vị GS và PGS lại chấp nhận thông qua, hướng dẫn nghiên cứu đề tài “con kiến” này?

Lỗi thứ 3 thuộc về hội đồng xét duyệt các “luận án cầu lông”. Theo quy định để bảo vệ thành công một luận án tiến sĩ, cần phải trải qua ít nhất 3 vòng bảo vệ độc lập: (1) Đánh giá luận án cấp đơn vị chuyên môn; (2) Phản biện độc lập luận án; (3) Đánh giá luận án ở hội đồng cấp cơ sở đào tạo.

Năm 2021, Bộ Giáo dục và đào tạo đã ban hành quy chế tuyển sinh và đào tạo trình độ tiến sĩ (ban hành kèm theo thông tư số 18 ngày 28-6-2021) thì vòng 2 – vòng phản biện độc lập có thể tiến hành đến 2 lần, tăng so với 1 lần như quy định trước đó, nhằm đảm bảo nghiên cứu sinh và người đánh giá có cơ hội giải trình hoặc bảo lưu quan điểm trong nghiên cứu của mình.

 

Lỗi ở khâu nào?

Nếu như đúng quy trình trên, một nghiên cứu sinh có thể trải qua 4 vòng trước khi chính thức trở thành tiến sĩ. Vậy trong trường hợp này, 2 hội đồng xét duyệt cấp bộ môn và cấp cơ sở đào tạo (Viện Khoa học thể dục thể thao – Bộ Văn hóa, thể thao và du lịch) đã làm đúng quy trình chưa, kiểm duyệt luận án tiến sĩ có thực chất không?

Hay kiểm duyệt qua loa, sơ sài, kiểm duyệt “thần tốc” như cách Viện hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam nghiệm thu 18 đề tài nghiên cứu khoa học trong 1 ngày, sai phạm vừa được Thanh tra Chính phủ báo cáo Thủ tướng?

Tất cả chỉ có thể kết luận khi có sự vào cuộc thanh kiểm tra của các cơ quan chức năng với hoạt động tuyển sinh, đào tạo, xét duyệt, nghiệm thu đề tài nghiên cứu khoa học ở cơ sở đào tạo này. Và có thể rộng hơn là ở tất cả các cơ sở đào tạo bậc học cao nhất của hệ thống giáo dục quốc dân: đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ.

Hoạt động thanh kiểm tra là cần thiết, không thể để tồn tại mãi những hạt sạn cực lớn trong một nền khoa học liêm chính.

PHÚC ĐẰNG
TTO