26/12/2024

‘Nhức nhối luận án tiến sĩ’: Tâm lý sính bằng cấp trong mắt nhà quản lý

‘Nhức nhối luận án tiến sĩ’: Tâm lý sính bằng cấp trong mắt nhà quản lý

Thật không ổn khi những người đang làm việc ở các cơ quan công quyền, các tổ chức chính trị – xã hội đổ xô đi học để có được học vị tiến sĩ.

 

 

Nhức nhối luận án tiến sĩ: Tâm lý sính bằng cấp trong mắt nhà quản lý - Ảnh 1.

Học vị tiến sĩ là nhu cầu, mục tiêu chính đáng của những người làm việc tại các trường đại học, cơ quan nghiên cứu, tổ chức phát triển công nghệ. Tuy nhiên, có xu hướng ngày càng nhiều những người không làm việc trong các lĩnh vực trên cũng cố gắng lấy cho được tấm bằng tiến sĩ.

Có lẽ đó là cái gốc sâu xa của vấn nạn lạm phát bằng thạc sĩ, tiến sĩ và đi kèm là chất lượng đào tạo sau đại học ngày càng báo động.

 

Tấm bằng không làm nên nhà lãnh đạo giỏi

Ở một vị trí công chức trong cơ quan công quyền hay trong tổ chức chính trị – xã hội, một cái bằng tiến sĩ chuyên ngành sâu và hẹp chắc chắn không mang lại lợi ích nhiều cho cơ quan tổ chức trong việc xây dựng chính sách, chiến lược, văn bản quy phạm pháp luật.

Một chuyên viên hay cán bộ lãnh đạo ở cấp quận, huyện, tỉnh hay cấp bộ rất cần kiến thức, kỹ năng tích hợp mang tính liên ngành do quá trình làm chính sách đòi hỏi họ phải hiểu được nhu cầu của các bên liên quan và kỳ vọng của họ để một khi làm chính sách hay làm văn bản quy phạm pháp luật để đưa các mục tiêu chính sách khả thi và tổ chức hiện thực hóa chính sách.

Mặc dù không cần thiết phải có học vấn tiến sĩ trong hầu hết các vị trí việc làm nơi cơ quan công quyền hay ở các tổ chức chính trị – xã hội, nhưng có lẽ do văn hóa “học để làm quan” còn rơi rớt từ chế độ phong kiến đã tạo ra động cơ thúc đẩy việc học và thi giành giật ngôi thứ nơi “quan trường”. Trong xã hội ta có tâm lý khá phổ biến là người có học vị cao hơn dường như được tôn trọng và vị nể cao hơn mà chưa cần biết đến giá trị của người đó, sự đóng góp cho cộng đồng và cho xã hội.

Bằng cấp cao ở Việt Nam hoàn toàn không tự động dẫn đến sự gia tăng về giá trị của người sở hữu tấm bằng cả về học vấn và phẩm chất khác do điều kiện đảm bảo chất lượng khá hạn chế (tài chính, đội ngũ giảng viên, cơ sở vật chất, tài liệu học tập, kiểm tra đánh giá thiếu các chuẩn mực). Người sở hữu bằng cấp cao cũng “tự sướng” với cái gọi là văn bằng đang sở hữu và cũng tự cảm thấy hơn người về “trí tuệ”, nhưng tính chuyên nghiệp ở vị trí việc làm thì chưa chắc.

Bất chấp để có bằng tiến sĩ

Ngoài yếu tố về văn hóa, một số công chức, quan chức làm luận án tiến sĩ còn có động cơ về mặt chính trị và kinh tế. Chính cái tâm lý sính bằng cấp dẫn đến trong con mắt của nhiều nhà quản lý đánh giá người có bằng tiến sĩ có cái gì đó hơn người và việc cất nhắc bổ nhiệm thường hướng đến những con người đó với sự ưu ái thiên vị nào đó.

Xu hướng chạy theo bằng cấp trong tuyển dụng, bổ nhiệm nơi cơ quan công quyền dường như trở thành một “phong trào” là điều rất đáng ngại hiện nay. Để đạt được mục tiêu bằng cấp và các lợi ích cá nhân khác, người ta sẽ bất chấp tất cả để có được bằng cấp kể cả việc gian dối trong học thuật, họ sẵn sàng làm tha hóa đội ngũ nhà khoa học hướng dẫn và các thành viên hội đồng chấm luận án. Thực tế đã có khá nhiều luận án tiến sĩ được bảo vệ thành công nhưng hầu như rất thiếu “chất xám” khoa học và giá trị không xứng tầm.

Thực trạng sính bằng cấp cần được thay đổi từ nhận thức của các cơ quan công quyền và sau đó là đừng để quá dễ dãi trong việc đào tạo và cấp bằng. Trong tuyển dụng, sử dụng và trả lương rất cần xây dựng khung năng lực và bản mô tả vị trí việc làm rõ ràng và không quá nhấn mạnh vào bằng cấp.

Để làm trong sạch hệ thống học thuật Việt Nam, cơ quan quản lý đào tạo cần thường xuyên rà soát và xử lý dừng hoạt động đào tạo nếu có hiện tượng mua bán bằng cấp hay thả lỏng chất lượng đào tạo, đồng thời yêu cầu các cơ sở đào tạo tiến sĩ triển khai khung trình độ quốc gia xây dựng chuẩn đầu ra cụ thể kèm theo các giải pháp đảm bảo chất lượng.

Ngoài ra cũng nên xem xét tư cách, năng lực của một số giáo sư, phó giáo sư hướng dẫn và ngồi chấm trong hội đồng đánh giá nghiên cứu sinh để đảm bảo giá trị học thuật cũng như văn hóa, tính liêm chính học thuật. Bởi khi con người ta bỏ qua giá trị học thuật đích thực thì sự giả dối sẽ lên ngôi và dễ ảnh hưởng tiêu cực cho những thế hệ sau.

 

Tiến sĩ làm việc ở đâu?

Trong một nghiên cứu của châu Âu (Báo cáo điều tra việc làm với người có bằng tiến sĩ 2017) cho thấy chỉ có 7% trong số gần 2.000 người có học vị tiến sĩ được khảo sát làm trong cơ quan nhà nước, trong khi có đến 62% tiến sĩ làm việc ở trường đại học và cơ quan nghiên cứu. Công việc của một tiến sĩ là ở trường đại học, viện nghiên cứu là chính. Cơ quan nhà nước không nhất thiết cần nhân lực có trình độ tiến sĩ, trừ những chuyên gia cao cấp, những nhà tư vấn cho chính phủ hoặc xây dựng luật pháp.

TS HOÀNG NGỌC VINH
TTO