24/11/2024

Mất ngủ, ho, chảy mũi… bất ngờ khi biết ‘thủ phạm’ ngay trong nhà

Mất ngủ, ho, chảy mũi… bất ngờ khi biết ‘thủ phạm’ ngay trong nhà

Nhiều người bị hắt hơi, sổ mũi khi về nhà, mất ngủ về đêm mà không biết nguyên nhân là do mẫn cảm với con mạt nhà. Mạt nhà thường sống dưới thảm, vỏ chăn, gối, nệm, đivăng, thú nhồi bông, máy lạnh…

 

Mất ngủ, ho, chảy mũi... bất ngờ khi biết thủ phạm ngay trong nhà - Ảnh 1.

Mạt nhà thường sống trong thú nhồi bông, cần phải vệ sinh thường xuyên để bảo đảm sức khỏe cho trẻ – Ảnh: DUYÊN PHAN

Chị N.T.L., 28 tuổi, ngụ ở TP.HCM, thường xuyên bị nổi ban dưới cổ, ngứa nhiều trên người và họng. Chị L. than chị bị ho nhiều về đêm khiến chị mất ngủ. Trước đây, chị L. chưa từng bị như vậy. Những triệu chứng này chỉ xuất hiện từ khi chị mới chuyển phòng trọ.

Nghi ngờ bệnh nhân bị dị ứng, bác sĩ cho bệnh nhân làm xét nghiệm tìm dị nguyên. Kết quả cho thấy chị dị ứng với mạt bụi nhà Dermatophagoides pteronyssinus (Dp) và Dermatophagoides farina (Df) và với cỏ gà.

Trước đây, bệnh nhân cũng có tiền căn viêm mũi dị ứng mãn tính từ nhỏ, thường xuyên có triệu chứng viêm mũi khi thời tiết thay đổi, kèm cơ địa dị ứng thức ăn.

 

Ngứa về đêm, khó ngủ

Tương tự, bà T.H.O., 65 tuổi, ngụ ở Đồng Nai, thỉnh thoảng cũng bị nổi mẩn ngứa, nhất là khi về đêm. Vào tầm giờ đi ngủ, những chỗ ngứa trên da có lúc nổi gồ trên bề mặt da, ở cổ. Do bị ngứa nhiều, bà O. liên tục gãi khiến da trầy xước nhiều. Những khi đi vào chỗ nhiều bụi, bà thường xuyên có triệu chứng chảy nước mũi, hắt hơi.

Cảm giác ngứa về đêm khiến cho bà trằn trọc khó ngủ. Tình trạng này kéo dài hơn một năm. Gần đây, bà được chỉ định làm xét nghiệm tầm soát dị nguyên tại bệnh viện. Kết quả, xét nghiệm tầm soát dị ứng cho thấy bệnh nhân bị dị ứng với hai con mạt bụi nhà (Dp, Df). Bệnh nhân này cũng có tiền căn viêm mũi dị ứng, viêm da cơ địa đang điều trị nhiều năm.

TS Trịnh Hoàng Kim Tú, Đại học Y dược TP.HCM, cho biết hai bệnh nhân trên có quá trình mẫn cảm xảy ra từ nhiều năm, có thể từ khi còn nhỏ, sau khi tiếp xúc nhiều lần thì bệnh nhân mới có triệu chứng do mạt bụi nhà.

Mạt bụi nhà là một trong các dị nguyên quan trọng nhất trong nhà đối với bệnh nhân dị ứng. Hiện tại, đã có 20 loại mạt được phát hiện, phổ biến nhất tại các nước Đông Nam Á và Việt Nam là Dp, Df và Blomia tropicalis (Bt).

Trong thực tế, tỉ lệ dị ứng với con mạt nhà gặp khá nhiều ở những người có cơ địa dị ứng, đặc biệt là nhóm bệnh có viêm mũi dị ứng.

Mất ngủ, ho, chảy mũi... bất ngờ khi biết thủ phạm ngay trong nhà - Ảnh 2.

Mạt nhà thường sống trong thú nhồi bông, cần phải vệ sinh thường xuyên để bảo đảm sức khỏe cho trẻ – Ảnh: DUYÊN PHAN

Thường gây dị ứng ở người có bệnh dị ứng

Một nghiên cứu của TS Kim Tú cùng các đồng nghiệp tại TP.HCM cho thấy, mạt bụi nhà (Dp, Df và Bt) là nguyên nhân phổ biến nhất gây dị ứng ở người có bệnh lý dị ứng, cả trẻ em và người lớn. Tỉ lệ bệnh nhân hen suyễn có mẫn cảm với Dp và Df là 26,3%, 31,6%, còn đối với viêm mũi dị ứng, tỉ lệ mẫn cảm với Dp (40,9%), Df (54,5%) và Bt cao hơn (22,7%). Các khảo sát ở Hà Nội và Đà Lạt cũng cho thấy tương tự.

Nhiều người lầm tưởng con mạt nhà với con bọ ve và tưởng mạt bụi nhà gây dị ứng khi cắn. Nhưng thật ra con mạt nhà có kích thước nhỏ, chỉ chừng 0,1-1 micrometer, do đó không nhìn thấy được bằng mắt thường, cũng như không cảm nhận được mạt bụi nhà trên da.

Mạt nhà thích môi trường ấm áp, ẩm ướt, nghiên cứu cho thấy những nơi có nồng độ mạt nhà cao là thảm, khu vực bên dưới thảm, vỏ chăn, gối, nệm, đivăng, đặc biệt ở trẻ em là thú bông, máy lạnh. Một số loại mạt có thể sinh sống trong thức ăn có nấm mốc, hoặc trong các túi bột đã mở ra lâu ngày nhưng không sử dụng.

Những chất tiết của mạt nhà (phân…) cũng như bản thân cơ thể con mạt nhà chứa các protein gây dị ứng – còn gọi là dị nguyên, vì vậy khi tiếp xúc với bệnh nhân dị ứng, có thể tiếp tục gây mẫn cảm và do đó gây kéo dài triệu chứng. Đó là lý do một số bệnh nhân gặp triệu chứng trong nhà như hắt hơi, ho, ngứa, nổi mề đay về đêm… ảnh hưởng đến giấc ngủ cũng như sinh hoạt hằng ngày.

 

Cách phòng tránh con mạt nhà

Theo TS Kim Tú, với những người đã biết chắc chắn mình bị dị ứng với mạt nhà và có những triệu chứng liên quan nên phòng tránh bằng cách giảm nồng độ mạt bụi nhà hoặc giảm tiếp xúc với mạt nhà bằng cách giặt đồ bằng nước ấm (≥ 55 độ C), phơi nắng có thể diệt gần như toàn bộ lượng mạt nhà, nhiệt độ thấp (-15 độ C) ít nhất 48 giờ có thể diệt mạt nhà và trứng mạt.

Đối với đồ chơi của trẻ, nên lau rửa bằng nước ấm thường xuyên, hoặc bỏ đồ chơi vào trong ngăn đông ít nhất 2 ngày, và sau đó rửa sạch trước khi cho trẻ chơi lại.

Ngoài ra, cần duy trì độ ẩm 45-50% để kiểm soát sự phát triển của mạt nhà, sử dụng các dụng cụ lọc không khí phù hợp cho thấy giảm triệu chứng hô hấp ở bệnh nhân dị ứng.

Hút bụi bằng máy phù hợp 1 lần/tuần, có thể đeo khẩu trang đối với người bị dị ứng và đi ra khỏi phòng trong vòng 20 phút sau hút bụi, nếu nhà có trẻ bị dị ứng thì hút bụi 1 tuần/lần khi không có trẻ trong phòng.

Chọn loại vỏ bọc gối có thể giặt bằng nước ấm, phơi nắng, nếu có điều kiện có thể sử dụng các loại vải bọc giường chuyên dụng chống lại mạt nhà.

Tuy nhiên, dị ứng mạt nhà không phải lúc nào cũng liên quan đến triệu chứng bệnh, do đó cần được bác sĩ khám để xác định rõ có bị dị ứng với mạt nhà hay không để áp dụng biện pháp phòng tránh.

THÙY DƯƠNG
TTO